Bối cảnh kinh tế thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện cơ chế bảo hiểm tiền gửi tại việt nam​ (Trang 77 - 79)

Tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều chuyển biến sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nước ta và đến hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Thứ nhất, toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế không thể đảo ngược. Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015 cũng như sự xuất hiện của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với nhiều điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn về lao động, việc làm bên cạnh các cam kết thương mại thuần túy; hứa hẹn triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại và đầu tư vốn vào khu vực, tạo lực đẩy để hoàn thiện nhanh thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Di chuyển tự do về lao động giúp thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đến làm việc tại Việt Nam cùng với việc ngành dịch vụ tài chính ngân hàng trong nước cũng phải mở cửa với mức độ sâu hơn làm gia tăng sức ép đổi mới để cải thiện hiệu quả, chất lượng dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các định chế trong nước. Cấu trúc luồng vốn đầu tư quốc tế cũng sẽ có nhiều thay đổi, dòng vốn FDI của các đối tác lớn trên toàn cầu có xu hướng giảm cùng với sự cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia, sự gia tăng vốn đầu tư gián tiếp và vay nợ nước ngoài cùng với lộ trình tự do hóa tài chính theo cam kết, tạo ra thách thức đáng kể đối với việc ổn định tiền tệ và ổn định tài chính. Hội nhập sâu trong khi nền kinh tế Việt Nam chưa được thừa nhận là nền kinh tế thị trường kéo theo những rủi ro về việc các đối tác nước ngoài gây sức ép lên chính sách tỷ giá, lãi suất ngày càng cao. Các quốc gia cũng quan tâm hơn đến mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu; tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động tiền tệ, tài chính, ngân hàng.

Thứ hai, xu hướng đa cực của kinh tế thế giới ngày càng rõ ràng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển hiện nay sẽ tiến vào nhóm các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trong khi Châu Âu và Nhật Bản sẽ chiếm thị phần ngày càng nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu. Vị trí đứng đầu của kinh tế Mỹ bị thách thức khi Trung Quốc hoàn tất tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và có vai trò ngày càng lớn hơn trong việc thiết lập các quy tắc chính trị và kinh tế thế giới. Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi khiến mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, từ đó, thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Thứ ba, những tiến bộ khoa học công nghệ làm thay đổi phương thức hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều cơ hội, thách thức cho Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.Nhờ vào dữ liệu lớn (Big Data), việc phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có thêm nhiều thuận lợi. Việc thu thập, phân tích xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định phù hợp và nhanh hơn, giảm được chi phí, nhất là tạo thuận lợi cho công tác dự báo, thống kê về hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Những tiến bộ từ cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bàn đạp giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà cụ thể là Internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) sẽ giúp các ngân hàng trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.

Tuy nhiên, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động ngày càng thường xuyên; thêm vào đó, sự hiểu biết thiếu đầy đủ về công nghệ từ những người sử dụng dịch vụ, cùng những quan ngại về an ninh trong các giao dịch tài chính điện tử, khả năng truy dấu giao dịch và ngăn ngừa tội phạm công

nghệ cao, tội phạm rửa tiền qua kênh giao dịch điện tử cũng sẽ tiếp tục là thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói chung và cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam nói riêng.

Thứ tư, tài chính toàn diện (Financial Inclusion) đang dần trở thành một xu thế phổ biến và hiện đã được triển khai ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông, sự hình thànhcủa các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia vào thị trường ngày càng phát triển kéo theo những thay đổi trong cách tiếp cận về phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tài chính và kênh phân phối mới.

Thứ năm, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề cấp bách. Để đối mặt với những tác động xấu nhất có thể xảy ra từ sự gia tăng khí thải các bon, sự liên kết chặt chẽ, nhiều tầng lớp giữa chính phủ các nước sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới. Với vai trò trung gian tài chính, ngành Ngân hàng cần phải có trách nhiệm tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thông qua cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh, phát triển ngân hàng xanh để góp phần ngăn chặn sự phá hủy môi trường, tăng cường khả năng huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới có xu hướng tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống bảo hiểm tiền gửi để đáp ứng sự phát triển của các tổ chức tài chính nhằm bảo vệ người gửi tiền, góp phần duy trì sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính. Các tổ chức bảo hiểm có xu hướng được tăng cường nhiệm vụ và quyền hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý các tổ chức tài chính yếu kém.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện cơ chế bảo hiểm tiền gửi tại việt nam​ (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)