“Cái tôi” nghệ sĩ mẫn cảm, hướng về tình đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng cái tôi trữ tình trong ngư phong thi tập của nguyễn quang bích (Trang 55 - 63)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. “Cái tôi” nghệ sĩ mẫn cảm, hướng về tình đời

Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước là những tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Ta bắt gặp điều đó trong sáng tác của Nguyễn Quang Bích. Với tư cách là một nhà Nho, một vị tướng của triều đình, con người ấy luôn đặt tình cảm yêu nước lên trên tình cảm cá nhân. Lòng yêu nước đó gắn với ý thức trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Thế nhưng, ở đâu đó trong sâu thẳm cõi lòng nhà thơ, những tình cảm cá nhân được bộc phát tự nhiên và tuôn trào qua cảnh vật quê nhà, ở đó có những kỷ niệm thơ bé, có mẹ cha, anh em, bằng hữu… Tình yêu quê hương, núi non, làng bản - nơi ông gắn bó trọn thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc luôn chảy tràn trên những trang thơ.

Nguyễn Quang Bích nhắc đến tình cảm của mình đối với cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc của mình, trong mỗi lời, mỗi bài chứa đựng cả tấc lòng da diết của ông. Trong những ngày kiếm gạo nuôi quân, thiếu thốn trăm bề, lòng chinh nhân ngổn ngang bao mối âu lo, và xót xa nhất, ngậm ngùi nhất khi nhớ đến ngày mẹ cha treo cung dâu tên cỏ:

Thê chỉ bất kham trù trướng xứ, Cù lao kim nhật ký bồng tang.

(Điều khiến cho ta ngậm ngùi nhất trong cảnh nương náu này/ Nhớ ra hôm nay là ngày mẹ cha treo cung dâu tên cỏ cho ta - Quân lương khuyết phạp)

Ngày được mẹ cha treo cung dâu tên cỏ - kỷ niệm thật đáng nhớ, trong ngày kỷ niệm ấy, người ta chỉ muốn được trải qua bên cạnh những người mà mình thương yêu, bên cạnh những đấng sinh thành. Thế mà, với Nguyễn Quang Bích, ngày từ giã quê hương, gia đình để lên đường nhậm chức tuần phủ Hưng Hóa cũng là ngày vĩnh biệt. Nhiều lần ông đón mừng sinh nhật trong niềm cô đơn không một người thân bên cạnh, xung quanh là tiếng chim hót suối reo, cây cỏ rì rầm:

Cửu tự cù lao đức vị thù,

Hà kham tâm sự minh sương thu. Bồi hồi độc tọa nhân như ngốc, Điểu ngữ tuyền thanh thảo thụ u.

(Chín chữ cù lao, công đức ấy chưa đền đáp được/ Mái tóc đã nhuộm màu sương thu, lòng càng chua xót/ Ngồi một mình thơ thẩn như ngây như ngốc/ Chim hót, suối reo, cây cỏ rậm rì - Tứ nguyệt bát nhật).

Trong ngày sinh của mình, ông bộc lộ tâm sự nhớ mẹ già nơi quê nhà, nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục mà chưa thể đáp đền. Niềm băn khoăn, day dứt vì nghĩa cù lao chưa báo đáp luôn giằng xé trái tim ông:

Cù lao phụ mẫu tối ai ai, Ngũ thập dư linh xỉ phát đồi. Phong vũ tiêu tiêu kinh dạ mộng, Yên lam nhiễm nhiễm bạn sầu bôi. Đầu lô thượng ức huyền hồ tại, Tuế nguyệt không mang tự tiễn thôi. Mạn đạo kim triêu sinh nhật hỷ, Thần thông phổ độ chúc Như Lai.

