Cầu và các yếu tố ảnh hưởng tới cầu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng lợn sạch của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố thái bình (Trang 27 - 33)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận của đề tài

2.1.3. Cầu và các yếu tố ảnh hưởng tới cầu

2.1.3.1. Cầu

Cầu là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua ở các mức giá khác nhau trong khoảng thời gian nhất định, các yếu tố khác không đổi (Vũ Kim Dũng, 2010).

Như vậy, cầu là một thuật ngữ biểu thị số lượng hàng hóa dịch vụ mà người tiêu dùng (với tư cách là người mua) có khả năng và sẵn sàng mua ở mỗi mức giá chấp nhận trong phạm vi không gian và thời gian nhất định khi các yếu tố khác không đổi.

Cầu thị trường một loại hàng hóa nào đó chỉ được hình thành (xuất hiện) khi có đủ hai điều kiện: Người tiêu dùng có khả năng thanh toán (điều kiện cần);

Người tiêu dùng sẵn sàng mua (điều kiện đủ). *Phân biệt giữa nhu cầu và cầu:

Nhu cầu thị trường: Nhu cầu thị trường được nhiều người hiểu một cách đơn giản là sự đòi hỏi của con người về một vật phẩm nào đó. Nhưng thực ra đây là một thuật ngữ mà nội dung của nó hàm chứa 3 mức độ: nhu cầu tự nhiên, mong muốn và nhu cầu có khả năng thanh toán (Lê Thị Hương, 2012).

- Nhu cầu tự nhiên: Là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được. Nhu cầu tự nhiên được hình thành là do trạng thái ý thức của người ta về việc thấy thiếu một cái gì đó để phục vụ cho tiêu dùng.

- Mong muốn (hay ước muốn): Là nhu cầu tự nhiên có dạng đặc thù, đòi hỏi được đáp lại bằng một hình thức đặc thù phù hợp với trình độ văn hóa và tính cách cá nhân của con người.

- Nhu cầu có khả năng thanh toán: Là nhu cầu tự nhiên và mong muốn phù hợp với khả năng mua sắm.

Nhu cầu thể hiện mong muốn của người tiêu dùng về việc sử dụng hàng hóa dịch vụ. Theo bản năng, con người luôn mong muốn hơn cái họ đang có cho nên nhu cầu là vô hạn, không bao giờ thỏa mãn được. Trong khi đó khả năng thanh toán cho nhu cầu là có hạn nên chỉ có nhu cầu nào có khả năng thanh toán nó mới trở thành cầu của thị trường. Như vậy, cầu thị trường là nhu cầu có khả năng thanh toán (Nguyễn Văn Dần và Nguyễn Hồng Nhung, 2014).

2.1.3.2. Các yếu tố ảnh hưởng tới cầu

* Giá cả

• Quan điểm của các nhà kinh tế thị trường hiện đại:

Giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa, đồng thời cũng biểu hiện một cách tổng hợp các mối quan hệ lớn trong nền kinh tế quốc dân như: quan hệ tích lũy, tiêu dùng, quan hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp, quan hệ giữa các ngành, các vùng, giữa các tầng lớp dân cư với nhau…

Giá cả xét trên góc độ của người mua và của người bán: - Trên góc độ của người mua:

Giá cả là tổng số tiền phải chi ra để có được quyền sở hữu và quyền sử dụng một khối lượng hàng hóa hay một hàng hóa nhất định. Khái niệm này ẩn chứa hai nội dung:

(1) Giá cả tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người tiêu dùng, đây là một căn cứ để người tiêu dùng ra quyết định mua hàng hóa.

