Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã có các nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến CLCS của bệnh nhân HIV/AIDS bao gồm: Giới tính, các yếu tố nhân khẩu học – kinh tế - xã hội, các yếu tố lâm sàng và điều trị, các yếu tố về sử dụng chất gây nghiện, các yếu tố về kỳ thị và phân biệt đối xử,…
Giới tính
Mrus và cộng sự đã thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên lâm sàng nhằm đánh giá sự khác biệt giới tính về khía cạnh CLCS ở các bệnh nhân điều trị ARV. Kết quả tại thời điểm ban đầu cho thấy nữ giới có CLCS thấp hơn nam giới ở tất cả các khía cạnh, ngoại trừ chức năng xã hội. Tại các thời điểm đánh
giá tiếp theo (đến tuần thứ 40), nữ giới vẫn tiếp tục có điểm số CLCS thấp hơn nam giới, ngoại trừ khía cạnh sức khỏe tổng quát [39].
Một nghiên cứu cắt ngang khác được thực hiện tại Uganda, tác giả Mast và cộng sự đã đo lường CLCS ở người nhiễm HIV/AIDS là nữ giới. Kết quả cho thấy, các phụ nữ nhiễm HIV có CLCS thấp hơn ở các yếu tố sức khỏe tổng quát, chức năng tâm thần và thể chất, đau đớn, và chức năng xã hội so với phụ nữ có HIV âm tính [37].
Nghiên cứu của tác giả Michael L. Campsmith thực hiện trên 3778 bệnh nhân HIV/AIDS cho thấy các bệnh nhân là nữ giới có CLCS thấp hơn nam [18].
Tại Việt Nam, nghiên cứu của tác giả Trần Xuân Bách thực hiện năm 2012 trên 155 bệnh nhân điều trị ARV tại bệnh viện Thụy Điển – Uông Bí, Quảng Ninh đã so sánh sức khác biệt giới tính ảnh hưởng đến CLCS của bệnh nhân. Sử dụng thang đo lường WHO-QOL BREF, kết quả nghiên cứu chỉ ra bệnh nhân nam giới có CLCS cao hơn ở các khía cạnh thể chất, môi trường và xã hội so với nữ giới. Ngoài ra, phụ nữ đã từng sinh con cũng được báo cáo là có CLCS thấp hơn ở các khía cạnh hỗ trợ xã hội, tâm lý và môi trường so với các nhóm còn lại [47].
Các yếu tố nhân khẩu học – kinh tế – xã hội
Một nghiên cứu cắt ngang đã được thực hiện bởi Eriksson và cộng sự trên một nhóm các đối tượng HIV/AIDS nam quan hệ đồng giới tại Thụy Sỹ nhằm đánh giá CLCS của họ so với nhóm dân số chuẩn, đồng thời xác định các yếu tố nhân khẩu và xã hội liên quan đến CLCS. Kết quả cho thấy CLCS ở nhóm đối tượng HIV/AIDS thấp hơn so với quẩn thể nam giới chuẩn. Các khía cạnh về sức khỏe bị ảnh hưởng lớn nhất. Khi thực hiện so sánh theo các biến về y tế và nhân khẩu cho các phân nhóm khác nhau trong mẫu bệnh nhân HIV, sự khác biệt về khía cạnh thể chất là nổi bật nhất. Có triệu chứng của HIV, điều trị ARV,
nghỉ việc hoặc mất khả năng lao động, thu nhập thấp và giáo dục cơ bản được chứng minh là có sự liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe và CLCS thấp [22].
Nghiên cứu được thực hiện bởi tác giả O'Keefe thực hiện tại Nam Phi cũng cho kết quả tương tự. Tác giả tiến hành một nghiên cứu cắt ngang với mục tiêu là đánh giá CLCS của người nhiễm HIV sử dụng bộ công cụ SF-36, đồng thời xác định sự ảnh hưởng của các yếu tố giới tính, chủng tộc và giai đoạn lâm sàng đến CLCS của họ. Nghiên cứu chỉ ra đối tượng HIV có điểm số CLCS ở tất cả các khía cạnh thấp hơn đáng kể so với nhóm so sánh; phần lớn sự suy giảm các chức năng xảy ra sớm đối với các bệnh nhân ở giai đoạn lâm sàng 1 và 2. Ngoài ra, tác động của HIV đối với CLCS độc lập với nguồn gốc chủng tộc của người nhiễm [41].