(Nhớ đến công đức cù lao của mẹ cha, cực kỳ thương xót/ Tuổi mới ngoài năm mươi đã răng long tóc rụng/ Gió mưa xào xạc, kinh động giấc mơ đêm/

Lần lữa nơi lam chướng, đánh bạn với chén sầu/ Trong đầu còn nhớ y nguyên việc treo cung dâu trước cửa/ Năm tháng đi nhanh vùn vụt như tên bắn/ Nói phiếm rằng hôm nay mừng sinh nhật/ Cầu chúc đức Như Lai thần thông tế độ cho tất cả mọi người! - Sinh nhật cảm hoài ngẫu tác)

Sinh nhật Nguyễn Quang Bích trùng với ngày Phật Đản mùng 8 tháng 4 âm lịch nên ông nói vui chúc sinh nhật đức Như Lai, mong đức Phật tế độ cho tất cả mọi người trong đó có người mẹ già yếu nơi quê nhà của ông. Có thể thấy nỗi nhớ quê, nhớ nhà luôn thường trực trong lòng thi nhân. Bất cứ việc gì cũng có thể gợi nhớ quê nhà, khi nhìn một chiếc thuyền về xuôi hay tiễn đưa một người bạn đều khiến lòng người sĩ phu yêu nước rối như tơ vò. Qua sông Thao, nhìn dòng nước đổ ra biển phương Nam, một chiếc thuyền con xuôi dòng như vụt bay về đến quê nhà khiến lòng người chua xót, một nỗi nhớ quê cồn cào, da diết như nung nóng lòng người xa xứ:

Cổn cổn hồng lưu chú hải nam, Nhất bồng phi hạ đáo gia am. Như kim hồi thủ thiên biên ngoại, Trường sử chinh nhân vạn bất kham.

(Dòng nước đỏ cuồn cuộn đổ ra biển Nam/ Một lá thuyền con xuôi như bay vụt đến quê nhà/ Đến nay ngoảnh đầu nhìn lại cõi ven trời/ Còn mãi mãi khiến kẻ chinh nhân muôn vàn chua xót - Quá Thao hà thượng lưu cảm tác).

Chính lúc đi xa quê hương lại là lúc cảm thấy gần quê hương hơn bao giờ hết, khi rời bỏ quê nhà lại là lúc nhận ra tình cảm mình dành cho quê nhà sâu nặng nhất. Cũng mang tâm trạng, nỗi niềm như hầu hết những người con xa quê khác, Nguyễn Quang Bích luôn mong đợi ngày trở về quê hương. Nhưng ngày về thì mịt mù không biết trước nên ông đành chìm vào giấc mộng để tìm điểm tựa của quê hương, gia đình. Và khi đó, không gian xa cách bỗng được rút ngắn lại khi hồn kẻ xa quê được thỏa nỗi nhớ quê hương, gia đình dù đó chỉ là trong giấc mộng.

Ngũ nguyệt Đoan dương phùng lịnh tiết, Chích thân biên địa thuộc yên lam. Cảm tâm hựu thị chung ưu nhật, Dạ mộng đồng nhân trụy lệ đàm.

(Tháng năm, gặp ngày tiết đẹp Đoan dương/ Chiếc thân ở cõi ven là nơi khói mây lam chướng/ Lòng đa cảm, lại trúng vào ngày giỗ cha/ Đêm nằm mơ thấy mình rơi nước mắt cùng mọi người trò chuyện - Đoan dương cảm tác).

Cuộc đời chiến đấu gian khổ, miệt mài trên “thanh gươm yên ngựa” cũng không làm ông quên ngày giỗ cha. Trên đường sang Vân Nam cầu viện, trong một quán trọ heo hút bên đường, nhân ngày giỗ cha, nhà thơ đã ghi lại những nhớ mong thương xót:

Chung thân thử nhật bất thăng ưu, Lữ điếm thê lương cánh bội sầu. Phảng phất bạch vân thiên vạn lý, Bồi hồi thanh dạ nhãn song lưu. Bách niên tang tử như kim nhật, Nhất lộ phong trần lịch kỷ thu. Độc tự phần hương niệm niệm chúc, Tinh linh thứ đạt cửu tuyền u.

