Nắm bắt dư luận xã hội là công việc rất khó khăn, phức tạp, rất dễ bị sai lệch do tác động của nhiều yếu tố.
a. Tính chất đa dạng, phức tạp của các loại quan điểm, thái độ trong xã hội
Lợi ích và nhận thức là một trong những cơ sở rất quan trọng quyết định tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp xã hội để hình thành nên dư luận xã hội. Trước một hiện tượng, sự kiện, vấn đề nào đó, những người có lợi ích và nhận thức khác nhau có thể có tâm trạng, tư tưởng, cách phán xét, đánh giá khác nhau. Một quyết định rất đúng đắn của chính quyền cũng có thể gây ra những phản ứng dư luận xã
hội rất khác nhau. Người có hiểu biết về cơ sở của quyết định này (những người có đầy đủ thông tin) thì đánh giá đó là một quyết định rất cần thiết và hợp lý. Nhưng những người thiếu thông tin hoặc nhận được những thông tin sai lệch có thể phê phán gay gắt, coi đó là một quyết định sai trái, bất hợp lý.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong xã hội ta hiện nay, sự phân hoá lợi ích, phân hoá giàu nghèo, về trình độ học vấn, trình độ nhận thức cũng đang tăng lên. Do vậy, sự khác biệt, mâu thuẫn, xung đột ý kiến trước các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội cũng có chiều hướng tăng lên.
b. Mức độ dân chủ, cởi mở trong xã hội
Nơi nào tinh thần dân chủ được coi trọng, thì ở nơi đó cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể bày tỏ thẳng thắn thái độ, suy nghĩ đích thực của mình, ít có những dư luận âm ỉ.
Ngược lại, ở đâu quy chế dân chủ ở cơ sở bị vi phạm thì ở đó cán bộ, đảng viên và nhân dân thường không nói ra những suy nghĩ thật của mình và sẽ tạo nhiều luồng dư luận khó kiểm soát. Không ít trường hợp, cán bộ làm công tác tư tưởng đi cơ sở “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, nhưng cũng không nắm được thực chất tình hình tâm trạng, tư tưởng của dân. Ở những nơi này, nếu không có kinh nghiệm, không có biện pháp thích hợp thì rất khó có được các thông tin chân thực.
c. Bệnh thành tích, sợ khuyết điểm
Xuất phát từ các lợi ích cục bộ, bản vị, cán bộ lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương có thể báo cáo sai tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi mình quản lý; những bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân thường bị che dấu, bệnh thành tích đã phát triển khá phổ biến. Ở một số cơ quan, ban, ngành, địa phương, những nơi bệnh thành tích phát triển, nếu chỉ nghe các cấp uỷ đảng và chính quyền báo cáo, chúng ta khó có thể thu được một bức tranh trung thực về tâm trạng, tư tưởng của dân.
d. Chủ nghĩa cơ hội, thói "xu thời"
Biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, thói “xu thời” là thấy nhiều người nói như thế thì bản thân mình cũng nói như thế, mặc dù trong thâm tâm không nghĩ như vậy. Đây là một trong những hiện tượng tâm lý dễ xuất hiện ở những bộ phận xã hội không hoặc ít có nhu cầu tự khẳng định mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, nếu các cán bộ làm công tác tư tưởng không tính toán đến.
e. Sự hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội
Có thể coi đây là một trong những yếu tố cơ bản hạn chế chất lượng công tác nắm bắt tâm trạng, dư luận xã hội. Do không có khả năng phân tích các vấn đề tâm trạng, dư luận xã hội và thiếu hiểu biết về các phương pháp nắm bắt tâm trạng dư luận xã hội nên nhiều cán bộ làm công tác tư tưởng, dư luận xã hội không có khả năng phân tích sâu sắc và phản ánh khách quan, toàn diện thực trạng tình hình tâm trạng, tư tưởng, dư luận xã hội của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân.