Tái sử dụng bằng cách phân loại rác tại nguồn

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TẬP TỐT NGHIỆP CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN INDEVECO VN (Trang 29 - 33)

Yêu cầu chung về việc phân loại rác

Để thực hiện tốt việc phân loại này, cần phải đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu như sau: 1- Từ hộ gia đình đến khu phố, trường học, cơ quan xí nghiệp.

Việc đào tạo, tập huấn tuyên truyền về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được chú trọng hàng đầu. Việc đào tạo, tập huấn tuyên truyền nhằm mục đích thay đổi thói quen bỏ rác xưa nay của người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường - một công việc đòi hỏi tính kiên trì và lâu dài; đồng thời phải hướng dẫn cho người dân với cách bỏ rác mới; phân tích những lợi ích mà việc phân loại đem lại cho chính họ và xã hội.

Việc tuyên truyền phải được thực hiện tới mọi đối tượng nguồn thải từ hộ gia đình, các cơ quan, trường học, xí nghiệp, bệnh viện đến các trung tâm thương mại, chợ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, các đối tượng tham gia vào quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cũng cần phải được tập huấn, tuyên truyền về chương trình, về cách thức phân loại chất thải rắn tại nguồn. Và vì đây là một chương trình hoàn toàn mới, một biện pháp quản lý tổng thể nên sự tham gia của các cấp, các ngành ở quận/huyện là không thể thiếu được.

2- Thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp

Để thực hiện tốt phân loại chất thải rắn tại nguồn phải đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật hỗ trợ cho quá trình phân loại và sau phân loại. Các yếu tố kỹ thuật ở đây là các phương tiện, các quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Khi thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải thay đổi các phương tiện và quy trình kỹ thuật một cách tổng thể và đồng bộ.

Trong công tác thu gom, việc thay đổi quy trình và công nghệ gặp nhiều khó khăn chủ yếu do thói quen giao rác của người dân. Khi thực hiện phân loại chất thải rắn thành hai loại (rác thực phẩm và rác vô cơ), phương án thu gom đầu tiên là thu gom cách ngày (1 ngày lấy rác thực phẩm, 1 ngày lấy rác vô cơ). Ưu điểm của quy trình này là không phải thay đổi trang thiết bị thu gom, cũng như trang thiết bị vận chuyển.Nhưng người dân phải lưu trữ rác trong nhà - điều này trên thực tế không nhận được sự đồng tình của người dân do không ai muốn giữ rác ở trong nhà hơn một ngày. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi trang thiết bị kỹ thuật thu gom.

Về mặt kỹ thuật: (1) phải cùng lúc thu gom được cả hai loại rác đã phân loại mà không phải quay vòng xe thêm một lần nữa, (2) phải chứa riêng từng loại rác đã được phân loại, (3) phải nhẹ và vừa cho người thu gom có thể đẩy đi gom rác trong phạm vi thu gom của mình tại các phường xã. Để giải quyết kỹ thuật này, cần thiết kế phương tiện thu gom mới có 2 ngăn riêng biệt.

3- Phân loại thứ cấp để tách các dòng rác thải thành nguyên liệu tái chế

Ngoài ra cũng cần phải chú ý đến vấn đề quy trình kỹ thuật trong khâu xử lý cuối cùng. Vì để có thể tăng hiệu quả của quá trình tái sử dụng tái chế, làm phân compost như tiêu chí mà chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đặt ra cần phải phân loại triệt để hơn. Vì vậy tại các nơi xử lý phải có trạm phân loại thứ cấp để thực hiện phân loại triệt để hơn trước khi sử dụng rác thải làm nguyên liệu tái chế.

Cách phân loại

1- Phân biệt 3 loại rác:

Rác hữu cơ là các loại rác thực phẩm từ nhà bếp như rau, củ, quả... Rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được mang đến nhà máy sản xuất phân hữu cơ Cầu Diễn, để chế biến thành phân hữu cơ, rất tốt cho canh tác và an toàn cho người sử dụng. Vì vậy việc phân loại rác hữu cơ cẩn thận ngay từ đầu sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình sản xuất phân hữu cơ sau này

Rác vô cơ là các loại rác như sành sứ, gạch vỡ, thủy tinh, xỉ than, đất, cát..Rác vô cơ là loại rác không thể sử dụng được nữa, mà chỉ có thể mang đi chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Vì vậy, để bảo vệ môi trường, chúng ta cần giảm thiểu tối đa lượng rác vô cơ này.

Rác tái chế như giấy, kim loại, vỏ hộp...sẽ được vận chuyển đến các làng nghề để tái chế thành các sản phẩm mới.

2. Thùng rác hộ gia đình: hữu cơ và vô cơ.

Mỗi hộ gia đình cần trang bị 2 thùng rác màu xanh (hữu cơ) và màu da cam (vô cơ). Điều đáng lưu ý là thùng rác hữu cơ có thêm rọ lọc chất lỏng để tách nước ra khỏi phần rác hữu cơ.

Hình 2.7: Phân loại thùng rác

3.Hệ thống thu gom mới.

Thông thường, mỗi tổ dân phố sẽ có khoảng 1-2 điểm đặt thùng rác thu gom tập kết. Rác hữu cơ được đổ hằng ngày từ lúc 18h00 đến 20h30, còn rác vô cơ chỉ đổ vào các ngày Thứ 3, Thứ 5, Thứ 7 & Chủ nhật từ lúc 18h đến 20h30

Việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tái sử dụng hiệu quả các phế liệu có trong rác thải, các loại rác thải hữu cơ được xử lý thành phân compost bón cho cây trồng thay thế phân hóa học. Lượng chất thải rắn còn lại phải chôn lấp rất ít, sẽ tiết kiệm được diện tích chôn lấp rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác gây ra.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày TPHCM thải ra hơn 7.000 tấn rác. Lượng rác này được giao cho khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở huyện Bình Chánh và Phước Hiệp huyện Củ Chi xử lý. Do chưa có phân loại chất thải rắn tại nguồn, nên phần lớn lượng rác thải hiện nay của thành phố đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Hàng năm thành phố dành từ 10 - 15 héc ta đất để thực hiện việc này và gần 1.500 tỉ đồng cho chi phí xử lý rác. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Nguyễn Văn Phước, phân loại chất thải rắn tại nguồn là một giải pháp quản lý rác đô thị mang tính định hướng lâu dài đã được nhiều nước áp dụng. Việc phân loại sẽ giúp giảm thiểu được khối lượng rác đưa ra bãi chôn lấp, tiết kiệm đất chôn lấp và chi phí xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nguyễn Văn Phước, nhấn mạnh:

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình tổ chức và thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn thành phố. Phân loại rác tại nguồn là việc nhỏ có ý nghĩa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình tái chế, giúp tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm bớt gánh nặng khai thác tài nguyên thiên nhiên và quan trọng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người. Chính vì điều này đòi hỏi mọi người, mọi nhà, mọi địa phương phải cùng nhau nỗ lực thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn. Có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai với môi trường sống ngày càng trong lành hơn.

Hiện ở Hà Nội đang thực hiện một chiến dịch 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) bằng hình thức phân loại rác tại nguồn với sự tham gia tích cực của người dân.Chiến dịch nhằm xây dựng một thủ đô xanh-sạch-đẹp. Trong đó, quan trọng nhất nhưng cũng là khó khăn nhất để thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn là gia đình bạn cần có kiến thức phân loại rác và phải trang bị 2-3 thùng rác riêng biệt để chứa ba loại rác cơ bản, gồm rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Song song đó phải có nơi tập kết, tiếp nhận nguồn rác sau khi được phân loại này. Ngoài ra, chương trình này còn quy định người dân đổ rác và cơ quan thu gom rác phải thực hiện đúng ngày, đúng giờ và đúng nơi quy định.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TẬP TỐT NGHIỆP CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN INDEVECO VN (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(38 trang)
w