(Hôm nay là ngày tang mà mối lo suốt đời không sao nguôi được/ Nơi lữ điếm lạnh lẽo buồn gấp bội/ Nhìn đám mây trắng phảng phất muôn vạn dặm xa/ Đêm thanh bồi hồi, ứa hai hàng nước mắt/ Cây tang cây tử hàng trăm năm vẫn như hôm nay/ Con đường dãi dầu gió bụi trải qua mấy năm rồi/ Một mình thắp hương rì rầm cầu khấn/ Lòng tinh thành may thấu đến chín suối thâm u -

Cung ngộ gia nghiêm húy nhật tại nội địa Văn – sơn huyện đạo trung)

Kinh Lễ có chép: “Quân tử hữu chung chi ưu, kỵ nhật chí vị dã” nghĩa là người quân tử có một mối lo suốt đời là ngày giỗ cha mẹ. Gánh trọng trách

cứu nước trên vai, Nguyễn Quang Bích không sao chu toàn việc nhà, nhất là cái nỗi lo suốt đời không sao nguôi được ấy. Dẫu biết có người thay thế mình lo liệu cúng giỗ cha nhưng phận làm con vẫn tự thấy mình bất hiếu muôn phần, lòng sầu càng thêm sầu hơn. Hằng năm, chỉ có thể ở nơi xa một lòng khấn nguyện với ước mong thấu đến tận chín suối, mong cha có thể hiểu cho lòng con. Dẫu ở nơi xa xôi cách biệt với quê nhà nhưng lòng người con vẫn luôn hướng về phần mộ cha với tất cả xót thương khôn xiết.

Chính vì theo quan niệm chân chính của nhà Nho: hiếu phụ thuộc vào

chữ trung nên Nguyễn Quang Bích cũng như các nhà văn thân yêu nước khác đã từ giã gia đình để cùng nhân dân chống giặc cứu nước. Một khi nước nhà còn chìm đắm trong máu lửa, nhân dân còn sống trong cảnh lầm than thì làm sao có thể chỉ nghĩ đến riêng bản thân mình, đến bình yên của gia đình được, nợ nước chưa trả thì nói chi đến việc nhà:

Cảm tác hương quan nhi nữ niệm, Bức viên đồ bản chủ tâm ưu.

(Phần riêng làng mạc vợ con, tôi đâu dám nghĩ đến/ Dư đồ non sông một dải, lòng chúa đang lo - Đối hữu nhân diện đàm).

Muốn tròn đạo hiếu cần phải vẹn chữ trung – cả trung và hiếu luôn nhất quán trong tư tưởng của Nguyễn Quang Bích. Cho đến khi nhắm mắt từ giã cuộc đời ở núi Tôn Sơn ông vẫn còn mang nặng cái nợ chưa trả đối với nhà vua, đối với cha mẹ. Bên cạnh vai trò là vị lãnh tụ nghĩa quân, chúng ta còn được thấy trong Ngư Phong thi tập một “cái tôi” trữ tình – một con người dạt dào tình cảm, trong lòng không bao giờ nguôi niềm yêu thương đằm thắm đối với mẹ cha, với quê nhà.

Sống giữa cảnh núi rừng kháng chiến, cùng sẻ chia những gian khổ khó khăn, cùng che chắn cho nhau từng làn tên mũi đạn, biết bao mối tình nảy sinh từ đây. Đó là tình của những người cùng chiến đấu cho một lý tưởng

chung, cho một hạnh phúc chung – tình đồng chí gắn liền với lòng trung quân ái quốc. Ở Nguyễn Quang Bích tình cảm đối với đồng chí trước hết được bộc lộ ra ngoài bằng một lòng tin tưởng sắt đá vào chí khí và tài đức, một mối cảm phục sâu xa vào những hành động sáng ngời chính nghĩa của những bạn chiến đấu. Tặng Nguyễn Khê Ông, người bạn đi sứ, ông đã có những lời thơ đĩnh đạc, trang trọng:

Bất nhục toàn tư quốc sĩ tài, Khả liên tiền độ miệt trần ai.

