3.1.1. Hoàn thiện quyền của phụ nữ khi ly hôn phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hoá đời sống nhà nước, đời sống xã hội ở nước ta hiện nay
Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: ”Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” [34].
Như vậy, bằng việc bảo đảm về mặt hiến định, chúng ta đang tạo ra những nền tảng cần thiết để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một tiến trình lâu dài và có tính đặc thù. Nhà nước pháp quyền phải là sự kế thừa, phát triển của Nhà nước dân chủ nhân dân ở tầm cao mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Hạt nhân của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là các quan hệ xã hội chủ yếu được điều chỉnh bằng pháp luật, trong đó quan hệ HN&GĐ giữ vị trí quan trọng, bởi gia đình là tế bào của xã hội; pháp luật giữ vị trí điều chỉnh chủ đạo trong toàn xã hội, trong hoạt động xử sự của những chủ thể trong xã hội. Các cơ quan nhà nước, một mặt sử dụng pháp luật để quản lý từng ngành, từng lĩnh vực, nhưng ở mặt khác, khi tham gia các quan hệ pháp luật thì cũng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Nói một cách khác, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước mà ở đó, pháp luật là ý chí của toàn thể nhân dân, pháp luật giữ vị trí thống trị. Quản lý nhà nước bằng pháp luật là yêu cầu khách quan của xã hội văn minh, công bằng, dân chủ; là phương pháp cơ bản bảo đảm hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước. Xây dựng Nhà
nước pháp quyền hoạt động trên cơ sở pháp luật, thực hiện quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng pháp luật, bảo đảm cho toàn xã hội nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Trên cơ sở đó, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm, khắc phục sự tùy tiện, lạm quyền của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.
3.1.2. Hoàn thiện quyền của phụ nữ khi ly hôn phải trên cơ sở đảm bảo quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình
Trong số các quyền con người, quyền công dân thì quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình là một trong những nội dung quan trọng, cần phải được quan tâm.
Để có thể đáp ứng được yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đòi hỏi phải xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình. Bởi, về nguyên tắc, pháp luật là ý chí, nguyện vọng, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được luật hóa, là tiếng nói của công lý và ý trí. Do đó, nếu xét về mặt hình thức pháp lý, thì các quy định pháp luật về quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình phải điều chỉnh một cách bao quát, toàn diện các quan hệ giữa Nhà nước và đương sự; nếu xét về mặt nội dung pháp lý, quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình phải thể hiện và đáp ứng được nhu cầu khách quan của xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội… Về cấu trúc, pháp luật về quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình phải là một thể thống nhất, chặt chẽ về thứ bậc, trong đó Hiến pháp giữ vai trò là “Đạo luật gốc”. Về mặt luật thực định, với việc đề cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, vai trò của
quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình đòi hỏi phải được nâng cao và tăng cường hơn nữa.
Vì vậy, bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình phải đảm bảo quyền tham gia tố tụng, các đương sự phải bình đẳng với nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
3.1.3. Hoàn thiện quyền của phụ nữ khi ly hôn phải thể hiện được chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp
Cùng với tiến trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương cải cách bộ máy nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong nhà nước pháp quyền, quyền con người, quyền công dân được xác lập về mặt pháp lý, tạo cơ sở cho việc xây dựng một xã hội bình đẳng và công bằng. Nhà nước pháp quyền là một nhà nước chống lại sự lạm quyền, vi phạm quyền công dân; chống lại sự tùy tiện của công quyền để bảo vệ quyền con người; đó cũng là nơi mà mọi mặt hoạt động của Nhà nước đều đặt trên cơ sở pháp luật.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, để bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình thì phải giải quyết tốt mâu thuẫn giữa việc mở rộng quyền của đương sự với việc hoàn thiện và mở rộng thẩm quyền của Tòa án. Vấn đề cần phải nhận thức hai chiều ở đây là: Các quy định của pháp luật nhằm tôn trọng và bảo vệ bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, nhưng các quy định đó cũng đồng thời phải bảo đảm rằng khi thực hiện quyền ấy, đương sự không gây khó khăn, cản trở hoạt động xét xử bình thường của Tòa án.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương thực hành chính sách đổi mới nhằm kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan tư pháp.