2.2.4.1. Sảy thai
Các trường hợp thai bị đẩy ra ngoài trước ngày đẻ dự kiến được gọi là sảy thai. Sảy thai do sức sống của thai yếu, bộ phận sinh dục hoặc cơ thể của con mẹ bị bệnh. Có biểu hiện đẻ dù chưa tới ngày đẻ dự kiến, con sơ sinh khi đẻ rathường bị chết, con ít, con sinh non có sức sống rất yếu.
Sảy thai có thể do các nguyên nhân sau: - Nguyên nhân truyền nhiễm:
Lợn mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm như Brucellosis, bệnh xoắn khuẩn, bệnh do Parvovirus…Chuồng trại chật hẹp, thời tiết nắng nóng làm khả năng sảy thai tăng cao hơn.
- Nguyên nhân không do truyền nhiễm:
Do cơ thể lợn nái mẹ bị các bệnh lý như nhiễm trùng đường sinh dục: viêm niêm mạc tử cung, viêm âm đạo do vi khuẩn có sẵn trong chuồng nuôi hoặc bị nhiễm khi thụ tinh, sảy thai do thói quen hoặc do vận động mạnh, hoặc bị đánh đập gây sảy thai.
Chế độ dinh dưỡng chăm sóc trong thời kỳ mang thai kém, thiếu protein, khoáng chất cần thiết cho cơ thể mẹ và sự phát triển của bào thai. Thức ăn bị nấm mốc làm cho lợn bị ngộ độc gây sảy thai.
Lợn nái bị mắc các bệnh lý ở nhau thai hay bào thai: Nhau thai phát triển không bình thường, bào thai có sức sống quá yếu...
- Phòng bệnh:
Khi chọn lợn làm giống không được chọn những con bị mắc các bệnh truyền nhiễm như Leptospilosis, Brucellosis…
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong quá trình mang thai như dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng…
Những con nái thường bị sảy thai, chết thai ở lứa trước (nguyên nhân không do truyền nhiềm) thì có thể tiêm thuốc an thai Progesterone sau khi phối giống.
Trong thời gian mang thai phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khẩu phần ăn phải có đủ protein, khoáng chất, có thể bổ sung một số vitamin A,D,E để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
2.2.4.2. Viêm tử cung
Lợn nái đang trong quá trình mang thai vẫn có thể bị viêm tử cung. Nguyên nhân thường do viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,… công tác phối giống không đúng kỹ thuật, dụng cụ thụ tinh nhân tạo quá cứng, không được vô trùng làm xây sát, tổn thường đường sinh dục, gây viêm nhiễm đường sinh dục, viêm tử cung.
- Phòng bệnh: Trong quá trình thụ tinh nhân tạo hay tự nhiên cần thực hiện đúng quy định vệ sinh đầy đủ dụng cụ, tay chân. Các dụng cụ sử dụng trong thụ tinh nhân tạo cần được vô trùng, không dùng dụng cụ quá cứng gây xây sát nhiễm trùng đường sinh dục. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cẩn thận.
2.2.4.3. Bỏ ăn không rõ nguyên nhân
Trong giai đoạn chăm sóc lợn nái mang thai ta thường gặp lợn nái mang thai bỏ ăn nhưng không có những biểu hiện sốt, mệt mỏi, hay đau đớn. Trường hợp này thường sảy ra sau khi phối giống 1 - 2 tháng, có con đến tháng thứ 3 vẫn bỏ ăn. Do một vài nguyên nhân gây ra như:
- Do rối loạn nội tiết tố sau khi lợn đậu thai, tăng hoặc giảm một số hormone làm ảnh hưởng đến tính thèm ăn.
- Do thai bị chết khô 1 - 2 con. Thai chết do nhiều nguyên nhân như độc tố nấm mốc và thức ăn hay bệnh truyền nhiễm như dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh,… Khi thai chết chất độc hấp thu vào máu gây nhiễm độc huyết, làm cho con vật mệt mỏi, bỏ ăn.
- Do thai quá nhiều, gần đẻ thai thúc mạnh vào thành bụng làm lợn mẹ đau, mỏi, bỏ ăn.
2.2.4.4. Đau móng, viêm khớp
Các tổn thương trên móng, khớp làm cho lợn đi lại khó khăn, lười ăn hoặc bỏ ăn. Móng hoặc khớp bị viêm có thể do thiết kế chuồng, nền chuồng, do trong quá trình vệ sinh làm va đập tới móng, khớp của lợn dẫn đến tổn thương, viêm, do chế độ chăm sóc, dinh dưỡng.
Do khẩu phần ăn thiếu Canxi, phốt pho hoặc tỷ lệ Ca/Pb không phù hợp làm yếu chân. Lợn hậu bị, lợn nái lười vận động, thai to đè lên chân. Móng chân bị tổn thương bên ngoài do trong quá trình vệ sinh, nền chuồng gồ ghề, vi khuẩn xâm nhập vào vết thương làm viêm, nhiễm trùng, mưng mủ móng, lợn nái đi lại khó khăn, bỏ ăn, còn có thể gây sốt cho lợn nái.
- Phòng bệnh:
Dinh dưỡng trong khẩu phần ăn đảm bảo phải có Canxi, phốt pho với tỷ lệ cân đối cả trong khi nuôi nái hậu bị và trong quá trình mang thai.
Vệ sinh chăm sóc tránh thao tác quá mạnh làm tổn thương đến móng, khớp chân của lợn.