(Không để nhục đến mệnh vua, tất cả trông cậy ở tài người quốc sĩ/ Đáng thương độ trước ông đã từng coi thường gió bụi - Tặng Nguyễn Khê Ông)

Trong cuộc chiến đấu ác liệt với quân thù, sao tránh khỏi những mất mát, tổn thất, hy sinh. Viết về hành động hy sinh tiết liệt của Nguyễn Cao, lời thơ Nguyễn Quang Bích tràn đầy hùng khí. Một số bè bạn chiến đấu cũng vắng dần: người hy sinh trong trận đánh, người bỏ mình trên các nẻo đường miền sơn cước, người vì nghĩa vụ đành phải chia tay. Trong bất cứ trường hợp nào viết về những người yêu nước bất khuất vì đại nghĩa đã đứng dậy chống giặc bất chấp mọi gian khổ, ông cũng dành cho họ niềm ưu ái đặc biệt trên trang thơ của mình, lời thơ rất giàu tình mến thương. Khi tiễn bạn về Ninh Bình với lời dặn dò chân chất, mộc mạc đầy nghẹn ngào, lưu luyến:

Kỷ tải lâm trung cộng tự sơ, Ly câu tạm xướng độc thê như. Bằng quân nhất lộ đa văn kiến, Vị cập khuynh đàm tảo ký thư.

(Mấy năm ở rừng cùng nhau rau cháo/ Tạm xướng khúc ly ca, lòng ta riêng buồn/ Trên đường ông nghe nhiều thấy rộng. Chưa được lại cùng trò chuyện, ông nên sớm biên thư cho tôi - Tiễn Ninh Bình Nguyễn tán tương hồi Nam).

Còn mối tình đối với người đã khuất cũng thật tha thiết nhưng không kém ngậm ngùi, đau xót. Ông khóc Chu Thiết Nhai, một người bạn Trung

Quốc cùng chí hướng “bao lần nhắp chén rượu tri âm tỏ bày tâm sự, thề ra sức nhổ sạch loài cỏ dại”. Điếu Chu Thiết Nhai, ông đã viết nhiều dòng tâm huyết với tất cả nỗi lòng thương yêu khôn xiết trong tình nghĩa tri ân:

Bi quân độc tự khốc thanh thôn, Cảm ngã trần duyên vị liễu côn (căn).

(Thương ông, tôi chỉ nghẹn ngào khóc/ Cảm phận mình nơi trần thế chưa dứt được căn duyên - Độc Chu Thiết Nhai khíp trung giản hữu thư, cảm tác).

Có thể thấy, tình của người còn sống gắn chặt với người đã vĩnh biệt cuộc đời cũng không kém phần sâu nặng. Tình của Nguyễn Quang Bích đối với những người bạn chiến đấu là một mối tình chân thành xuất phát từ lòng yêu nước và chí căm thù giặc. Đó là tình của những người cùng chung chí hướng, cùng chung lý tưởng, cùng một mục đích chiến đấu, tình của những người chung nỗi niềm tâm sự trong nghịch cảnh tang thương của đất nước. Đối với những đồng chí hy sinh cho nước, hay những người bạn vì đại nghĩa mà giúp nước ta chống Pháp, Nguyễn Quang Bích tràn trề thương mến và kính phục. Ở ông chúng ta còn nhận ra một con người giàu nghĩa tình đối với đồng chí, bạn bè, có thủy có chung, rất trọn vẹn. Đó là biểu hiện nữa của “cái tôi” trữ tình trong Ngư Phong thi tập.

