7. Cấu trúc của luận văn
2.3. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Thế giới tâm hồn nhân vật vốn bí ẩn và phức tạp nên việc khám phá và thể hiện nó là một công việc vô cùng khó khăn đòi hỏi người cầm bút không chỉ nắm bắt được quy luật tâm lý mà còn cần phải thật tinh tế để có khả năng phân tích thể hiện những biến thái vô cùng phong phú trong tâm hồn con người. Trong những năm gần đây các tác giả văn xuôi dân tộc thiểu số đã bắt đầu chú ý vào vấn đề khai thác thế giới nội tâm con người. Những trang viết của họ có nhiều khám phá về những diễn biến tinh tế trong đời sống tâm hồn nhân vật. Cao Duy Sơn được đánh giá là một trong số ít nhà văn có công “đem lại cho văn xuôi các dân tộc thiểu số một cách viết mới, một cách cảm nhận mới về con người” [38]. Miêu tả những nét tâm lý sâu kín bên trong nhân vật, Cao Duy Sơn đã mang đến cho bạn đọc một cách cảm nhận sâu sắc, một cái nhìn mới mẻ về đời sống tâm hồn con người miền núi. Thế giới tâm hồn nhân vật trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn chủ yếu được thể hiện qua hai hình thức gián tiếp và trực tiếp. Độc thoại nội tâm là cách thể hiện trực tiếp đời sống tâm hồn nhân vật. Đây là một trong những biện pháp nghệ thuật hữu hiệu nhất giúp nhà văn phơi bày nội tâm nhân vật, làm rõ con người bên trong - con người tinh thần của nhân vật. Bởi vậy khi xây dựng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, Cao Duy Sơn hướng tới hai mục đích chính là: độc thoại nội tâm để diễn tả tâm lý nhân vật và độc thoại nội tâm để bọc lộ tính cách nhân vật.
2.3.1. Độc thoại nội tâm để diễn tả tâm lý nhân vật
Tâm lý nhân vật gồm những trạng thái cảm xúc của nhân vật được gọi tên cụ thể như: yêu, ghét, vui, buồn, nhớ thương, hờn giận, lo âu, hạnh phúc.... Để diễn tả những cung bậc cảm xúc với những biến thái tinh tế phức tạp trong nội tâm nhân vật, Cao Duy Sơn đã quan tâm đến thủ pháp độc thoại nội tâm và sử dụng nó như một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc phơi bày nội tâm nhân vật. Biểu hiện tiêu biểu của ngôn ngữ độc thoại nội tâm mà nhà văn thường sử dụng là lời tự bạch. Bao hồi hộp, yêu thương, vui sướng, khao khát xuất hiện đầy đủ trong lời tự bạch của Thức: “Mỷ ơi em hãy lên tiếng đi! Anh sẽ trao em bất
ngờ này. Chắc rồi em sẽ không còn buồn nữa, anh muốn được nhìn thấy nụ cười trên cặp mắt và đôi môi em. Hình như ta đã nhầm! Nếu em đến chắc không để ta đợi lâu đến thế! Quay lại xem nào....Có phải Mỷ đó không? Đúng là em rồi! Chiếc khăn trắng đội đầu bị gió thổi bay xuống vai, em cầm lấy và vẫy ta rối rít. Chậm chân thôi Mỷ ơi! Em đang mang trong bụng giọt máu của chúng ta, nhỡ có làm sao sẽ ân hận lắm!” [53, tr. 338]. Những lời độc thoại của Thức khi nghĩ đến Mỷ cho thấy bao cảm xúc bồi hồi phấn chấn đang được kìm nén chờ dịp bộc lộ cùng người vợ yêu thương. Cảm xúc mới khơi dậy sau khi được vợ động viên nhờ thế mà giúp anh có động lực để trở lại công việc. Độc thoại nội tâm là kết quả của tình huống mà khi Mạc đã thức tỉnh sau những chuỗi ngày điên dại vì đau khổ. Đối diện với kẻ thù của đời mình, trong anh lại xuất hiên những lời tự bạch “Tất cả như một lũ khùng. Chúng nó định làm gì thế nhỉ? Ồ hình như... hình như... hai cái đồ dơ dáy bẩn thỉu?... Đích thị là hai thằng đó! Thời gian đã làm chúng biến dạng. Chúng béo đến híp cả mắt, thảo nào không nhớ nổi... Thôi nào, hận thù đã qua lâu rồi. Gỗ mục trôi sông, chẳng nên nhớ và oán hận làm gì. Ta còn một công việc lớn lắm. Hãy rời khỏi đây. Mặc xác chúng” [49, tr. 165]. Cao Duy Sơn đã diễn tả khá tinh tế diễn biến tâm lý của nhân vật Mạc trong tình huống thật éo le khi Anh muốn đưa hồn cốt của An - người con gái anh yêu đến một nơi thanh bình tươi sáng thì lão Khóa và Sáng Và xuất hiện - kẻ đã đẩy anh và người yêu vào bi kịch đau thương. Trong tâm trí anh dần đã nhận ra kẻ thù của mình. Các câu tự vấn trong lời độc thoại nội tâm của Mạc bộc lộ tâm lý khá phức tạp: ngạc nhiên, hoài nghi, tức giận, tha thứ...
