Thế nhưng, Phật trí viên diệu, tuy cạn mà sâu, giáo lý viên đốn vẫn trọn đủ [trong bản kinh ấy]. Kẻ nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí, tùy theo trí thức của đương sự mà thôi! Chú giải kinh này chỉ có bản của ngài Ngẫu Ích là nêu bật được tông chỉ, những bản chú giải khác cũng đều có lợi cho căn cơ một thời. Cư sĩ Quý Thánh Nhất đã có huệ căn từ đời trước, quy y với bậc tri thức của tông Thiên Thai là pháp sư Đế Nhàn, đích thân được nghe diễn giảng, khá có tâm đắc. Do vậy, bèn tùy duyên diễn nói, nhưng vẫn luôn chú trọng hướng dẫn về Cực Lạc. Đấy chính là tuân theo chỗ kết đảnh cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, cũng giống như điều được đề xướng trong Thập Nghi Luận của Thiên Thai đại sư (Trí Giả đại sư). Bởi lẽ, pháp môn Tịnh Độ chính là chỗ quy túc của hết thảy các pháp môn. Hoa Nghiêm còn như thế, hậu học dám chẳng vâng theo ư?
Gần đây, do có người thỉnh giảng kinh này, [cư sĩ bèn] thuận theo thời nghi, đặc biệt viết lời sớ giải mới, lập ra cách thức hòng dễ dẫn dắt kẻ mới học sẽ được nhờ vào đây mà tiến đến chỗ cao hơn; do đây mà người ta sanh được lòng tin, ắt sẽ xoay vần khuyến hóa rộng rãi hơn. Bởi vậy, chẳng tiếc lời giảng giải tường tận để không một nghĩa nào bị ẩn kín. Một bữa, đưa cho Quang xem bản thảo, lại cậy viết lời tựa. Quang vừa sanh ra được sáu tháng liền bị bệnh mắt, trong suốt sáu tháng chưa từng mở mắt, nên mục lực kém xa người khác. Nay tuổi đã bảy mươi lăm, mục lực càng suy yếu, chẳng thể xem kỹ ý nghĩa, đành nêu lên những điểm chánh yếu cho xong trách nhiệm. Mong sao những ai đọc kinh này và bản sớ giải này đều chú trọng hiểu tâm, rõ gốc, hiểu rõ pháp vô vi và xa lìa tài sắc, kiên quyết, dũng mãnh tu trì để mong đích thân chứng được vô thượng giác đạo “vô niệm, vô tác, phi tu, phi chứng”.