5. Kết cấu của luận văn
4.1.3. Định hướng phát triển khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế của
các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh
4.1.3.1. Định hướng phát triển dịch vụ kinh doanh thẻ của Chính phủ Việt Nam
Một trong những định hướng quan trọng của Chính phủ về việc phát triển phương thức thị trường kinh doanh thương mại là triển khai Đề án thị trường kinh doanh thương mại, trong đó đưa ra 6 giải pháp đồng bộ giúp tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động thị trường kinh doanh thương mại ở Việt Nam trong thời gian tới. Theo Đề án, đến cuối năm 2010, mức phát hành thẻ trong thanh toán phấn đấu đạt 15 triệu thẻ; 70% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng… lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Con số này đến năm 2020 phấn đấu đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến năm 2010 không quá 18%; đến năm 2020 khoảng 15%. Số lượng tài khoản cá nhân vào cuối năm 2010 đạt mức 20 triệu; 70% cán bộ hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân thực hiện trả lương qua tài khoản. Đến năm 2020 đưa những con số này lên lần lượt là 45 triệu tài khoản cá nhân (bình quân mỗi người có 0,5 tài khoản); 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và
80% lao động được trả lương qua tài khoản. Các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp thực hiện qua ngân hàng đạt mức 80% vào năm 2010 và đạt 95% vào năm 2020.
Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh và ổn định trên 7.5% năm trong nhiều năm; dân số đông, cơ cấu dân số trẻ cùng với việc mở của hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới; sự phát triển bùng nổ của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán; tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng ngày càng giảm… tất cả các yếu tố trên là tiền đề cho sự bùng nổ thị trường thẻ Việt Nam trong thời gian tới [20].
4.1.3.2. Cơ sở pháp lý của dịch vụ kinh doanh thẻ ngân hàng
Về cơ sở pháp lý, trong năm 2016, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, Thống đốc NHNN ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán, cụ thể như Nghị định số 80/2016/NĐ- CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, thay thế một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ- CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Thông tư số 20/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.
Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về việc ủy thác và nhận
ủy thác trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành và phát triển các dịch vụ TTKDTM thông qua cơ chế ủy thác của ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu thực tế và phù hợp thông lệ quốc tế.
Về cơ sở hạ tầng, công nghệ, NHNN đã ban hành Kế hoạch số 16/KH- NHNN ngày 30/12/2015 về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử. Theo đó chậm nhất đến 31/12/2020, toàn bộ thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip. Ngoài ra, ngày 09/6/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-NHNN thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án xây dựng Hệ thống ACH tại Việt Nam để thực hiện triển khai xây dựng Hệ thống ACH, phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ.
Bên cạnh đó, NHNN đang thực hiện triển khai nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng trong nền kinh tế và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thực hiện mở rộng việc kết nối hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước với Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Về triển khai công tác giám sát, NHNN thực hiện giám sát, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán do NHNN quản lý và vận hành; giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; phân tích, đánh giá các rủi ro liên quan đến các hệ thống thanh toán và tham mưu cho Thống đốc các biện pháp kiểm soát rủi ro đảm bảo sự hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán; Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát (liên vụ) về công tác thanh toán, đảm bảo an toàn, an ninh trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh các nguy cơ, vi phạm các quy định của NHNN; Phối hợp có hiệu quả với Cơ quan Điều tra trong việc xác minh, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra các vụ việc liên quan đến tội phạm trong hoạt động thanh toán.[26]
4.1.3.3. Định hướng phát triển khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế của các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh
Trong thời gian tới các ngân hàng thương mại nhà nước cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường nhằm ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với những yêu cầu và chuẩn mực mới đáp ứng nhu cầu đổi mới hoạt động ngân hàng trong điều kiện hội nhập quốc tế. Cơ cấu lại tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Phát triển mạnh công nghệ ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng.
Để có thể giữ vững được thị phần và không ngừng phát triển, các ngân hàng thương mại nhà nước, cần phải xây dựng cho mình những kế hoạch dài hạn, có định hướng rõ ràng về đối tượng khách hàng cần hướng tới để có đề xuất phát triển sản phẩm cho phù hợp.