Độc thoại nội tâm của nhân vật Nùng Sinh khi nhìn thấy Mảy Nhung - người vợ yêu bao năm anh tìm kiếm đang thoi thóp trong tay cha con kẻ giết người Sèn Sì: “Ta đã chậm hơn nó rồi! Mảy Nhung ơi! Cha con nó đã làm gì em? Đin phạ ơi!... Bình tĩnh, bình tĩnh nào! Cả các tay súng của ta nữa, đừng nôn nóng, hãy chờ lệnh của ta, Đin phạ ơi, giá đừng để xổng con thú này hai lần” [48, tr. 257]. Những lời tự bạch của Nùng Sinh đã diễn tả nỗi xót xa đau đớn trong hoàn cảnh bế tắc cùng cực. Sinh mạng người vợ yêu quý, xinh đẹp bao
năm trời lặn lội tìm kiếm đang trở thành con tin trong tay kẻ ăn thịt người. Mọi việc phụ thuộc vào cách xử sự của anh mà điều quan trọng nhất lúc này là không được manh động phải bình tĩnh khôn khéo. Ngôn ngữ độc thoại trong tiểu thuyết Cao Duy Sơn đã thể hiện sinh động thế giới tâm hồn nhân vật với đầy đủ sắc thái cảm xúc phong phú. Nhà văn đã hóa thân vào nhân vật để sống với những cảm xúc thực của nhân vật và để nhân vật tự bộc lộ tâm lý của mình. Lời tự bạch của Ngấn khi biết rõ nguồn gốc lai lịch của mình: “Ta có tổ tiên, ông bà cha mẹ chứ không phải là giống tứ chiếng hàm bà lằng như lũ các ngươi đâu. Đừng rẻ ta như thú lạc loài. Nhớ đấy... nhớ đấy” [48, tr. 274]. Những câu nói nhủ thầm trong suy nghĩ của Ngấn cho thấy niềm vui sướng lớn lao của anh khi lần đầu tiên được biết về cha mẹ mình, nó át đi bao tủi nhục, mặc cảm về nỗi cô đơn lẻ loi giữa cuộc đời. Từ nay anh sẽ không phải mang thân phận đứa con hoang như những kẻ ác mồm vẫn thường dè bỉu. Cảm giác của Ngấn có khác nào cảm giác thiêng liêng xúc động của Pồn khi lần đầu tiên trong đời được nghe lão Khần kể về mẹ: “Kể nữa đi lão Khần ơi! Hày đừng dừng lại mà hỏi ta làm gì. Ta muốn nghe tất cả những gì về người mẹ, người cậu bấy lâu ta hầu như chưa biết gì về họ. Dù lòng ta có cay đắng thế nào, điều đó có nghĩa gì với quá khứ khổ đau mà mẹ ta, cậu ta đã nếm trải” [49, tr. 60].
Những lời tự bạch được nhà văn sử dụng để nhân vật tự bộc lộ nỗi lòng mình và nó đã trở thành một thủ pháp mang dấu ấn khá đặc trưng của văn xuôi dân tộc thiểu số nói chung và của các sáng tác Cao Duy Sơn nói riêng. Có lẽ nó xuất phát từ thói quen trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày. Đó là khi có những nỗi niềm tâm sự riêng tư họ không thể san sẻ cùng ai nên tự nói với chính mình, tự nhủ với lòng mình cũng là một cách chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc đời. Việc đưa vào ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật những lời tự bạch vừa biểu lộ màu sắc tâm lý, tình cảm phong phú của “người đồng mình” vừa phản ánh lối sống có phần thâm trầm, lặng lẽ kín đáo của họ.
