Con người sống trong thế gian thọ hay yểu, cùng quẫn hay hanh thông, đều có nhất định hoặc không nhất định. Hễ nhất định thì Nho gia gọi là Mạng, gọi là “thiên tích” (trời ban cho). Nhưng trời đại công vô
tư, há lẽ nào lại ban phát cao - thấp khác xa nhau, muôn phần chẳng bình đẳng ư? Há lẽ nào trời cũng có tư dục đối xử nồng hậu hay lợt lạt, khinh - trọng ư? Nhà Nho chẳng nói đến ba đời, vì thế coi cái nhân đời trước là “mạng trời‟ (Thiên Mạng), chẳng biết nhà Phật gọi cái Thiên Mạng vừa được nhắc đến ấy là quả báo! Đức Phật gọi thân này là Báo Thân. “Báo” có nghĩa là do cái nhân gồm những điều thiện, sự ác đã tạo trong đời trước nên cảm lấy cái quả phải hứng chịu thọ - yểu, cùng quẫn - hanh thông trong đời này. Những điều ấy có nhất định.
Còn bất định là dốc chí tu trì, tích lũy điều lành và công đức, mong thành thánh, thành hiền, hay mặc sức phóng túng, buông lung không kiểm điểm, lười nhác quá mức, tự ruồng rẫy, tự phụ bạc chính mình. Ấy là vì sức của những điều thiện sự ác đã làm trong đời này mạnh mẽ nên chuyển biến những nghiệp báo trong đời trước khiến cho chúng sanh trở thành tốt đẹp hơn hay kém cỏi hẳn đi. Điều này thường được gọi là:
“Trời định thắng người, nhưng người định cũng thắng được trời”. Kinh
Thi ghi: “Vĩnh ngôn phối mạng, tự cầu đa phước” (Thường suy nghĩ xem hành vi của chính mình có hợp với lẽ trời hay không để mong cầu cuộc sống được hưởng nhiều điều tốt đẹp). Kinh Thư chép: “Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương” (Làm điều
lành thì trăm điều tốt đẹp giáng xuống, làm điều bất thiện, trăm tai ương sẽ giáng xuống). Kinh Dịch chép: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh,
tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Lễ Ký chép: “Cố đại đức tất đắc kỳ lộc, tất đắc kỳ vị, tất đắc kỳ danh, tất đắc kỳ thọ” (Vì thế, những
người có đức lớn lao ắt sẽ được hưởng lộc, ắt sẽ có địa vị, ắt sẽ có danh tiếng, ắt sẽ sống lâu). Những lời ấy đều là ước theo những gì cảm được bởi sự tu trì trong đời này để nói. Do vậy, biết: “Mạng do chính ta làm chủ, phước do chính ta cầu!” Quyền [hưởng nhận] “thọ, giàu, mạnh
xét ban tặng mà thôi, chứ chẳng hề có chuyện hậu đãi hay lợt lạt, khinh hay trọng trong ấy!
Tiên sinh Phụng Kỳ có chí nơi ấy, vì thế khi còn đang dốc chí học hành, do gia đạo bần hàn, con cái đông đúc, sợ cao đường (mẹ) chắc phải ưu tư, bèn lo buôn bán ở Thượng Hải, mong sẽ thỏa chí phụng dưỡng. Nào ngờ chọn lầm kẻ quản lý, chưa đầy ba năm mà đã hụt vốn quá nửa. Ông bèn dốc chí xét đoán thời cơ, chuyên tâm tự quản lý. Mới được một năm đã được lời to, do vậy buôn bán phát đạt, ngày càng hưng thịnh, bèn vừa phụng dưỡng cha mẹ, anh em êm ấm, giúp đỡ kẻ nghèo khó, mở trường học để làm cái gốc tạo lập lớn lao hòng “kế thừa người trước, mở mang cho người sau”, thực hiện rộng rãi hoài bão “dân là ruột thịt, loài vật giống như ta”.
