địa phương
1.3.1. Thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương 1.3.1.1. Tại tỉnh Gia Lai
Trong bối cảnh đời sống hiện nay, khi những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp về quyền lợi phát sinh một cách thường xuyên hơn, công tác hòa giải càng đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế một phần tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu kiện do thiếu hiểu biết.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã tăng cường tổ chức, hoạt động hoà giải ở cơ sở. Qua đó hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh trong những năm qua từng bước chuyển biến tích cực. Các tổ hoà giải được kiện toàn, chất lượng và số lượng hoà giải viên có trình độ chuyên môn trung cấp, đại học ngày càng nhiều, số vụ việc hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, hạn chế được rất nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện.
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 2.159 thôn, làng, tổ dân phố với 2.146 tổ hòa giải và 11.207 hòa giải viên. Các thành viên tổ hoà giải là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận, già làng. Hòa giải viên tham gia vào tổ hoà giải là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, đại diện
cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tự nguyện tham gia làm công tác hòa giải. Chất lượng đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, quản lý về tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải ở cơ sở. Tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo UBND các cấp tạo điều kiện để các hoà giải viên hoạt động hiệu quả; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động của các tổ hoà giải, kịp thời biểu dương khen thưởng những hoà giải viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động hoà giải. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp huyện, thành phố và UBND cấp xã theo dõi, chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải và hoà giải viên. Đặc biệt, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi là Luật) được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Luật trên địa bàn tỉnh, có văn bản đề nghị UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật ở địa phương, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã biên soạn các đề cương, tài liệu, chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng tổ hoà giải, nội dung tập huấn gồm các lĩnh vực: Luật Hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, khiếu nại - tố cáo, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở,… Thường xuyên cử cán bộ, công chức tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo những khó khăn vướng mắc phát sinh ở cơ sở [49].
Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 260,433 km đường biên giới giáp với vương quốc Campuchia. Tỉnh là cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Cụ thể, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk và Campuchia. Tỉnh có diện tích 6.871,5 km², dân số 905.300 người gồm nhiều dân tộc khác nhau (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,9%) sinh sống trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn (92 xã, 14 phường và 5 thị trấn) thuộc 8 huyện, 3 thị xã.
Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh Bình Phước ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn tỉnh; đồng thời biên soạn và cấp phát tài liệu cho các huyện, thị tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên một số nội dung trọng tâm như: Hiến pháp năm 2013; Luật Hòa giải ở cơ sở; quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo...
Đồng thời, sở cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã thường xuyên củng cố, kiện toàn và báo cáo tình hình hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác hòa giải.
Toàn tỉnh hiện có 947 tổ hòa giải/864 thôn, ấp, khu phố với 6.096 hòa giải viên, bình quân mỗi tổ hòa giải có 3-7 hòa giải viên. Thành phần chủ yếu của tổ hòa giải là những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như già làng, trưởng ấp, bí thư chi bộ, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên...
Nhìn chung tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, số lượng vụ, việc hòa giải thành tăng cao. Năm 2015, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết 2.252 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.388 vụ (đạt 61,6%); đang hòa giải 50 vụ (chiếm 2,2%); hòa giải không thành 803 vụ (chiếm 35,6%); còn lại 18 vụ chưa giải quyết và đang xác minh, hòa giải. Từ đó góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập như: Một số huyện, thị xã chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải, chưa thấy hết vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Công chức tư pháp cấp xã chưa chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Việc củng cố về tổ chức, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí không được thực hiện thường xuyên dẫn đến hoạt động của một số tổ hòa giải và hòa giải viên chưa thật sự nhiệt tình, trong công tác còn hình thức đôi khi mang nặng tính mệnh lệnh, không thuyết phục và chưa thật sự trở thành những cam kết chung để các bên tranh chấp, mâu thuẫn nghiêm chỉnh thực hiện.
Một số tổ hòa giải áp dụng không đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải, vì vậy ảnh hưởng đến kết quả hòa giải. Cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải thường xuyên bị thay đổi do thay đổi thành viên trong tổ. Hoạt động của tổ hòa giải còn hạn chế, thời gian dành cho công tác hòa giải không nhiều và chưa đi vào chiều sâu. Về kinh phí chi cho công tác hòa giải chậm, chưa động viên kịp thời cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ. Kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số hòa giải viên còn hạn chế, nhiều tổ viên tổ hòa giải lớn tuổi làm việc chủ
yếu dựa vào kinh nghiệm, phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên hòa giải viên thường ngại va chạm, từ đó mục đích hòa giải không đạt được. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, việc hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người làm công tác hòa giải...[48]
1.3.2. Kinh nghiệm đúc kết cho công tác thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi
Thứ nhất, nơi có tỷ lệ hòa giải thành cao là nơi đó được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ hòa giải viên.
Thứ hai, kịp thời củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp kịp thời tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên để họ thường xuyên được cập nhật văn bản pháp luật mới ban hành.
Thứ ba, thành viên Tổ hòa giải phải là những người có uy tín trong khu dân cư, nhiệt tình, chịu khó.
Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở.