Khi khám phá thế giới tâm hồn nhân vật trong tiểu thuyết, ngoài việc sử dụng lời tự bạch, Cao Duy Sơn còn chủ yếu khai thác dòng ý thức, dòng suy
tưởng của nhân vật “Dòng ý thức cũng là một hình thức độc thoại nội tâm, nhưng là độc thoại nội tâm với sự tự do liên tưởng, không có mục tiêu đặc biệt, không có sự khống chế logic” [56, tr. 246]. Việc vận dụng miêu tả dòng ý thức nhân vật cũng được Cao Duy Sơn sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm hướng tới mục đích diễn tả những chuyển biến tinh vi phức tạp trong tâm hồn và suy nghĩ của nhân vật. Nhà văn sử dụng khá thành công thủ pháp này trong tiểu thuyết Chòm ba nhà. Với kết cấu thời gian đồng hiện, hòa trộn hiện tại, quá khứ, tương lai, tác giả để cho nhân vật San chìm đắm miên man trong dòng suy nghĩ hồi tưởng của mình về quá khứ - thực tại với những vui, buồn lẫn lộn, nhớ tiếc bâng khuâng những kỉ niệm gắn bó thân thương với những con người ở Chòm ba nhà: “Những ngày chỉ có trời xanh, mây trắng và tiếng cười nói, nô đùa. Ấy là tuổi thơ thần tiên. Tinh khôi và tươi tắn biết bao”. Nỗi nhớ tiếc thức dậy trong lòng cậu bé San những khao khát được trở lại ngày xưa và cũng khơi sâu nỗi đau về cuộc sống thực tại “Hắn thấy tiếc như thể vừa mất mát thứ gì quý báu. Thứ mà tạo hóa, cha mẹ cho ấy là khởi nguyên chân bản thiện đã dần bị hóa tục và thô thiển” [54, tr. 25]. Sử dụng thủ pháp nghệ thuật này, Cao Duy Sơn để nhân vật tự biểu hiện, phơi bày những diễn biến tâm trạng của mình qua suy nghĩ, cảm xúc cụ thể. Diễn biến tâm lý của nhân vật tự nhiên, không bị gò bó bởi giới hạn ngôn từ miêu tả của tác giả vì thế cảm xúc diễn ra rất nhanh, đầy đủ, trọn vẹn và chính xác. Đặt Mảy Lìn trước một sự việc quan trọng của cuộc đời, Cao Duy Sơn để nhân vật chìm đắm trong những dòng ý thức trước khi đưa ra quyết định cuối cùng “Thị không có quyền đó, một gia đình, một hạnh phúc mới đang nằm trong tầm tay của mình. Không ai ngoài mình quyết định được việc này. Chờ lão Phu ư? Biết đến bao giờ lão mới trở về. Còn hạnh phúc nếu buông ra lúc này sẽ tuột mất vĩnh viễn. Cơ hội chỉ đến một lần, thế mà nó vẫn đến với ta lần thứ hai. Số trời đã định, sao ta có thể lưỡng lự, né tránh” [52, tr. 13]. Cao Duy Sơn đã nhập thân xuất sắc vào hoàn cảnh, tình huống của Mảy Lìn, chồng mất khi cô còn quá trẻ, một mình vừa phải bươn trải kiếm sống vừa phải nuôi hai con nhỏ. Giữa lúc ấy Chẩng - người yêu cũ của cô đã xuất hiện. Hắn dụ dỗ ngon ngọt khiến trái tim Mảy Lìn thêm lần nữa lại rung động, lại thức dậy những khát khao
của một thời quá khứ đắm say mãnh liệt. Mảy Lìn vẫn còn yêu và muốn làm vợ Chẩng nhưng vì chuyện đau buồn trong quá khứ cô vẫn còn do dự. Độc thoại nội tâm bằng dòng ý thức đã giúp Mảy Lìn bộc lộ rõ những diễn biến tâm lý rất tự nhiên, chân thật.
