Khái quát về điều kiện phát triển của Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non hệ công lập trên địa bàn thành phố buôn ma thuột, tỉnh đắk lắk (Trang 47 - 52)

Thuột, tỉnh Đắk Lắk

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là thành phố lớn nhất, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên và là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam, nằm trong 16 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên là 37.718 ha chiếm khoảng 2,87% diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk. Ranh giới hành chính được xác định như sau: Phía Bắc giáp huyện Cư M’Gar; phía Nam giáp huyện Krông Ana, Cư Kuin; phía Đông giáp huyện Krông Pắk; phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút (tỉnh Đắk Nông).

Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trong vùng cao nguyên phía Tây của dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình 500 m so với mặt nước biển, địa hình dốc thoải 50 - 100 từ Đông sang Tây, chênh lệch về độ cao nhiều như vậy khiến cho hệ sinh thái động thực vật biến đổi phong phú.

Quỹ đất tại thành phố Buôn Ma Thuột phần lớn đã được khai thác và đưa vào sản xuất trong nhiều năm nay với những thế mạnh chính về cây công nghiệp, đặc biệt cà phê Buôn Ma Thuột được đánh giá là ngon nhất Việt Nam. Thành phố Buôn Ma Thuột chịu chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng mạnh của tiểu vùng khí hậu cao nguyên phía Tây dãy Trường Sơn, nên khí hậu thành phố cũng có những nét đặc thù riêng, chủ yếu một năm chia làm 2 mùa rõ rệt:

- Mùa mưa: Do ảnh hưởng mạnh của khí hậu Tây Trường Sơn nên tại Thành phố Buôn Ma Thuột có lượng mưa rất lớn, kéo dài 6 tháng, xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10, trùng với mùa có gió Tây, Tây Nam hoạt động. Lượng mưa chiếm khoảng 87% lượng mưa cả năm. Tháng 8 và tháng 9 là các tháng có lượng mưa lớn nhất và đạt khoảng 300mm/tháng (Báo cáo của trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh năm 2005).

- Mùa khô: Kéo dài 6 tháng, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, trùng với mùa có hướng gió Đông, Đông Bắc. Mưa ít, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 13% lượng mưa cả năm. Mưa mùa khô chỉ xuất hiện vào thời gian đầu và cuối mùa khô, có nhiều năm không có mưa, cường độ mưa mùa khô thường <10mm/tháng và chỉ xảy ra mưa một vài ngày trong tháng.

Với những đặc điểm của khí hậu như trên, thuận lợi để du lịch thành phố Buôn Ma Thuột khai thác thị trường du khách quốc tế. Đây được xem là giai đoạn cao điểm vì rơi vào giai đoạn thu đông, đặc biệt là khoảng tháng 10 trở đi đến khoảng tháng 11 vùng đất cao nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê, tổ chức các dịch vụ du lịch liên quan đến cà phê.

2.1.2. Điều kiện kinh tế

Theo báo cáo số liệu ủy ban nhân dân tỉnh ĐakLak năm 2018: giá trị sản xuất của toàn ngành kinh tế (theo giá hiện hành) năm 2018 đạt 1.904,92 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, nền kinh tế thành phố có mức tăng trưởng cao, ổn định, tốc độ tăng trưởng các năm khoảng 16 - 17%, tuy vậy do giá cả không ổn định nên tăng trưởng giá trị sản xuất theo giá thực tế cũng không ổn định. Các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá cố định năm 2010) tăng bình quân 2010 - 2018: 17,02%; trong đó: Nông – Lâm - Ngư nghiệp tăng 15,89%; Công nghiệp - xây dựng tăng 24,01%; Dịch vụ tăng 25,51%.

Trong những năm qua cơ cấu kinh tế của thành phố đã từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, đồng thời giảm tỷ lệ của ngành nông nghiệp, tuy nhiên mức độ chuyển dịch còn chưa cao. Cụ thể: Giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ chiếm 48%; Ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 39% cơ cấu kinh tế thành phố; nông nghiệp chiếm 13%.

Hiện tại, Thành phố Buôn Ma Thuột có 637,73 km đường bộ (bao gồm: đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường thôn bon: chỉ tính một số tuyến đường thôn buôn chính).

Trong đó:

+ Quốc lộ: 30 km chiếm 4,7% + Đường tỉnh: 40,5 km chiếm 6,35% + Đường huyện: 128,5 km chiếm 20,15% + Đường xã: 188,73 km chiếm 29,59%

+ Đường thôn, buôn (chỉ thống kê các tuyến chính): 250 km chiếm 39,2%

2.1.3. Điều kiện xã hội

Diện tích của thành phố khoảng 377 km², trong đó diện tích đã đô thị hóa là 100 km². Dân số toàn thành phố là 502.170 người, với người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%. Hơn 80% dân số sống tại khu vực nội thành (tức khoảng 415.610 người). Hiện nay thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị Bắc Tân Lợi nằm trên địa bàn phường Tân Lợi. Thành phố Buôn Ma Thuột bao gồm 13 phường và 8 xã. Khu trung tâm bao gồm các phường Tân Tiến, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thành Công, Tân Lợi, Tự An, Tân Lập, Tân Thành. Khu cận trung tâm, gồm các phường: Khánh Xuân, Tân Hòa, Thành Nhất, Ea Tam, Tân An. Khu ven nội, gồm các phường, xã: Cư Êbur, Hòa Thắng, Hòa Khánh, Hòa Thuận, Ea Tu, Ea Kao, Hòa Phú, Hòa Xuân.

Thành phố Buôn Ma Thuột được xem như là một Việt Nam thu nhỏ, trên địa bàn thành phố có 40 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc anh em trên toàn quốc, trong đó dân tộc kinh chiếm khoảng 85% và 15% còn lại là người dân tộc khác. Trong nhóm dân tộc bản địa, người Ê Đê chiếm số lượng lớn nhất, sau tới dân tộc Tày, Thái, Hoa, Gia Rai.

Các dân tộc bản địa ở thành phố Buôn Ma Thuột thờ thần linh, những vị thần được cho là bảo vệ họ. Một bộ phận khác theo đạo Thiên Chúa, Tin lành, Phật giáo,… Sự có mặt của đông đảo người Kinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột góp phần tạo nên một bộ mặt văn hóa mới trong những nét văn hóa truyền thống, tuy nhiên do bị ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nền văn hóa hiện đại đã làm cho nét đặc trưng văn hóa nhà dài tại các buôn làng mai một dần.

Do sự gia tăng về dân số đã kéo theo sự tăng nguồn lao động trong các ngành kinh tế...vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động đang là một vấn đề lớn và cần chú trọng của thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng lao động của Thành phố tham gia các ngành kinh tế chiếm khoảng 50% dân số toàn thành phố Buôn Ma Thuột, đây là chỉ số rất tích cực.

Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế trong những năm gần đây thay đổi không đáng kể trong khi tăng trưởng kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ lệ nông lâm nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhẹ nhưng cơ cấu lao động chưa chuyển biến mạnh. Tỷ lệ lao động nông nghiệp lại có xu hướng giảm rất chậm, điều này phản ánh những hạn chế trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tạo việc làm cho người lao động. Việc chuyển đổi ngành nghề đào tạo nhân lực không kịp thời làm cho lực lượng lao động phi nông nghiệp thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt đối với khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như ở thành phố Buôn Ma Thuột là vấn đề rất khó khăn.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, ước thực hiện năm 2018 được 9.109 tỷ đồng, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nhìn chung hoạt động ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế tạo, nhà máy bia, cơ sở chế biến cà phê, sản xuất bơm nước, cán tôn, điện thương phẩm… hoạt động sản xuất tốt, sản lượng sản phẩm tăng hơn so với năm 2017. Đến nay có 82 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 64 dự án đang hoạt động tại cụm Công nghiệp Tân An (tăng 10 dự án so với năm 2017) giải quyết việc làm cho 2.200 lao động; Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước được 37.191 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,5% so với năm 2017. Giá cả thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, các hoạt động mua bán tại các chợ, siêu thị đáp ứng nhu cầu của người dân; Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông hoạt động tốt. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất cũng tiếp tục được khuyến khích. Các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được hình thành, từng bước đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp; Công tác xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo cũng được Thành phố quan tâm và điều hành chỉ đạo thực hiện, năm 2018 Thành phố có 333 hộ thoát nghèo (đạt 104% chỉ tiêu thành phố), giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 690 hộ (chiếm tỷ lệ 0,85%); 570 hộ thoát cận nghèo, giảm còn 1.516 hộ (chiếm 1,88%). Công tác tài chính, ngân sách được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời, đúng quy định; Cơ cấu chi ngân sách dịch chuyển tích cực theo hướng tăng chi đầu tư; các chính sách tạo nguồn thu bền vững được đẩy mạnh. Việc chỉ đạo điều hành chi ngân sách cũng được Thành phố hiện đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và đột xuất. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và quản lý,

mua sắm tài sản công theo đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2018 là 1.183 tỷ 592 triệu đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non hệ công lập trên địa bàn thành phố buôn ma thuột, tỉnh đắk lắk (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)