Giả định sử dụng trong Luận án

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu định lượng đồng lợi ích của giảm phát thải khí nhà kính trong linh vực giao thông công cộng ở thành phố hà nội (Trang 75 - 77)

Một số giả định sẽ được áp dụng trong tính toán của Luận án do một số dữ liệu, thông tin hiện không có sẵn và có thể thay đổi, biến động theo thời gian.

- Giai đoạn 2020 - 2030 được lựa chọn để thực hiện tính toán, phù hợp với giai đoạn thực hiện cam kết bắt buộc trong NDC của Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.

- Tỷ lệ lạm phát trung bình là 6%/năm theo số liệu của Tổng cục Thống kê về lạm phát của Việt Nam [25].

- Tỷ suất chiết khấu 10%/năm. Đây là mức thường được sử dụng khi xem xét đánh giá các dự án đầu tư tại Việt Nam và trên thế giới.

- Tỷ giá quy đổi đồng đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VNĐ) là 23.442,50 VNĐ, được lấy theo tỷ giá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố ngày 16 tháng 11 năm 2021.

- Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 của người dân Hà Nội là 5.981.000 VNĐ/tháng [37].

- Giá bán các loại nhiên liệu sử dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải hành khách công cộng tham gia vào tính toán được tổng hợp từ tập công bố

chính thức của đoàn Điện lực Việt Nam và tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tại thời điểm ngày 16/11/2021.

- Tín chỉ các-bon hiện chưa được giao dịch tại thị trường Việt Nam. Luận án sử dụng giá trị từ chỉ số Thị trường các-bon toàn cầu (HIS), giá trị trung bình của một tín chỉ các-bon là 23,65 USD (tương đương 554.415,13 VNĐ).

- Tốc độ tăng dân số của Thủ đô Hà Nội được giữ ở mức trung bình là 1,58% dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê từ năm 2010 đến năm 2018 [25]. - Hệ số đi lại bình quân trong ngày của người dân và quãng đường di chuyển được giả định không thay đổi, dựa trên số liệu khảo sát từ Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [31]. - Mức tiêu thụ nhiên liệu của các loại phương tiện giao thông vận tải hành khách được giả định sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian được tính toán. Việc chuyển đổi công nghệ của phương tiện hoặc nhiên liệu tác động đến mức tiêu thụ nhiên liệu và hệ số phát thải của nhiên liệu thường yêu cầu một khoảng thời gian dài để có thể được áp dụng rộng rãi, chuyển đổi hoàn toàn. Do đó, trong giai đoạn 2020 - 2030, thay đổi liên quan đến các yếu tố này sẽ được giả định là không đáng kể.

- Tỷ lệ đảm nhận của phương tiện xe đạp, ô tô không thay đổi trong giai đoạn 2020 - 2030.

- Lưu lượng giao thông vận tải dựa trên số liệu đếm phương tiện tại một số tuyến đường tại Hà Nội. Việc đếm phương tiện được thực hiện trong khoảng thời gian 06h00 đến 20h200 đối với 12 loại phương tiện.

- Số liệu khí tượng được sử dụng là số liệu khí tượng tại trạm Láng thuộc Đài KTTV Đồng Bằng Bắc Bộ. Trạm Láng là trạm khí tượng cấp 3 đo các yếu tố: Gió, bốc hơi, nhiệt độ không khí, nhiệt độ đất, độ ẩm không khí, mưa tầm nhìn xa, thời gian nắng và các yếu tố về mây. Các yếu tố khí tượng chính bao

gồm: Nhiệt độ; Độ ẩm; Áp suất; Độ che phủ mây; Tốc độ gió; Hướng gió; Độ cao khí quyển; Lượng mưa.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu định lượng đồng lợi ích của giảm phát thải khí nhà kính trong linh vực giao thông công cộng ở thành phố hà nội (Trang 75 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)