Trong những năm hoạt động của Nguyễn Quang Bích nơi núi rừng Tây Bắc, ruộng lúa, nương ngô, đồi sắn tốt tươi, bản Mường hiền lành của đồng bào Tây Bắc đã khơi gợi trong tâm hồn ông một tình cảm yêu thương nồng hậu, chân thành. Tình cảm ấy bắt nguồn từ trong cuộc sống hằng ngày chia ngọt sẻ bùi với nhân dân. Ông tôn trọng người dân lao động, ông đã nhìn thấy được vẻ đẹp, chất thơ trong cuộc sống lao động của người dân miền núi. Với ông, họ có một cuộc đời đẹp, chân chất, giàu tính lãng mạn, rất đáng sống. Họ “trồng lúa mà ăn, làm ra bông mà mặc”, gia đình sum họp, no đói có nhau. Họ dẫu rằng bị phồn hoa bỏ quên nhưng lại được giao hòa, gắn bó với thiên

nhiên. Ở nơi núi rừng này họ luôn trong thế chủ động, không hề bị lễ nghi phiền toái bó buộc, họ chất phác, nồng hậu nhưng không kém phần kiên cường. Cảm thấu được điều đó, với tư cách người làm quan, Nguyễn Quang Bích cảm thấy thẹn lòng vì chưa làm được gì tốt hơn:

Thê cư tuyền hạ tiểu liêu an Nhứ túc dinh dư tử phụ hoan Tận nhật vân sừ vô biệt sự Lao lao tu sát bạch đầu quan

(Tạm yên trong túp lều dựng ở phía dưới ngọn suối/ Bông và lúa thừa thải, vợ con vui vẻ/ Suốt ngày chỉ cày bừa không có việc chi khác/ Khiến ông quan bạc đầu rồi con thể chết đi được - Túc Dao xá).

Điều đáng chú ý là trong quá trình thâm nhập cuộc sống của đồng bào miền núi, ông đã nhận thức được đúng đắn giá trị của lao động sáng tạo của những người dân nơi đây:

Thử địa cao du tiển, Mưu sinh đoạt hóa quyền.

(Đất ở đây ít màu mỡ/ Làm ăn được, thực đã cướp cả quyền tạo hóa - Đăng

Thái Bình sơn)

Những tình cảm phong phú và sâu sắc đó chỉ có thể có được khi nhà thơ gắn với nhân dân, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân trong những ngày sóng gió của cuộc chiến đấu sống mãi với quân thù. Đó là kết quả tốt đẹp của mối tình quan - dân rất chân thật và nồng hậu của người nghệ sĩ giàu tình cảm Nguyễn Quang Bích.

Với người dân, tâm tình của nhà thơ biểu hiện nhiều dạng vẻ nhưng kết tinh lại là một tình cảm, một tâm hồn chan chứa yêu thương, một trái tim chân thành đằm thắm. Việc khước từ địa vị ở triều đình để cùng nghĩa quân xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài ở một vùng núi hẻo lánh – nơi phần đông là

đồng bào dân tộc thiểu số, vô cùng thiếu thốn, gian khổ là một bằng chứng sâu sắc, mới mẻ trong tư tưởng của Nguyễn Quang Bích. Ông đã vượt qua một số chuẩn tắc khuôn mẫu của Nho giáo để đến với nhân dân trong thái độ chân tình yêu thương rất mực. Ông dành tình cảm, cách cư xử thân ái, chân tình, gắn bó với nhân dân, không có cái nhìn phân biệt. Nhất là khi xem giấy do đồng bào Mèo sản xuất, ông thận trọng ghi lại:

Sắc tế vị năng trung thổ hảo, Chất kiên hoàn khả viễn lai thùy.

(Đẹp màu kém giấy mạn xuôi đây/ Nhưng được dùng lâu, cứng lại dày - Kiến

Miêu dân chỉ)

Ông rất trân trọng ưu ái và quan tâm đến thành quả lao động của người đồng bào tạo ra, như chính cuộc sống khi xưa nơi gia đình của mình, không những thế ông còn trân quý cung cách sống riêng của từng dân tộc trên vùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng cái tôi trữ tình trong ngư phong thi tập của nguyễn quang bích (Trang 55 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)