Kết quả tương tự cũng được xác định trong nghiên cứu của tác giả Hays, trong đó, các yếu tố nhân khẩu học - xã hội như tuổi già, nữ giới, thất nghiệp và thu nhập thấp có sự liên quan đến CLCS thấp ở bệnh nhân. Mục đích của nghiên cứu này nhằm so sánh CLCS của các bệnh nhân người lớn nhiễm HIV với dân số nói chung và với những bệnh nhân có các bệnh mạn tính khác, đồng thời xác định mối liên quan giữa các biến nhân khẩu học và mức độ nghiêm trọng bệnh đối với CLCS. Chức năng thể chất không có sự khác biệt ở người lớn có bệnh HIV không có triệu chứng so với nhóm dân số tổng quát, nhưng tệ hơn nhiều đối với những người có triệu chứng hoặc những người đủ tiêu chuẩn cho các hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Chức năng tinh thần không có sự khác biệt giữa các bệnh nhân với các giai đoạn khác nhau, tuy nhiên lại thấp hơn so với dân số nói chung và bệnh nhân có các bệnh mãn tính khác, ngoại trừ yếu tố trầm cảm. Trong phân tích đa biến, các triệu chứng liên quan đến HIV đã được chứng minh là có sự liên quan chặt chẽ với sức khỏe thể chất
và tinh thần, trong khi chủng tộc, giới tính, tình trạng bảo hiểm y tế, giai đoạn bệnh, và CD4 có mức độ liên quan yếu hơn [23].
Một nghiên cứu cắt ngang, trong đó CLCS được đánh giá bằng cách sử dụng thang đo WHOQOL-BREF (Tiếng Hin-du) thực hiện ở miền Bắc Ấn Độ với mục đích nhằm xác định tác động của HIV/AIDS đối với CLCS cũng kết luận rằng CLCS có sự liên quan với giáo dục, thu nhập, nghề nghiệp, hỗ trợ gia đình và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Kết quả cho thấy có một sự khác biệt đáng kể CLCS ở khía cạnh thể chất giữa các bệnh nhân không có triệu chứng và bệnh nhân AIDS (p < 0,001) và bệnh nhân không có triệu chứng so với các bệnh nhân có triệu chứng (p = 0,014). CLCS ở khía cạnh tâm lý thấp hơn đáng kể ở các bệnh nhân có triệu chứng (p < 0,05) và bệnh nhân AIDS (p < 0,006) so với cá nhân không có triệu chứng. Một sự khác biệt đáng kể CLCS ở khía cạnh tâm lý đã được quan sát ở các đối tượng với tình trạng giáo dục (p < 0,037) và thu nhập khác nhau (p < 0,048). Điểm CLCS tốt hơn đáng kể ở khía cạnh thể chất (p < 0,040) và môi trường (p < 0,017) với những bệnh nhân hiện đang có việc làm. Bệnh nhân với sự hỗ trợ gia đình có điểm số CLCS tốt hơn trong khía cạnh môi trường [52].
Tác giả Meng và cộng sự cũng có kết quả tương tự liên quan đến tác động của đặc điểm nhân khẩu học xã hội lên CLCS của bệnh nhân HIV/AIDS. CLCS của 114 người sống chung với HIV đã được đánh giá dựa trên 1604 cư dân nông thôn ở tỉnh Tứ Xuyên. Tuổi, giới tính, và thời gian nhiễm là những yếu tố chính ảnh hưởng CLCS của người sống chung với HIV [38].
Cũng có kết quả tương tự, nghiên cứu của tác giả Michael L. Campsmith thực hiện trên 3778 bệnh nhân HIV/AIDs cho thấy các bệnh nhân có độ tuổi cao, tiêm chích ma túy, trình độ học vấn và kinh tế thấp, không có bảo hiểm là các yếu tố dự báo CLCS thấp ở bệnh nhân [18].
Trong khi đó, nghiên cứu của Ekaterine Karkashadze và các cộng sự trên 201 bệnh nhân HIV tại Georgia (2016) đã chỉ ra, bệnh nhân đang điều trị bằng ARV, có trình độ học vấn cao hơn, có tế bào CD4 ≥200 tế bào/mm3 và tuổi ≥40 thì có CLCS cao hơn, tốt hơn [21]. Tương tự, nghiên cứu của Kalpana Srivastava trên 182 bệnh nhân mắc HIV cũng đã chỉ ra, có mối liên quan đồng biến, có ý nghĩa thống kê giữa CLCS và số lượng tế bào CD4 [30].
Nghiên cứu khác của Jun-Fang Xu đã chỉ ra một yếu tố nữa có thể tác động đến CLCS của bệnh nhân mắc HIV/AIDS là sự giúp đỡ của gia đình: CLCS càng cao khi đối tượng nhận được hỗ trợ của gia đình càng nhiều [29].