(2) Sự chấp nhận của người mua, hành vi mua của người mua sẽ ấn định mức giá cuối cùng của hàng hóa. Sự chấp nhận của người mua tuy có những nét riêng của từng con người cụ thể, nhưng nó không thoát ly khỏi những yếu tố chung của nền kinh tế đó là thu nhập quốc dân, sức mua của đồng tiền,…

- Trên góc độ của người bán:

Giá cả là tổng số tiền thu được khi tiêu thụ một khối lượng hàng hóa hay một đơn vị hàng hóa nhất định. Khái niệm này ẩn chứa hai nội dung:

(1) Giá cả trực tiếp tác động đến lợi nhuận của người bán trong một đơn vị sản phẩm.

(2) Giá cả gián tiếp tác động đến tổng lợi nhuận của người bán thông qua việc tác động đến khối lượng hàng tiêu thụ của người bán – quyết định khối lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường. Ở mỗi mức giá khác nhau, lượng hàng tiêu thụ khác nhau, tổng khối lượng hàng hóa tiêu thụ ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận của người bán. Nếu các yếu tố khác không đổi, khi giá hàng hóa X tăng thì lượng cầu của nó giảm và ngược lại (Ngô Trí Long và Nguyễn Văn Dần, 2007).

* Thu nhập

Thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định mua gì và bao nhiêu đối với người tiêu dùng vì thu nhập quyết định khả năng mua của người tiêu dùng (Vũ Kim Dũng, 2010).

Thu nhập thể hiện khả năng thanh toán của người tiêu dùng khi mua hàng hóa dịch vụ. Do đó, sự thay đổi thu nhập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu hàng hóa trên thị trường.

Đối với hàng hóa dịch vụ thứ cấp (cấp thấp, thứ phẩm) là những mặt hàng chất lượng thấp hoặc lạc hậu về “mốt” khi thu nhập tăng cầu hàng hóa này sẽ giảm xuống và ngược lại, tức là giữa thu nhập và cầu hàng hóa tồn tại mối quan hệ nghịch biến (Ngô Trí Long và Nguyễn Văn Dần, 2007).

Thu nhập là một yếu tố quan trọng xác định cầu. Thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng của người tiêu dùng. Khi thu nhập tăng lên thì người tiêu dùng cầu nhiều hàng hóa hơn và ngược lại. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng loại hàng hóa cụ thể mà mức độ thay đổi của cầu sẽ khác nhau (Ngô Đình Giao, 1997).

Thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định mua gì và mua bao nhiêu đối với người tiêu dùng vì thu nhập quyết định khả năng mua của người tiêu dùng (Vũ Kim Dũng, 2010).

Thu nhập ảnh hưởng đến khả năng tài chính của người tiêu dùng trong việc thoả mãn nhu cầu. Trong khả năng tài chính có hạn, họ sẽ lựa chọn sản phẩm hay sản phẩm thay thế. Hơn nữa, khi thu nhập của người dân cao hơn, chi tiêu cho ăn uống sẽ cao hơn không những về khối lượng mà cả về chất lượng sản phẩm đòi hỏi sản phẩm đưa vào tiêu thụ phải phù hợp với nhu cầu tiêu dùng đó.

* Thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng

Nó là ý thích, ý muốn chủ quan của người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa dịch vụ. Vì vậy, thị hiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giới tính, dân tộc, tuổi tác, môi trường sống, “mốt” tiêu dùng,...Nhìn chung, yếu tố này ít thay đổi vì thị hiếu người tiêu dùng rất đa dạng và phức tạp, nó thuộc yếu tố tâm lý – xã hội nên khi nghiên cứu phải chọn mẫu đại diện, từ đó có thể lượng hóa và suy rộng cho tổng thể. Tuy nhiên, thị hiếu cũng có thể thay đổi theo thời gian và chịu ảnh hưởng lớn của quảng cáo. Người tiêu dùng thường sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua các hàng hóa có nhãn mác nổi tiếng và được quảng cáo nhiều (Vũ Kim Dũng, 2010).