Triển khai thêm sản phẩm mới về huy động vốn, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng lãi suất và các chính sách marketing khách hàng. Tiến hành thực hiện mở tài khoản cá nhân và thu chi tiền mặt trên tài khoản VNĐ của các tổ chức tại ngân hàng để thu hút thêm khách hàng giao dịch tài khoản.
Đẩy mạnh công tác khách hàng bằng cách duy trì và xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng truyền thống, đồng thời tiếp cận những khách hàng tiềm năng, có uy tín. Phối hợp với các phòng chức năng của TW hoàn thiện một số chương trình tin học như chương trình chuyển tiền, đối chiếu điện liên hàng bằng máy... Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay đối với khách hàng bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước và các công ty mới được cổ phần hoá. Các ngân hàng thương mại cũng phải xây dựng được chuẩn mực đánh
giá cá nhân vay để phân loại cho điểm khách hàng. Thực hiện theo quy trình tín dụng 90 nhằm tăng cường quản lý rủi ro, nhưng cần khắc phục tính chậm trễ do phải qua nhiều bộ phận.
Nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của cán bộ, công nhân viên để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn trong xu thế hội nhập toàn cầu. Thường xuyên tổ chức tập huấn các kĩ năng giao tiếp, quan hệ khách hàng, hướng dẫn cán bộ nắm vững các văn bản luật,… để xử lý tốt tình huống phát sinh trong thực tế để đáp ứng nhanh chóng và thoả đáng các yêu cầu của khách hàng.
Trong giai đoạn hiện nay phần lớn các ngân hàng thương mại nhà nước đang có xu hướng chuyển mục tiêu kinh doanh sang khu vực dân cư thay vì tiếp tục khai thác lợi nhuận từ khu vực các tổ chức kinh tế. Và phát triển dịch vụ thẻ thanh toán được coi là lựa chọn hàng đầu trong chiến lược mở rộng thị trường ngân hàng bán lẻ do những tiện ích mà dịch vụ này mang lại cho khách hàng, ngân hàng và nền kinh tế. Đặc biệt trong thời gian tới, thị trường dịch vụ thẻ thanh toán của Việt Nam hứa hẹn sẽ có một triển vọng phát triển mạnh mẽ vì những nguyên nhân sau:
- Sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng và với tốc độ phát triển cao, bền vững.
- Sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử mà trong đó thẻ thanh toán là một bộ phận.
- Sự phát triển của khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin và mạng máy tính trên thế giới và của Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công nghệ ngân hàng, đưa những phương tiện thanh toán hiện đại của thế giới tiếp cận với thị trường nội địa.
- Việt Nam có thị trường là hơn 80 triệu dân - một thị trường tiềm năng đối với bất kì sản phẩm dịch vụ cá nhân nào. Và cùng với xu thế phát triển của đất nước, trình độ dân trí cũng nâng lên, nhiều siêu thị thay thế cho các chợ, nên người dân sẽ quen với việc dùng thẻ để thanh toán.
- Sự tăng trưởng của ngành du lịch với số lượng lớn du khách quốc tế; các khách sạn, khu resort… ngày một nhiều.
- Nhu cầu đi du học, đi du lịch, đi công tác nước ngoài của người Việt Nam… tăng lên đáng kể.
Mục tiêu phát triển dịch vụ thẻ ghi nợ quốc tế của các ngân hàng thương mại nhà nước trong cả nước nói chung, trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn sắp tới là:
- Nhanh chóng tiếp thu và tiếp cận các công nghệ thanh toán thẻ hiện đại đang được sử dụng trên thế giới.
- Hiện đại hóa việc thanh toán thẻ qua ngân hàng tại Việt Nam, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị cần thiết cho việc phát hành và thanh toán thẻ.
- Đẩy mạnh ứng dụng thẻ ngân hàng trong nước cần gắn liền với công nghệ phát triển thẻ quốc tế, phải phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định và các thông lệ quốc tế.
- Hoàn thiện nghiệp vụ phát hành và thanh toán thẻ tại các ngân hàng thương mại, tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán trong giao dịch tiền tệ và mua bán hàng hóa dịch vụ.
- Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ.
- Xây dựng thống nhất một trung tâm chuyển mạch quốc gia để kết nối các liên minh thẻ đang tồn tại thành một liên minh duy nhất.[28]