quan nhà nước sai trái về trình tự ban hành văn bản.
Để VBQPPL nói chung và VBQPPL trong lĩnh vực đất đai nói riêng được ban hành theo một quy trình hợp lý, khách quan, khoa học và tránh được sự tùy tiện của các chủ thể, pháp luật đã đưa ra các quy định về trình tự, thủ tục ban
hành để các chủ thể có thẩm quyền phải tuân thủ các quy định đó. Tuy nhiên, công tác ban hành VBQPPL trong lĩnh vực đất đai vẫn còn tồn tại khá nhiều văn bản sai về trình tự, thủ tục ban hành, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Lĩnh vực đất đai cũng như các lĩnh vực khác, những văn bản quy phạm pháp luật sai về trình tự, thủ tục ban hành thường là những văn bản trong quá trình soạn thảo, ban hành, các chủ thể thường làm tắt hoặc bỏ qua những thủ tục cần thiết, bắt buộc như không thành lập ban soạn thảo, không lấy ý kiến của các đối tượng liên quan trong trường hợp cần thiết và pháp luật có quy định, khâu thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản chưa được tiến hành đúng thời gian và không đầy đủ, hoặc những sai sót trong giai đoạn thông qua, ký ban hành, sao gửi văn bản, hay các thủ tục về đăng công báo, đưa tin, công bố văn bản…Đó là những biểu hiện cơ bản của văn bản pháp luật không đảm bảo tính hợp pháp. Những văn bản này không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể chịu sự tác động của văn bản đó.
Trong lĩnh vực đất đai, những sai phạm về trình tự thủ tục ban hành thường xảy ra nhất là việc không lấy ý kiến của các đối tượng liên quan trong trường hợp cần thiết và theo quy định của pháp luật. Điển hình nhất là trong vấn đề lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất của các cơ quan, chính quyền địa phương. Đây là vấn đề gây bức xúc và thường được đề cập đến nhất trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, các cấp chính quyền thường bỏ qua vai trò tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của cơ quan chức năng liên quan, người dân, theo đó người dân và các cơ quan này cũng không được biết, không được bàn và không được thông qua. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định tại Khoản 5 Điều 25 và Điều 28 Luật Đất đai 2003. Chỉ khi các chủ đầu tư thực hiện dự án, người sử dụng đất thực hiện các giao dịch hoặc xin cấp phép xây dựng… mới nhận được sự thông báo của cơ quan chức năng là đất này nằm trong quy hoạch. Nguyên
nhân của tình trạng trên chủ yếu là do các chủ thể khi soạn thảo VBQPPL thường không coi trọng thủ tục này hoặc nếu có tiến hành lấy ý kiến thì chỉ mang tính hình thức, văn bản vẫn được ban hành một cách chủ quan mà không tham khảo, tiếp thu những điểm hợp lý của các ý kiến thu thập được. Tình trạng này dẫn tới khi văn bản ban hành được áp dụng trên thực tiễn đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận cũng như của các cơ quan chức năng. Ví dụ:
Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế
biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn Thống Nhất được quyền khai thác titan có nội dung mâu thuẫn với Văn bản số 1580/UBND-NN của UBND tỉnh Quảng Trị ngày 13/7/2006 về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đồng ý dự án Xây dựng khu khách sạn nghỉ dưỡng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam do không có văn bản lấy ý kiến các cơ quan quản lý về tài nguyên khoáng sản, nên 3,18 ha dự án của Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam "đè" lên một phần diện tích khai thác titan của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thống Nhất. [21]
Ngoài sai phạm về việc không lấy ý kiến của các đối tượng liên quan trong trường hợp cần thiết và theo pháp luật quy định thì một sai phạm về thể thức, trình tự ban hành VBQPPL trong lĩnh vực đất đai cần đề cập đến là hoạt động thẩm định dự thảo VBQPPL, sai phạm này xảy ra chủ yếu tại các chính quyền địa phương. Vẫn còn tình trạng các VBQPPL trong lĩnh vực đất đai ban hành nhưng bỏ qua khâu thẩm định của cơ quan tư pháp, điển hình tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Đây là các tỉnh mà văn bản ban hành nhưng chưa qua khâu thẩm định chiếm một tỷ lệ rất cao. Ngoài ra, hoạt động thẩm định ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, nội dung thẩm định chưa sâu, chưa toàn diện, chưa tạo cơ sở để tham mưu giúp UBND các cấp quyết định những vấn đề quan trọng và còn có ý kiến khác nhau đối với dự thảo VBQPPL vẫn còn diễn ra và cần được kịp thời chấn chỉnh.
Có thể nói, thực tiễn ban hành VBQPPL nói chung và VBQPPL trong lĩnh vực đất đai nói riêng hiện nay vẫn tồn tại nhiều sai phạm về trình tự, thủ tục ban hành, trước mắt cần có những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, nâng cao chất lượng văn bản, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.