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Lê Minh Giang năm 2015 trên 320 bệnh nhân điều trị Methadone tại Hải Phòng cho thấy: Chất lượng cuộc sống về thể chất cao hơn ở những bệnh nhân có công việc ổn định (p < 0,05), chất lượng cuộc sống về tâm lý cao hơn ở những bệnh nhân trẻ, bệnh nhân có thu nhập cao (p < 0,05). Bệnh nhân có thu nhập cao đồng thời cũng có chất lượng cuộc sống về môi trường tốt hơn (p < 0,05). Bệnh nhân đang kết hôn hoặc tái hôn có chất lượng cuộc sống về mặt xã hội tốt hơn (p < 0,05) [9].
Các yếu tố lâm sàng và điều trị
Các yếu tố lâm sàng bao gồm giai đoạn lâm sàng, nhiễm trùng cơ hội, số lượng tế bào CD4, thời gian điều trị hay việc tuân thủ điều trị đã được chứng minh là có sự liên quan chặt chẽ đến CLCS của bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV trên thế giới.
Nghiên cứu của tác giả Ma Liping thực hiện năm 2014 trên 2479 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã tìm hiểu sự liên quan giữa các yếu tố lâm sàng kể trên với từng khía cạnh CLCS sử dụng thang đo WHO-QOL BREF. Kết quả cho thấy, các yếu tố về tuổi, số lượng tế bào CD4, và tuân thủ điều trị có sự liên quan đến khía cạnh CLCS thể chất của
bệnh nhân. Số lượng tế bào CD4, tuân thủ điều trị và giai đoạn lâm sàng cũng là yếu tố dự báo các khía cạnh CLCS về tâm lý và xã hội [34].
Trong một mẫu nghiên cứu 139 bệnh nhân HIV hoặc đang ở giai đoạn AIDS, Marieh Nojomi và cộng sự đã chỉ các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự suy giảm CLCS ở người nhiễm HIV bao gồm giới tính, hiện đang ly dị hoặc ở góa, số lượng tế bào CD4 thấp và ở các giai đoạn lâm sàng cao có nhiều các nhiều các nhiễm trùng cơ hội [40].
Stangl và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu theo dõi dọc và xem xét các xu hướng cùng những yếu tố dự báo CLCS trên một thuần tập 947 người lớn bắt đầu điều trị kháng retro vi rút hoạt tính cao tại Uganda. Kết quả cho thấy điều trị kháng retro vi rút hoạt tính cao giúp cải thiện điểm số CLCS cả về thể chất và tinh thần: Điểm CLCS về thể chất và tinh thần lần lượt là 39,2 và 40,0. Tuy nhiên, sau 12 tháng điều trị kháng retro vi rút hoạt tính cao, điểm này đã tăng lên hơn 11,2 điểm (p < 0,001) và 7,4 điểm (p < 0,001) [44].
Ngoài miễn dịch và giai đoạn lâm sàng, các nghiên cứu cũng chỉ ra bệnh nhân có CLCS thấp thường thường có xu hướng có tải lượng vi rút ở ngưỡng cao. Nghiên cứu của tác giả S.A. Call báo cáo kết quả nghiên cứu trên 158 bệnh nhân điều trị ARV với mục tiêu chính là tìm hiểu sự liên quan giữa tải lượng vi rút và CLCS của bệnh nhân. Kết quả đã chứng minh tải lượng vi rút có sự liên quan tiêu cực đến tất cả các khía cạnh CLCS của bệnh nhân, bao gồm thể chất, đau đớn, và tâm lý. Cũng trong nghiên cứu này, số lượng tế bào CD4 thấp cũng có sự liên quan chặt chẽ đến CLCS thấp ở bệnh nhân [17].
Các yếu tố về hành vi sử dụng chất gây nghiện
Sử dụng các chất gây nghiện bao gồm ma túy dạng opioid, thuốc lá và rượu bia rất phổ biến ở các đối tượng sống chung với HIV/AIDS. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các tác động tiêu cực của tình trạng lạm dụng chất gây nghiện đến đáp ứng điều trị ARV cũng như CLCS của bệnh nhân HIV/AIDS.
Thuốc lá đã được chứng minh là có sự liên quan đến CLCS của người nhiễm HIV/AIDS. Hai nghiên cứu của tác giả John Kowal thực hiện năm 2008 và Crothers K thực hiện năm 2005 cho thấy thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực đến CLCS của bệnh nhân [20, 32]. Trong nghiên cứu của tác giả Kowal, các bệnh nhân HIV/AIDS hiện đang sử dụng thuốc lá có điểm số CLCS thấp nhất, so với các bệnh nhân đã cai thuốc hoặc chưa bao giờ hút thuốc [20]. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng cho thấy các tác động không tốt đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân [32].
