7. Kết cấu của luận văn
3.2.2. Hoàn thiện quy chế thi đua khen thưởng trong Công ty
Bên cạnh tiền lương, thưởng là một công cụ hữu hiệu giúp tạo động lực cho người lao động cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Dân gian có câu “mười đồng tiền lương không bằng một đồng tiền thưởng” đề cao vai trò tích cực của tiền thưởng trong việc tác động vào tâm lý con người. Người lao động sẽ cảm thấy tự hào về bản thân mình hơn, cảm thấy tự tin vào mình hơn và sẽ ngày càng nỗ lực hơn để cống hiến cho Công ty. Bên cạnh đó, theo học thuyết của Skinner, người lao động khi được thưởng hoặc khen sẽ có xu hướng lặp lại những hành vi được thưởng ấy. Chính vì thế, việc hoàn thiện quy chế thi đua, khen thưởng là điều vô cùng cần thiết để đạt cùng lúc nhiều mục đích khác nhau: tác động lên bản thân người lao động được thưởng và tác động lên những người lao động khác. Để hoàn thiện quy chế thi đua, khen thưởng, Công ty cần làm được các công việc bao gồm:
- Ban hành quy chế thi đua, khen thưởng với những nội dung:
+ Căn cứ ban hành quy chế: Luật thi đua khen thưởng số 15/2003/QH11; luật số 39/2013/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng; Nghị định 91/2017/ NĐ – CP hướng dẫn Luật thi đua khen thưởng; Thông tư 12/2019/ TT – NV hướng dẫn nghị định 91/2017; Quy chế thi đua khen thưởng của Công ty…
+ Những quy định chung của quy chế bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ và các nguyên tắc thi đua khen thưởng…
- Công ty phải đảm bảo khen thưởng đúng, kịp thời, thành tích tới đâu khen thưởng tới đó, không nhất thiết phải theo trình tự từ thấp đến cao. Đối với những thành tích đạt được trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn thì nên khen thưởng ở mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng vào cá nhân người có thành tích và cả tập thể người có thành tích đó.
- Công ty nên có nhiều danh hiệu khen thưởng khác nhau để người lao động ở mọi vị trí việc làm có thể phấn đấu đạt được những danh hiệu nhất định như: Sáng kiến cải tiến kĩ thuật; phát triển thị trường, tăng doanh số; môi
trường làm việc an toàn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thưởng các danh hiệu thi đua… Với những danh hiệu này, người lao động có thể tự thiết lập cho mình một mục tiêu để phấn đấu và có kế hoạch để đạt mục tiêu ấy.
- Gia tăng trích lập quỹ thi đua khen thưởng. Với một quỹ thi đua khen thưởng lớn, sẽ có nhiều tiền để phục vụ cho khen thưởng người lao động. Và có thể chủ động trong khen thưởng người lao động.
- Đặc biệt, khen thưởng cần công bằng, vô tư, tránh chỉ khen thưởng những người đứng đầu các phòng ban, khiến cho người lao động cảm thấy bất mãn sẽ mang lại những tác dụng ngược.
- Công ty cần tiến hành xây dựng các bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực nhân viên theo từng vị trí việc làm để có thể đánh giá đúng năng lực cũng như đóng góp của nhân viên để từ đó khen thưởng một cách công bằng và kịp thời. Điều này rất quan trọng để tạo động lực cho người lao động. Việc được đánh giá đúng sẽ khiến cho người lao động cảm thấy hài lòng và hăng hái hơn trong công việc.
- Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền tới người lao động các quy định, chương trình hành động của Công ty và vận động người lao động tham gia để thi đua đạt thành tích cao trong lao động.
- Bên cạnh những khuyến khích về vật chất, thì các khuyến khích về tinh thần là không thể thiếu và đóng góp không nhỏ tới động lực của người lao động. Chính vì thế, ngoài các khoản tiền thưởng, Công ty nên có những sự tuyên dương người lao động bằng hình thức trao cờ, kỉ niệm chương, viết bài tuyên dương trên website toàn công ty, hoặc trao thưởng trong các dịp có những ngày lễ của Công ty; tặng người lao động những chuyến du lịch hoặc tập huấn để người lao động được tái sản xuất về tinh thần và học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích khác. Ngoài ra, Công ty cũng có thể mời người lao động tới các buổi giao lưu, nói chuyện để chia sẻ kinh nghiệm, điều này khiến khơi dậy sự tự hào của người lao động và sẽ tạo ra sự kích thích vô cùng lớn đối với họ.
- Không chỉ quan tâm đến cá nhân người lao động, Công ty cũng cần quan tâm cả đến gia đình của người lao động, làm tốt những chế độ đối với gia đình người lao động như thăm hỏi, ốm đau, hiếu hỉ… để người lao động cảm thấy mình được tôn trọng và ngày càng gắn bó với Công ty hơn.
- Ngoài thưởng, Công ty cũng cần quy định rõ các hình thức phạt và các hành vi bị phạt để người lao động tránh mắc phải. Các hình thức phạt phải nghiêm và mang tính răn đe, khiến người lao động phục và đặc biệt không được phạt tràn lan, không được lấy phạt người lao động làm mục tiêu sẽ gây ra hiệu quả ngược lại.