Trong các tiểu thuyết của Cao Duy Sơn thường thể hiện nội tâm nhân vật trên cơ sở khai thác dòng ý thức chủ yếu dưới dạng lời nói nửa trực tiếp (người trần thuật nhập vào ý nghĩ của nhân vật với cái nhìn từ bên trong để thể hiện nội tâm). Người trần thuật nhập vào vai nhân vật Vương để diễn tả nỗi đau đớn, dằn vặt trước lối sống có lúc tha hóa, buông thả của chính mình: “Thẳm sâu trong lòng anh nghe tiếng rạn nứt nhói buốt bởi cái sự tử tế liêm sỉ cứ mỗi lần sống buông thả lại vợi đi, còn sự đồi bại nhơ nhuốc ngày một đầy lên; càng dầy lên trên cái vẻ đạo mạo giả dối. Những khi ấy anh thấy mình không khác những công dân hạng bét, những kẻ dưới đáy xã hội. Anh tự phỉ nhổ vào tội lỗi tởm hợm, xấu hổ vì dối trá, ân hận vì đã bội tình với vợ” [53, tr. 40]. Vương là nhân vật xuất hiện chủ yếu với dòng ý thức, cuộc sống nội tâm của Vương rất phong phú nên trong anh thường xuyên có những cuộc đấu tranh nội tâm. Vương có thể miên man đắm chìm trong những dòng suy nghĩ liên tưởng dù ở bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào. Trước bản lĩnh và dũng khí của Thức trong vụ việc lật tẩy chân tướng làm ăn phi pháp của doanh nghiệp Lương Nhân, Vương thấy mình thật nhỏ bé, kém cỏi: “Cái đích Thức hướng đến nó giản dị nhưng hàm chứa một sức mạnh không chút khoa trương. Còn anh, anh thấy mình nhỏ bé trước vóc dáng đó. Anh là hạng kẻ sĩ bất tài, lười nhác và hèn như loài giun dế. Chỉ quen sống phục tùng và thu mình, luôn tìm cách tránh xa những rắc rối. Thế mà anh dám mở miệng đồng tình và khích lệ cậu ta, thật nực cười! Anh hiểu những người như Thức luôn tự vượt qua hoàn cảnh, và biết cách xoay xở khi đối mặt với hiểm nguy. Còn anh, đi qua gần hai phần ba cuộc đời vẫn chỉ là một gã hữu danh vô thực” [53, tr. 70]. Trở về với cuộc sống gia đình, nhìn thấy Lê - vợ anh tất bật với công việc kiếm sống, những lo toan nhọc nhằn đè nặng lên tấm thân mảnh dẻ của vợ, trong anh lại xuất hiện dòng ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm của một người chồng, người cha trụ cột gia đình: “Anh buồn, một nỗi buồn thầm lặng khi
nhận ra mình là kẻ vô tình, ích kỉ. Gánh nặng gia đình bấy lâu chỉ mình nàng nhẫn nhục gánh vác. Còn anh ngày ngày bước qua như kẻ lạ, mang tâm trạng chán chường luôn thường trực ý nghĩ chạy trốn khi có cơ hội. Nàng không đáng bị đối xử như vậy” [53, tr. 46]. Có thể nói trong số năm cuốn tiểu thuyết mà chúng tôi tìm hiểu thì những tiểu thuyết sáng tác trong thời gian gần đây như
Chòm ba nhà, Đàn trời Cao Duy Sơn mới khai thác tối đa sức mạnh của nghệ
thuật miêu tả thế giới nội tâm dưới hình thức dòng ý thức nhân vật. Dòng ý thức của nhân vật có khi được nhà văn diễn tả hai, ba trang giấy. Ví dụ dòng ý thức của nhân vật San trước sự hi sinh của Hìn - đồng đội chiến đấu của anh cũng là người bạn học cùng thời thơ ấu được thể hiện từ trang 283 đến trang 284 (Chòm ba nhà). Ở tiểu thuyết Đàn trời số lượng trang viết diễn tả độc thoại nội tâm -
dòng ý thức nhiều hơn và tập trung nhiều ở phần cuối tiểu thuyết. Dòng ý thức của Chủ tịch Đinh Xuân Ấn kéo dài từ trang 569 đến 571 rồi tiếp tục từ trang 620 đến 625. Dòng ý thức của nhân vật Tuệ kéo dài từ trang 657 tới trang 662... Điều này cho thấy trong hành trình sáng tạo Cao Duy Sơn luôn có ý thức tìm tòi thay đổi cách viết của mình sao cho phù hợp và thu hút được sự chú ý của độc giả tạo được dấu ấn riêng trong sáng tác. Nhân vật độc thoại nhiều hay ít cũng là căn cứ quan trọng giúp độc giả có sự nhìn nhận chính xác về tâm lý, tính cách nhân vật.
Bên cạnh lời tự bạch, dòng ý thức nhân vật thì đối thoại trong độc thoại nội tâm cùng là một hình thức được nhà văn chú ý sử dụng khi khắc họa tâm lý nhân vật. Đây là một dạng đối thoại đặc biệt, một kiểu đối thoại ngầm bằng hình thức tự vấn để tự phân tích, mổ xẻ, lý giải bản thân mình. Có khi nhân vật tự đưa ra những câu hỏi cho chính mình mà nhiều khi không thể có câu trả lời. Hỏi chỉ để giải tỏa, bọc lộ tình cảm, cảm xúc, trấn an bản thân mình. Những lời tự vấn của An thể hiện nỗi nhớ thương da diết pha lẫn sự tiếc nuối muộn màng, một nỗi buồn cô đơn đến trống vắng sau những tháng năm đợi chờ mòn mỏi người em nuôi: “Ngày trở lại ư? Có thể lắm chứ!... Mạc ơi, chị thương em biết nhường nào. Em hãy trở về với chị, rồi chị em mình lại có nhau. Còn việc nên vợ nên chồng ư? Chị cũng chẳng biết thế nào được nữa” [49, tr. 64]. Nỗi buồn nhớ cứ