Các nghiên cứu đã cho thấy sử dụng ma túy có sự liên quan đến CLCS thấp ở các bệnh nhân HIV/AIDS. Tác giả P. Todd Korthuis nghiên cứu tác động các lạm dụng chất gây nghiện đến CLCS của người nhiễm HIV/AIDS trên 951 bệnh nhân từ 14 phòng khám. Kết quả cho thấy, lạm dụng chất gây nghiện được xác định ở 37% bệnh nhân. Qua mô hình hồi quy tuyến tính đa biến, lạm dụng ma túy tác động tiêu cực đến cả khía cạnh sức khỏe thể chất và tâm thần của đối tượng [31].
Các yếu tố kỳ thị và phân biệt đối xử
Nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra kỳ thị, lo sợ về tình trạng bệnh tật, phân biệt đối xử từ gia đình và cộng đồng có sự liên quan đến tiếp cận điều trị muộn, tuân thủ và đáp ứng điều trị kém và CLCS thấp ở người nhiễm HIV/AIDS.
Holzemer và cộng sự đã phát triển một khung lý thuyết về kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS và tác động của nó đến người sống chung với HIV, trong đó, xác định CLCS như một đầu ra sức khỏe chính của kỳ thị và phân biệt đối xử. Sự sợ hãi các thành kiến và phán xét của người khác ảnh hưởng đến người nhiễm về cảm nhận về của họ với HIV và cách họ đương đầu chống lại căn bệnh này. Người nhiễm HIV/AIDS thường tự đổ lỗi, tự trách bản thân và xấu hổ, điều này gây ra các tác động tiêu cực đến tiếp cận điều trị, tuân thủ điều trị của họ. Bên cạnh đó, bệnh nhân HIV cũng thường xuyên cảm thấy lo âu, buồn
chán dẫn đến trầm cảm và các bệnh lý tâm thần kéo dài khiến họ khó làm việc được bình thường và hòa nhập cộng đồng. Như vậy, có thể nói sự kỳ thị tác động đến tất cả các khía cạnh CLCS ở bệnh nhân, bao gồm cả thể chất, tâm thần và xã hội [25].
Trong một nghiên cứu khác, tác giả Holzemer và cộng sự đã tiến hành tìm hiểu sự liên quan của các yếu tố nhân khẩu học, tình trạng bệnh, sự kỳ thị và CLCS của bệnh nhân. Nghiên cứu thực hiện trên 726 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó, tìm ra sự kỳ thị đóng góp một cách độc lập đáng kể đến CLCS với 5,3% của phương sai được giải thích trong tổng điểm CLCS [24]. Nghiên cứu của tác giả Aaron G. Buseh thực hiện tại Hoa Kỳ với 55 người nhiễm HIV/AIDS gốc Phi cũng cho thấy các tác động tiêu cực của kỳ thị tới CLCS. Kết quả trong nghiên cứu này cho thấy nếu không có những nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng kỳ thị với bệnh nhân của các điều dưỡng, y tế thì họ khó có thể hỗ trợ, giúp đỡ được những người đàn ông Mỹ gốc Phi bị nhiễm HIV đạt được CLCS tốt hơn [16].
Tác giả Xiaohua Wu đã thực hiện một nghiên cứu tại Trung Quốc nhằm xác định mối liên quan giữa kỳ thị phân biệt đối xử, hỗ trợ xã hội và CLCS ở người nhiễm HIV/AIDS. Thực hiện trên 190 bệnh nhân, kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ kỳ thị, hỗ trợ xã hội và CLCS đều ở mức trung bình. Sử dụng mô hình hồi quy đa biến, tác giả đã chỉ ra mức độ kỳ thị thấp và hỗ trợ từ gia đình và xã hội cao là các yếu tố dự báo CLCS tốt hơn ở những người nhiễm HIV [53].
Nghiên cứu của tác giả Trần Xuân Bách thực hiện năm 2012 trên gần hơn 1000 bệnh nhân nghiện chích ma tuý nhiễm HIV tại Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm thấy một số yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê đến CLCS của bệnh nhân: bệnh nhân là giới nữ, có trình độ học vấn thấp,
tình trạng thất nghiệp, tình trạng sử dụng rượu bia và ma tuý, giai đoạn lâm sàng và chỉ số CD4 <200 tế bào/ml sẽ có CLCS thấp hơn [48].
Kết quả nghiên cứu của Lã Thị Nguyệt Minh năm 2016 trên những bệnh nhân HIV/AIDS điều trị nội trú tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho thấy: