Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế mở chu lai, tỉnh quảng nam (Trang 123 - 128)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.4. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư

3.2.4.1. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù

Tiếp tục tham mưu, cùng với UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các dự án quan trọng, có tính đột phá để phát triển KKT mở Chu Lai và vùng Đông tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo tính cạnh tranh toàn cầu. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 06 nhóm dự án trọng điểm: Khu đô thị, du lịch Nam Hội An; Công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; Công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Khí - Điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; Phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Để xây dựng KKT mở Chu Lai thành Trung tâm Công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của cả nước, thì ngoài việc nghiên cứu, đề xuất đưa ngành nghề sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, thì trong thời gian đến tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý KKT mở Chu Lai cần đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo hộ công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước với những quy định rõ ràng, ổn định, nhất quán để tránh tình trạng NĐT rút khỏi thị trường nước ta hoặc chuyển sang thị trường khác.

3.2.4.2. Hỗ trợ sau cấp phép đầu tư

Sau khi các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, định kỳ lãnh đạo của Ban Quản lý KKT mở Chu Lai và lãnh đạo địa phương phải sắp xếp chương trình đến làm việc với doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ, đối thoại để kịp

thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây là cơ hội để NĐT trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường và phát triển doanh nghiệp; thực hiện đúng, đủ kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, nhất là đơn giản hóa TTHC, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công và các nguồn vốn, thông tin, thị trường, mặt bằng...

Ban Quản lý KKT mở Chu Lai phải xây dựng kênh thông tin phản hồi thường xuyên từ NĐT đến lãnh đạo của Ban quản lý để có biện pháp giải quyết kịp thời những thắc mắc, khó khăn đột xuất của NĐT chứ không phải chờ đến cuộc gặp gỡ tiếp xúc định kỳ. Kênh thông tin này có thể là một đường dây điện thoại nóng, hộp thư email và giao cho những chuyên viên giỏi tiếng Anh, có năng lực trực tiếp quan lý. Có những biện pháp hỗ trợ sau đầu tư tích cực cũng là một trong những giải phải để thu hút đầu tư vào KKT mở Chu Lai ngày càng nhiều hơn.

3.2.4.3. Chính sách thuế

Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu hiện có để khuyến khích đầu tư vào một số sản phẩm công nghiệp trọng điểm, khuyến khích đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, các DAĐT sản xuất hàng xuất khẩu, DAĐT công nghệ cao, ít gây hại môi trường.

Đối với những dự án quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, mang tính động lực, lan tỏa, đặc biệt là 06 nhóm dự án trọng điểm (Khu đô thị, du lịch Nam Hội An; Công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; Công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Khí

- Điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; Phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão), thì ngoài các chính sách ưu đãi về thuế đang áp dụng tại KKT mở Chu Lai, chính quyền tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý KKT mở Chu Lai cần phối hợp với các NĐT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng những chính sách đặc thù về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân như sau:

- Thuế thu nhập doanh nghiệp:

+ Được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 30 năm (thay vì được hưởng ưu đãi 15 năm và có thể gia hạn thêm không quá 15 năm như quy định hiện hành) kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án.

+ Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 12 năm tiếp theo (thay vì 09 năm như quy định hiện hành), trừ các khoản thu nhập không được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thuế thu nhập cá nhân: Miễn thuế thu nhập cá nhân 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập đối với thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công mà cá nhân (thay vì chỉ được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập như quy định hiện hành) có được do làm việc tại KKT mở Chu Lai đối với người Việt Nam và người nước ngoài.

3.2.4.4. Chính sách đất đai

Phải hướng tới tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và có nhiều ưu đãi hơn như: kéo dài hơn thời hạn cho thuê đất, tăng mức miễn, giảm tiền thuê đất; giải quyết nhanh và dứt điểm những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, mặt bằng cho các NĐT kinh doanh CSHT, cần có sự linh hoạt trong điều chỉnh giá đất nhằm phù hợp với

mục tiêu của từng dự án.

Đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu công trình để doanh nghiệp có thể dùng tài sản này thế chấp vay tiền tại Ngân hàng, làm tăng thêm khả năng tiếp cận tài chính và cơ hội phát triền của NĐT. Thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ, kịp thời CSHT giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc đến ranh giới khu chức năng hoặc đến hàng rào dự án của NĐT.

Tiếp tục áp dụng thời hạn cho thuê đất tối đa tối đa là 70 năm. Đối với các DAĐT tại các khu chức năng, các KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng được áp dụng đơn giá thuê đất không quá 15 USD/m2 trong suốt thời hạn thuê đất. Đối với các DAĐT tại các khu chức năng chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng, đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, cụ thể như sau:

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất:

+ Miễn tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án xây dựng ký túc xá sinh viên, xây dựng nhà ở công nhân KCN, KKT; dự án xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

+ Giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp đối với các dự án còn lại (thay cho cơ chế giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp đối với DAĐT thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và giảm 30% tiền sử dụng đất phải nộp đối với các dự án còn lại như quy định hiện nay).

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước:

+ Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với DAĐT thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; DAĐT xây dựng ký túc xá sinh viên bằng tiền ngân sách nhà nước, xây dựng nhà ở công nhân KCN; dự án xây dựng các công

trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, khoa học - công nghệ.

+ Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp dự án có nhiều hạng mục công trình hoặc giai đoạn xây dựng độc lập với nhau thì miễn tiền thuê đất theo từng hạng mục hoặc giai đoạn xây dựng độc lập đó; trường hợp không thể tính riêng được từng hạng mục hoặc giai đoạn xây dựng độc lập thì thời gian xây dựng được tính theo hạng mục công trình có tỷ trọng vốn lớn nhất.

+ Miễn tiền thuê đất 20 năm (hiện nay là 15 năm) kể từ ngày hoàn thành xây dựng đi vào hoạt động đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

+ Miễn tiền thuê đất 15 năm (hiện nay là 11 năm) kể từ ngày hoàn thành xây dựng đi vào hoạt động đối với các dự án còn lại.

Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.

3.2.4.5. Chính sách tín dụng

Ban Quản lý KKT mở Chu Lai cần xem xét, tham mưu và thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính tín dụng, giảm chi phí kinh doanh như sau:

- Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong KKT mở Chu Lai tiếp cận nguồn vốn, vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án, vốn tín dụng thương mại phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; công khai các thủ tục vay vốn, lãi suất vay, điều kiện đảm bảo tiền vay, đơn giản hóa các thủ tục cho vay phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp trên địa bàn KKT mở Chu Lai. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp

vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng trong lập, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh.

- Thông tin rộng rãi kế hoạch cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đánh giá hiệu quả của các DAĐT, phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Quán triệt, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp; giảm tối đa các chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp.

- Điều chỉnh quy định giá đất để xác định đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, điều chỉnh chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế mở chu lai, tỉnh quảng nam (Trang 123 - 128)