Thị hiếu có ảnh hưởng lớn tới cầu của người tiêu dùng; thị hiếu là sở thích hay sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ. Không thể quan sát thị hiếu được. Các nhà kinh tế thường giả định rằng thị hiếu không thay đổi hoặc thay đổi rất chậm và thị hiếu độc lập với các yếu tố khác của cầu (Ngô Đình Giao, 1997).

* Giá cả của hàng hóa liên quan

Cầu đối với hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào giá của bản thân hàng hóa. Nó còn phụ thuộc vào giá của hàng hóa liên quan (Ngô Đình Giao, 1997).

Cầu của hàng hóa không những chỉ phụ thuộc vào giá của hàng hóa đó mà còn phụ thuộc vào giá cả hàng hóa có liên quan. Các hàng hóa liên quan được chia làm hai loại: hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung (Phí Mạnh Hồng, 2011).

+ Hàng hóa thay thế: Hai hàng hóa được gọi là thay thế khi người ta có thể sử dụng hàng hóa này thay thế cho hàng hóa kia và ngược lại mà không làm thay đổi giá trị sử dụng của chúng.

+ Hàng hóa bổ sung: Hai hàng hóa được gọi là bổ sung khi sử dụng hàng hóa này thì phải kèm theo hàng hóa kia.

Giá của hàng hóa liên quan cũng tác động đến quyết định mua của người tiêu dùng. Hàng hóa có hai loại hàng hóa liên quan là hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung. Hàng hóa thay thế là những hàng hóa giống hàng hóa đang xem xét hoặc có cùng giá trị sử dụng hay thỏa mãn nhu cầu ví dụ như chè và cà phê. Khi giá của hàng hóa thay thế cà phê giảm xuống, người tiêu dùng sẽ mua ít hàng hóa đang xem xét chè hơn. Hàng hóa bổ sung là các hàng hóa được sử dụng cùng nhau ví dụ như chè Lipton và đường. Khi giá chè Lipton giảm xuống người tiêu dùng sẽ mua nhiều đường hơn và ngược lại (Vũ Kim Dũng, 2010).

* Quy mô dân số hay số lượng người tiêu dùng

Cầu của thị trường được tập hợp từ các cá nhân tham gia thị trường. Do đó, khi số lượng người tiêu dùng tăng thì cầu hàng hóa sẽ tăng và ngược lại. Chẳng hạn, cùng với mức giá gạo 8.000đ/kg nhưng cầu về gạo ở thành phố Hà Nội sẽ lớn hơn rất nhiều so với cầu về gạo ở tỉnh Hà Nam, mặc dù thu nhập khác nhau thì điều này vẫn đúng vì Hà Nội có dân số lớn hơn Hà Nam (Lương Xuân Chính và Trần Văn Đức, 2011).

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ở khu vực mật độ dân số đông sẽ lớn hơn khu vực dân số thưa thớt.Quy mô của dân số thể hiện số người hiện hữu trên thị trường. Quy mô dân số càng lớn thì thị trường càng lớn và nhu cầu về nhóm sản phẩm càng lớn. Đối với sản phẩm là thực phẩm, dân số càng lớn thì nhu cầu thực phẩm càng lớn bởi vì lương thực, thực phẩm là sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của con người. Mặc dù, nhu cầu sử dụng thực phẩm của mỗi người chỉ ở mức nhất định; Song, do quy mô dân số lớn cho nên nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn hơn rất nhiều.

Những yếu tố ảnh hưởng đến cầu về một loại hàng hoá có thể sử dụng phân tích đường cầu của một cá nhân cũng như của cả thị trường. Tuy nhiên, đường cầu thị trường được hình thành trên cơ sở tổng hợp các đường cầu cá nhân, nên càng có nhiều người tiêu dùng cá nhân tham gia vào thị trường, khi các yếu tố khác là không thay đổi thì cầu thị trường về một loại hàng hoá càng cao. Nói cách khác, khi số lượng người mua hay người tiêu dùng trên một thị trường hàng hoá tăng lên thì cầu thị trường về hàng hoá này cũng tăng lên và ngược lại. Trong dài hạn, số lượng người mua trên nhiều thị trường bị tác động chủ yếu bởi những biến động về dân số. Về ngắn hạn, những di chuyển của những dòng dân

cư gắn với nhu cầu tham quan, du lịch v.v... cũng có thể tạo ra những sự thay đổi về số lượng người tiêu dùng trên các thị trường. Chẳng hạn, vào những dịp lễ, tết, số người đến các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thường tăng lên. Lúc này, cầu về nhiều loại hàng hoá (hàng ăn uống, nhà trọ, nhà nghỉ v.v...) ở các địa phương này thường tăng lên.

* Các kỳ vọng của người tiêu dùng

Cầu hàng hóa sẽ thay đổi vì nó phụ thuộc các kỳ vọng của người tiêu dùng. Kỳ vọng được xem là sự mong đợi, dự đoán của người tiêu dùng về sự thay đổi các yếu tố xác định cầu trong tương lai nhưng lại ảnh hưởng tới cầu hàng hóa hiện tại. Nếu người tiêu dùng dự đoán giá xe máy sẽ giảm trong tương lai thì cầu xe máy hiện tại sẽ giảm và ngược lại. Các kỳ vọng về thu nhập, thị hiếu hoặc số lượng người tiêu dùng, đều tác động đến hàng hóa đang xét (Lê Thế Giới, 2014).

Cầu đối với hàng hóa hoặc dịch vụ sẽ thay đổi phụ thuộc vào các kỳ vọng (sự mong đợi) của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng kỳ vọng rằng giá của hàng hóa của hàng hóa sẽ tăng lên trong tương lai thì họ sẽ mua nhiều hàng hóa đó hơn ngay bây giờ. Con người có các kỳ vọng về thu nhập, thị hiếu, số lượng người tiêu dùng. Tất cả các kỳ vọng đó đều tác động đến cầu hàng hóa (Vũ Kim Dũng, 2010).

Cầu đối với hàng hóa dịch vụ sẽ thay đổi phụ thuộc vào các kỳ vọng (sự mong đợi) của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng hy vọng rằng giá cả của hàng hóa nào đó sẽ giảm xuống trong tương lai thì cầu hiện tại đối với hàng hóa của họ sẽ giảm xuống và ngược lại…Các kỳ vọng cũng có thể về thu nhập, về thị hiếu, về số lượng người tiêu dùng….đều tác động tới cầu hàng hóa (Ngô Đình Giao, 1997).

Chẳng hạn, trong những cơn sốt vàng hay cơn sốt đất, như đã từng xảy ra ở Việt Nam trong hơn chục năm qua, người ta quan sát thấy một hiện tượng tồn tại như là nghịch lý: khi giá vàng hay giá đất đang tăng nhanh, người ta lại đổ xô đi mua vàng hay mua đất. Phải chăng trong trường hợp này, quy luật cầu không còn phát huy tác dụng? Sự thật thì không phải giá các hàng hoá này tăng lên là nguyên nhân làm cho mức cầu về chúng gia tăng. Khi các cơn sốt giá bùng phát, cái kích thích người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng chính là giá cả kỳ vọng. Khi những người tiêu dùng kỳ vọng rằng: giá hàng hoá sẽ còn gia tăng mạnh trong tương lai, họ sẽ cố gắng đi mua hàng ngay từ hôm nay nhằm có thể mua được

nhiều hàng hoá hơn trong lúc giá của nó còn thấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết cầu vì ở đây người tiêu dùng vẫn cố gắng mua khối lượng hàng hoá nhiều hơn khi giá của nó thấp và ngược lại.

Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước (như chính sách trợ cấp, thuế thu nhập)…cũng ảnh hưởng đến cầu hàng hóa dịch vụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng lợn sạch của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố thái bình (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)