việc xác định cơ quan nào được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là vấn đề hết sức phức tạp và phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trong công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra, tăng cường kỷ cương, pháp luật nhưng không dẫn đến tình trạng hỗn loạn, chồng chéo, quá nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.
Các hoạt động cụ thể của thanh tra tổng cục bao gồm:
- Công tác thanh tra chuyên ngành bao gồm: lựa chọn đối tượng thanh tra trong kế hoạch thanh tra hàng năm, xác định các trường hợp thanh tra đột xuất, tiến hành các cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất (kiến nghị truy thu và xử lý vi phạm hành chính), xử lý sau thanh tra (số tiền thu nộp NSNN và xử lý vi phạm hành chính).
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác thanh tra.
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của thanh tra tổng cục cục
1.3.1. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ở Việt Nam, Theo Điều 4 Hiến pháp 2013 “Đảng Cộng sản Việt Nam. là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đồng thời, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hoặc điều lệ của các cơ quan, tổ chức tùy theo mối quan hệ cụ thể.
Với vai trò là hạt nhân chính trị trong hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo chính trị đối với toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước. Sự lãnh đạo chính trị của Đảng được thể hiện thông qua quyền quyết định và quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối chính trị. Đảng quyết định và chịu trách nhiệm về đường lối chính trị trong tất cả các lĩnh vực hoạt động và phát triển của đất nước. Quyền lực chính trị của Đảng được kết tinh trong cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, chủ trương tạo lập khung chính trị cho sự phát triển của đất nước, của từng lĩnh vực, từng ngành, từng cấp trong mỗi giai đoạn phát triển.
Đảng lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đảng quyết định chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước. Quyết định tổ chức bộ máy nhà nước và bố trí, phân công cán bộ. Kiểm tra hoạt động của nhà nước và lãnh đạo nhân dân, hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quản lý và giám sát hoạt động của nhà nước và cán bộ công chức.Vì thế những quy định về tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra phải được đặt trong khuôn khổ các quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam về tổ chức và hoạt động bộ máy Nhà nước. Hay nói cách khác, quan điểm, đường lối chính trị của một đất nước sẽ chi phối đến cách thức vận hành, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung cũng như tổ chức và hoạt động của thanh tra nói riêng.
Mặt khác, sự ổn định, thống nhất, vững mạnh của hệ thống chính trị ở Việt Nam trong những năm vừa qua cũng là nền tảng góp phần đảm bảo sự ổn định, phát triển của bộ máy nhà nước nói chung, tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra nói riêng.
1.3.2. Sự hoàn thiện của thể chế quản lý và thể chế hoạt động thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của tổng cục
Thể chế quản lý và thể chế hoạt động thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của tổng cục là hai nhóm thể chế ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của thanh tra tổng cục. Nếu như thể chế quản lý thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng cục được coi là thể chế về nội dung cho hoạt động thanh tra, thì chể chế về thanh tra được xem là thể chế thủ tục cho tổ chức và vận hành hoạt động thanh tra. Sự khiếm khuyết của mỗi/hay các hệ thống thể chế này đều ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thanh tra.
Có thể thấy rằng, khi thể chế về tổ chức và hoạt động thanh tra có vấn đề, sẽ khiến hoạt động thanh tra không theo kịp được diễn biến thực tế của hành vi của đối tượng quản lý nhà nước của tổng cục, nhất định sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quản quản lý nhà nước của tổng cục. Trong trường hợp hai hệ thống thể chế này tương thích và hoàn thiện, hoạt động thanh tra có điều kiện để theo kịp, bám sát hành vi của đối tượng quản lý, kịp thời có biện pháp xử lý hợp lý.
1.3.3. Trình độ phát triển kinh tế
Bất kỳ hoạt động nào của Nhà nước đều phải đặt trong mối quan hệ với các quan hệ kinh tế; tổ chức và hoạt động thanh tra tổng cục cũng chịu sự tác động trực tiếp bởi trình độ phát triển kinh tế của quốc gia. Đứng trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, trong mối quan hệ giữa kinh tế và nhà nước thì điều kiện kinh tế, các quan hệ kinh tế quyết định đến tổ chức và hoạt động của toàn bộ các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Tổ chức và hoạt động của thanh tra tổng cục cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bản thân mô hình tổ chức và hoạt động ngành thanh tra nói chung cũng như thanh tra tổng cục nói riêng ở Việt Nam được hình thành do yêu cầu đòi hỏi của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, sự phát triển, thay đổi đa dạng cũng như sự phức tạp của nền kinh tế thị trường dẫn đến yêu cầu tất yếu về sự phát triển, vận động trong tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra nói chung và của thanh tra tổng cục nói riêng cho phù hợp. Nói cách
khác chế độ kinh tế, thành phần kinh tế tác động quyết định tới sự hình thành, tồn tại các cơ quan, tổ chức quản lý theo ngành và lĩnh vực; đồng thời đó là căn cứ để xác định nhu cầu, mức độ kiểm soát của Nhà nước bằng hoạt động thanh tra.
1.3.4. Chất lượng nguồn nhân lực
Trong bộ máy thanh tra nói chung và thanh tra tổng cục nói riêng, con người vừa là chủ thể quản lý (được nhà nước trao quyền) nhưng đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp thực thi công vụ. Với tư cách chủ thể quản lý, những người làm công tác thanh tra có thể ra các quyết định quản lý nhằm hướng tới các đối tượng quản lý thực hiện, do vậy đòi hỏi họ phải đáp ứng được những yêu cầu của người ra quyết định có tầm nhìn chiến lược, khả năng thu thập và xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp tốt, các những người làm công tác thanh tra phải nắm vững các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động của mình, nắm vững nghiệp vụ, có chuyên môn sâu, thể hiện được đạo đức công vụ về sự liêm chính, tính công minh, trung thực, khách quan… đòi hỏi ở mức độ cao hơn so với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung bởi tính chất đặc thù của công tác thanh tra là luôn phải đi xem xét những sai phạm trong lĩnh vực quản lý được giao. Nếu chất lượng nguồn nhân lực trong thanh tra tổng cục không được đảm bảo về trình độ, chuyên môn, không đảm bảo về đạo đức công vụ, không được sắp xếp hợp lý về vị trí, phù hợp với trình độ chuyên môn khi đó dẫn đến tác động trực tiếp như không tạo ra được sự phối kết hợp trong hoạt động thanh tra, không đủ trình độ để xác định được mức độ vi phạm… Những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực sẽ là định hướng cho công tác đào tạo và tuyển chọn đội ngũ cán bộ thanh tra tổng cục có đủ năng lực tạo chất lượng hoạt động thanh tra ngày càng tốt hơn.
Hoạt động thanh tra tổng cục có liên quan đến rất nhiều các cơ quan chuyên môn như:
- Quan hệ với cơ quan bảo vệ pháp luật như: cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm căn cứ vào hồ sơ mà người ra quyết định thanh tra chuyên ngành chuyển sang.
- Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội khác là quan hệ cộng tác, phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, các quyết định quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.
Các mối quan hệ này sẽ giúp cho các hoạt động quản lý được thông suốt, đảm bảo giải quyết công việc thuận lợi nhanh chóng trên cơ sở các văn bản pháp lý được hoàn thiện xác định rõ trách nhiệm, phạm vi quyền hạn cụ thể và cơ chế phối hợp của từng cơ quan tham gia quản lý cùng với đội ngũ công chức có năng lực và tận tâm trong công việc, hoạt động thanh tra tổng cục sẽ thực hiện thông thoáng, ít rào cản. Ngược lại nếu không có cơ chế phối kết hợp giữa các ban ngành, giữa các cơ quan tư pháp… khi đó các chủ thể tiến hành thanh tra sẽ bị tác động một cách tiêu cực do sự hạn chế trong việc kết nối, thống nhất giữa các cơ quan.
1.3.6. Sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại cho hoạt động của thanh tra tổng cục
Thanh tra cần tới phương tiện kỹ thuật hỗ trợ là điều hiển nhiên. Điều đáng lưu ý ở đây là, nếu ứng dụng được thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác, thì vừa góp phần giảm biên chế, vừa tiết kiệm được thời gian mà tăng cường được độ chính xác, tin cậy của kết quả công việc, tăng cường hiện đại hóa, sẽ làm thay đổi phương thức hoạt động theo hướng hiện đại.
1.3.7. Các yếu tố khác
Ý thức sự đồng thuận giữa các chủ thể thanh tra và sự tham gia của người dân, của cộng đồng có ảnh hưởng trực tiếp trong công tác kết hợp quản lý để đạt hiệu quả cao. Ngoài ra còn phụ thuộc vào trình độ dân trí, nhận thức về quản lý, tinh thần tham gia công tác, phối hợp trong hoạt động quản lý với các cơ quan nhà nước. Yếu tố này rất quan trọng vì trật tự kỷ cương có thể được duy trì và thiết lập hay không phụ thuộc chủ yếu vào sự chấp hành và thực hiện pháp luật của cá nhân công dân, tổ chức. Nói cách khác, trật tự kỷ cương là do cộng đồng dân cư, do các đối tượng quản lý tạo ra. Do vậy, khi họ biểu hiện tinh thần tham gia, phối hợp cộng tác với các cơ quan quản lý nhà nước; có ý thức phê phán các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật,… thì kỷ cương trong lĩnh vực quản lý sẽ được thiết lập và duy trì lâu dài. Như vậy các yếu tố xã hội mang tính tích cực sẽ góp phần thuận lợi cho hoạt động thanh tra tổng cục hiện nay.
Tiểu kết Chương 1
Trong chương 1, luận văn đã phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận sau:
Thứ nhất, làm rõ một số vấn đề cơ bản về thanh tra, gồm: khái niệm thanh tra; đặc điểm của thanh tra; hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; vai trò của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước.
Thứ hai, luận văn phân tích làm rõ khái niệm về tổ chức và hoạt động thanh tra tổng cục và các yếu tố cấu thành của khái niệm. Nghiên cứu về tổ chức thanh tra tổng cục thông qua các nội dung như: vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quan hệ công tác. Hoạt động của thanh tra tổng cục là việc thực hiện những chức năng chính của thanh tra tổng cục.
Thứ ba, luận văn phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của thanh tra tổng cục.
Đây là cơ sở để tác giả phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Tổng cục Hải quan ở chương sau.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA TỔNG CỤC HẢI QUAN