* Sự đa dạng các sản phẩm tín dụng bán lẻ
Các sản phẩm tín dụng đa dạng sẽ giúp Ngân hàng có cơ hội đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của khách hàng từ đó tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Sự đa dạng hóa cần phải được thực hiện trong tương quan so với nguồn lực hiện có của Ngân hàng. Yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và đa dạng nên Ngân hàng phải không ngừng cải tiến để cung cấp những sản phẩm dịch vụ tốt nhất, thỏa mãn phần lớn nhu cầu của khách hàng.
* Sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm tín dụng bán lẻ
Tiện ích của sản phẩm tín dụng là những giá trị dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng như: lãi suất cho vay,thuận tiện trọng việc sử dụng, cách thức sử dụng dễ dàng, hồ sơ thủ tục đơn giản, thời gian xử lý hồ sơ nhanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu, các sản phẩm phụ đi kèm tạo thêm các tiện ích trọn gói cho khách hàng. Tiện ích của sản phẩm phản ánh trình độ công nghệ cũng như tư duy đổi mới của mỗi ngân hàng. Do đó sự hài lòng của khách hàng đối với các tiện ích của sản phẩm tín dụng là tiêu chí để khách hàng đánh giá sản phẩm tín dụng ngân hàng và lựa chọn sử dụng sản phẩm đó. Sự hài lòng của khách hàng được đánh giá qua các cuộc khảo sát với các tiêu chí rất cụ thể như: lãi suất, mức độ đáp ứng nhu cầu, tính kịp thời, tính an toàn, thái độ phục vụ của ngân viên ngân hàng…..
* Phát triển mạng lưới cung cấp tín dụng bán lẻ
Trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, định hướng chuyển dịch sang mảng bán lẻ đã được các Ngân hàng thương mại (NHTM) đặc biệt chú trọng. Dựa theo thói quen tiếp cận tài chính của người Việt Nam, công tác mở rộng mạng lưới là điều tiên quyết mà các NHTM chú trọng thực hiện nhằm tăng cường sự hiện diện tại nhiều địa bàn cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, các ngân hàng nội không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn vấp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều ngân hàng ngoại. Do đó, việc mở rộng mạng lưới vẫn luôn là yêu cầu cấp thiết để chiếm lĩnh thị phần giữa các NHTM.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể mở rộng mạng lưới. Bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp phép cho những NHTM đảm bảo đủ hồ sơ và điều kiện theo quy định, triển khai tích cực và đạt yêu cầu đối với các phương án cơ cấu lại hoặc sáp nhập, hợp nhất. Theo đó, để mở mới chi nhánh hoặc phòng giao dịch, các NHTM phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt
khe như tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 3%, kinh doanh có lãi, đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và năng lực tài chính… “Hàng rào” này hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, coi trọng chất lượng hơn số lượng
Việc các ngân hàng mở rộng hệ thống, đặc biệt là hướng đến các khu vực ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp các ngân hàng phủ rộng mạng lưới, đem tiện ích đến tận tay người dân ở những khu vực xa xôi, mà đó còn là là những khu vực phù hợp với việc phát triển tiềm năng lâu dài của ngành ngân hàng khi Việt Nam dần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Song hơn tất cả, những ngân hàng có mạng lưới mở rộng sẽ có cơ hội kinh doanh nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường - yếu tố mang tính sống còn của không chỉ ngân hàng mà các doanh nghiệp nói chung hiện nay. Một Ngân hàng đã được xác định là đi theo định hướng bán lẻ thì một trong những tiêu chí quan trọng nhất đó chính là mạng lưới hoạt động. Một Ngân hàng có các sản phẩm tín dụng bán lẻ tốt, nhiều tiện ích, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhưng nguồn lực có hạn không mở rộng được thị trường cung cấp sản phẩm, số lượng khách hàng tăng trưởng thấp thì chỉ được đánh giá ở mức độ phát triển trung bình.
* Kênh phân phối sản phẩm tín dụng bán lẻ
Trong hoạt động ngân hàng bán lẻ, kênh phân phối có một vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa sản phẩm dịch vụ NH đến với KH cá nhân và hộ gia đình. Mạng lưới chi nhánh, các phòng giao dịch, điểm giao dịch là kênh cung ứng dịch vụ NH truyền thống của hầu hết các NHTM. Cho đến nay CNTT đã làm thay đổi một cách cơ bản các quan điểm kinh doanh truyền thống. Dịch vụ NH đến với KH không chỉ còn qua một kênh duy nhất là chi nhánh, các phòng giao dịch, điểm giao dịch mà qua một loạt các kênh cung ứng hiện đại khác như: hệ thống ATM, internetbanking, mobilebanking, hệ thống POS…Đây là một trong các tiêu chí hàng đầu trong đánh giá phát triển
của Ngân hàng bán lẻ nói chung và tín dụng bán lẻ nói riêng.
* Quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ
Tiêu chí rõ ràng nhất thể hiện sự phát triển tín dụng bán lẻ đó chính là quy mô và tốc độ tăng trưởng. Quy mô tín dụng bán lẻ thể hiện ở các con số phản ánh đó là doanh số, dư nợ tín dụng bản lẻ, số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng bán lẻ.
- Doanh số cho vay bán lẻ là tổng số tiền mà ngân hàng cho vay phân khúc bán lẻ trong kỳ, được cộng dồn các khoản vay thuộc sản phẩm tín dụng bán lẻ trong một kỳ kế toán. Doanh số cho vay bán lẻ phản ánh số vốn ngân hàng đã giải ngân cho hoạt động cho vay tiêu dùng, thể hiện xu hướng mở rộng hay thu hẹp hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây là chỉ tiêu thể hiện tốt nhất tốc độ mở rộng quy mô cho vay tiêu dùng. Nguồn vốn ngân hàng cho vay bán lẻ càng lớn thì chứng tỏ nhu cầu vay của khách hàng được đáp ứng tốt hơn, đồng thời cũng cho thấy một phần khả năng tăng lợi nhuận từ hoạt động này của ngân hàng
- Dư nợ cho vay bán lẻ được xem là một trong những chỉ tiêu cơ bản để đánh giá mức độ phát triển của tín dụng bán lẻ. Dư nợ cho vay bán lẻ là chỉ tiêu được các ngân hàng tính vào cuối mỗi quý hay mỗi năm bằng dư nợ cho
vay bán lẻ đầu kỳ + doanh số cho vay trong kỳ - doanh số thu nợ cuối kỳ. Chỉ tiêu này còn bao gồm tỷ trọng dư nợ cho vay bán lẻ trong tổng dư nợ và
tốc độ tăng trưởng của dư nợ cho vay bán lẻ qua các kỳ. Tốc độ tăng trưởng của dư nợ cho vay bán lẻ thể hiện mức tăng hay giảm của dư nợ qua các kỳ. Tuy nhiên do dư nợ cho vay của ngân hàng ở các kỳ khác nhau là khác nhau nên sử dụng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng của dư nợ cho vay bán lẻ là chưa hoàn toàn chính xác. Do vậy người ta sử dụng thêm chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng của tỷ trọng dư nợ cho vay bán lẻ trong tổng dư nợ của ngân hàng để có thể đưa ra kết luận chính xác
* Chất lượng và hiệu quả tín dụng bán lẻ
- Nợ quá hạn là khoản nợ đến hạn trả mà khách hàng không có khả năng trả nợ, phản ánh số vốn của ngân hàng có khả năng bị mất. Chỉ tiêu này phản ánh độ rủi ro của hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng bán lẻ nói riêng. Chỉ tiêu này bao gồm số dư nợ các sản phẩm bán lẻ quá hạn và tỷ trọng nợ phân khúc bán lẻ quá hạn trong tổng dư nợ của ngân hàng. Nợ quá hạn là một điều khó tránh khỏi trong hoạt động ngân hàng, mà riêng với hoạt động cho vay bán lẻ – hoạt động cho vay có rủi ro gần như cao nhất – thì tình trạng này đa số ngân hàng đều mắc phải. Việc không thu hồi được nợ này có thể do tình hình tài chính của khách hàng không tốt hoặc do cố tình không thanh toán. Do đó đây cũng là một tiêu chí để đánh giá phát triển tín dụng bán lẻ của NHTM.
- Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng bán lẻ là chỉ tiêu hàng đầu để đánh giá được hiệu quả và tốc độ phát triển tín dụng bán lẻ của ngân hàng. Chỉ tiêu này có thể được xem xét trên mức tăng lợi nhuận cho vay bán lẻ và mức tăng lợi nhuận cho vay bán lẻ trong tổng lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Việc đánh giá chính xác chỉ tiêu này trong từng thời kỳ giúp ngân hàng có thể đưa ra các chính sách thích hợp, kịp thời nhằm tăng lợi nhuận cho ngân hàng trên cơ sở hợp lý hoá chi phí và nâng cao chất lượng tín dụng.