Bà vợ đức hạnh của ông ta là Hoàng phu nhân, bẩm tánh hiền thục, ôn hòa, cung kính, đoan trang, thận trọng, nên được bố mẹ chồng, chị em dâu, vợ lẽ v.v… yêu mến. Gia đình thuận thảo, không ai kèn cựa. Đối với chuyện nuôi dạy con cái thì áp dụng cách giáo hóa vừa từ vừa nghiêm, khoan dung lẫn nghiêm khắc. Dẫu không phải là con do chính mình đẻ ra vẫn chăm chút còn hơn con đẻ. Đức đẹp ấy thật đáng làm bậc mẫu nghi trong chốn khuê các, làm bậc thầy nêu gương cho nữ giới. Vì thế, con cái đều thành tài. Liêu Tường thành thật, đáng tin, không dối trá, kế nghiệp buôn bán rất thành công. Vinh Tường thì an cư lạc đạo, hoằng dương Phật pháp. Cháu trai, cháu gái đều sẵn tánh thuần hậu, tương lai sẽ thành tài lập đức là điều có thể đoán trước được. Phàm những điều này đều do tiên sinh và phu nhân đức dầy, lòng nhân sâu đậm vun bồi mà ra.
Ôi! Ngũ Phước được nói trong sách Hồng Phạm, không một điều nào [hai vợ chồng tiên sinh] chẳng có đủ. Đang trong lúc hai vị cùng thọ đến tuổi cổ hy (bảy mươi tuổi) này, nếu chẳng dâng lời chúc tụng, ắt sẽ tự khuất, khuất người. Than ôi! Quang là đệ tử Phật, Phật sẵn lòng mong cho hết thảy chúng sanh đều được thành Phật vì hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, đều kham làm Phật. Phật thọ vô lượng giống như mười phương, chúng sanh đã sẵn đủ Phật tánh thì cớ sao tuổi thọ lại khác biệt? Chỉ vì chúng sanh mê chưa ngộ, trái nghịch giác, xuôi theo trần lao, do tình sanh nên trí bị cách ngăn, do tâm tưởng biến đổi nên hình thể khác biệt. Do vậy mới có tam giới lục đạo, đủ mọi hiện tượng khổ - vui. Thọ mạng trong nhân gian cao lắm cũng không ngoài trăm năm, dẫu cõi trời Phi Phi Tưởng thọ đến tám vạn bốn ngàn đại kiếp, nhưng đến khi hết
tuổi thọ vẫn phải đọa xuống dưới. Rốt cuộc so với con phù du (con vờ) sáng sanh tối chết nào có khác gì!
A Di Đà Phật phổ độ chúng sanh, chỉ cần có lòng tín nguyện trì danh hiệu Phật, chắc chắn lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đã vãng sanh Tây Phương thì sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, thân cận Di Đà, kề cận hải chúng, chứng Vô Sanh Nhẫn, lên địa vị Bất Thoái, ngay trong một đời này liền viên thành Phật đạo. Lợi ích ấy dù hết cả kiếp vẫn khó nói trọn! So với những gã câu nệ hẹp hòi, tự xưng là thông gia, nhưng lại mua rương trả châu, bỏ vàng gánh gai thì nào phải chỉ khác biệt vời vợi một trời một vực ư? Đấy là pháp dễ tu trì nhất, dễ thành tựu nhất trong Phật pháp, lợi ích ấy lại vượt trỗi hết thảy các pháp khác, bởi đã lấy Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân. Tiên sinh và phu nhân nếu chẳng vì thấy con người [Quang kém hèn] mà vứt bỏ lời này thì trong ao bảy báu nơi cõi Tây Phương sẽ lại lập tức thấy trổ hai đóa sen tử kim. Xin hãy suy nghĩ sâu xa, xin hãy suy nghĩ sâu đậm vậy!