Tiểu kết Chương 1
Trong Chương 1, luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về pháp luật hòa giải ở cơ sở thông qua việc làm rõ các khái niệm, luận giải các nội dung về thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở, đồng thời đi sâu tìm hiểu quá trình thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở của một số địa phương để rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Những nội dung lý luận về thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở được đề cập trong Chương 1 là luận cứ khoa học để phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi tại Chương 2.
Chương 2
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI, TỈNH QUẢNG NGÃI
2.1. Ảnh hưởng của đặc điểm tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa -xã hội đối với công tác thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa xã hội đối với công tác thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi
2.1.1. Ảnh hưởng của tự nhiên
Thành phố Quảng Ngãi được xác định là thành phố đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích tự nhiên 160.000 km2. Với đặc điểm tự nhiên vừa có rừng, núi, biển, đồng bằng cùng với sự ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai, dịch bệnh, cộng với sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các xã, phường với nhau đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở của các Tổ hòa giải.
2.1.2. Ảnh hưởng của chính trị
Hiện nay, thành phố Quảng Ngãi có 23 đơn vị hành chính gồm 9 phường và 14 xã, dân số hơn 260.000 người với đại đa số là dân tộc Kinh, chỉ có khoảng dưới 1% người Hoa. Thành phố Quảng Ngãi không có nhiều tôn giáo, các tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành… Các tôn giáo chiếm tỷ lệ không lớn, sống hòa hợp với nhau và với các bộ phận nhân dân không theo đạo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thành phố Quảng Ngãi khá ổn định. Tuy vậy điểm đáng chú ý là một số tổ chức phản động lợi dụng tôn giáo, các vụ việc bức xúc trong nhân dân để kích động, lôi kéo nhiều thành phần tham gia gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn; kích động một bộ phận quần chúng nhân dân lập các cơ sở thờ tự, hoạt động tôn giáo trái quy định, đòi lại đất vẫn còn diễn ra...
2.1.3. Ảnh hưởng của kinh tế
Hiện nay, Thành phố Quảng Ngãi đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2030. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Nhận thức về pháp luật của nhân dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng quá nhiều công trình, dự án trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của một bộ phận người dân. Việc tranh chấp đất đai trong gia đình, họ tộc, những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng,tái định cư ngày càng nhiều trong khi các quy định của pháp luật hiện hành không điều chỉnh kịp với tình hình thực tế đã gây không ít khó khăn cho hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó thành phố Quảng Ngãi vẫn còn một số xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư thích đáng ... Đặc điểm này đòi hỏi nhà nước phải quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, trong đó có việc quan tâm đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.
2.1.4. Ảnh hưởng của văn hóa - xã hội
Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa. Văn hóa Quảng Ngãi khá phong phú, đa dạng, ngoài những tập tục văn hóa chung của tỉnh nhà, ở thành phố Quảng Ngãi còn có những sinh hoạt văn hóa rất đặc thù, đó là các lễ hội như: lễ hội đua thuyền, lễ thờ cúng Cá Ông, ... Qua các mùa lễ hội tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm càng được củng cố.
Tính cách con người Quảng Ngãi cũng là một đặc điểm rất cần được quan tâm để vận dụng trong công tác hòa giải. Nhận xét về con người Quảng Ngãi, sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: Đất bạc, dân chăm, tính tằn tiện, không xa hoa, người quân tử thích việc nghĩa, giữ khí tiết; người tiểu nhân thì hám lợi, hay sinh kiện tụng... Bên cạnh những ưu điểm, người Quảng Ngãi cũng có những hạn chế nhất định trong tính cách, tâm lý và sinh hoạt có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác hòa giải ở cơ sở.
Nhắc đến Quảng Ngãi, không thể không nhắc đến những điều đã được chính nhân dân địa phương đúc kết qua những câu ngạn ngữ như: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co” hay “Quảng Ngãi đãi ra sạn”. Có ý nói người Quảng Ngãi thường co cượng, cứng đầu không chịu khuất phục trước cường quyền áp bức, rất cảnh giác trước những lời dụ dỗ, lừa phỉnh.
Cũng vì tính hẹp hòi, khắt khe, cố chấp mà người Quảng Ngãi thường sòng phẳng tới mức chi ly, hay so đo và chấp nhặt với nhau những chuyện rất nhỏ, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân phát sinh các tranh chấp, mâu thuẫn, kiện tụng trong nội bộ dân cư.
Trình độ dân trí cũng ảnh hưởng đến ý thức pháp luật và thói quen ứng xử của người dân. Hiện nay ở các xã thuần nông, ven biển của thành phố Quảng Ngãi trình độ dân trí của người dân vẫn còn những hạn chế nhất định, nên tâm lý của người dân hoặc là bất chấp pháp luật hoặc là rất sợ pháp luật, e ngại khi đến các cơ quan nhà nước hoặc khi phải tiếp xúc chính quyền. Vì thế, công tác hòa giải thường phải đặc biệt chú ý tới vai trò của những người có uy tín trong thôn, xóm, khu dân cư để làm cầu nối giữa người dân với chính quyền trong việc giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn.
2.2. Đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sởtrên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi