Trong nước, thành tựu phát triển qua 30 năm đổi mới đã đặt nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển tiếp theo của ngành Ngân hàng. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản đã được hình thành và không ngừng được hoàn thiện; hội nhập quốc
tế đã ở tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu là cơ hội giúp cho hiệu quả sử dụng vốn tăng lên, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao lợi nhuận đồng thời làm giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Nhu cầu đối với các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng ngày càng gia tăng dựa trên những ưu thế về một cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân hiện nay vẫn ở mức thấp. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ tạo ra những lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của khu vực tài chính trong phạm vi toàn cầu nói chung, cho Việt Nam và ngành Ngân hàng nói riêng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành Ngân hàng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức như: kinh tế trong nước phát triển chưa thực sự ổn định, bền vững; tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo bề rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. Những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã tồn tại nhiều năm vẫn cần tiếp tục được khắc phục: Nguồn nhân lực cao, đã qua đào tạo còn thiếu; cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu kém so nhiều nước trong khu vực; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, còn có khoảng cách giữa chính sách và việc thực thi; bội chi ngân sách cao và chưa thể giảm được trong ngắn hạn; nợ công tăng nhanh... Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển của robot thông minh với trí tuệ nhân tạo, lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực giá rẻ sẽ không còn. Điều này đồng nghĩa với những khó khăn lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác lớn trong toàn cầu, trực tiếp thách thức mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào vốn đầu tư của Việt Nam.
Theo đó, dự báo trong những năm tới, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng sẽ có một số diễn biến đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng GDP nhanh nhất trên thế giới với việc tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Nhu cầu vốn sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng để đáp ứng các yêu cầu phát triển trong khi nguồn vốn ưu đãi và viện trợ bị cắt giảm đặt thêm gánh nặng lên ngành ngân hàng.
Thứ hai, số lượng dân số vàng bước vào thời kỳ đỉnh với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, đòi hỏi các tiện ích và dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi. Xu hướng tiết kiệm và tiêu dùng thay đổi phần nào làm thay đổi cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, xu hướng phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech tại Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến. Các công ty Fintech sẽ hình thành nên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Do đó, sự hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp Fintech và các ngân hàng thương mại là rất quan trọng và cần thiết, nhằm phát huy thế mạnh công nghệ, đồng thời giảm thiểu những rủi ro, gian lận tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Thứ tư, minh bạch hóa thông tin và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước là xu thế tất yếu.
Thứ năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa hình thành thói quen tuân thủ các chuẩn mực về kế toán và lưu trữ thông tin, giúp ngân hàng đánh giá được rủi ro của doanh nghiệp. Những nhân tố này sẽ tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tiếp theo.