6. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Nguyễn Trãi với Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập
Thời đại Nguyễn Trãi sống thực sự là một thời đại nhiều biến động. Nguyễn Trãi sống 20 năm cuối triều Trần (1380 – 1400), 7 năm dưới triều Hồ (1400 – 1407), 20 năm dưới thời thuộc Minh (1407 – 1427) và 15 năm dưới triều Lê mà ông có công gầy dựng (1427 – 1442). Như vậy, trong 62 năm đời mình, Nguyễn Trãi đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi triều đại, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, và niềm vui được ca khúc khải hoàn Bình Ngô đại cáo. Về văn hóa, thời đại Nguyễn Trãi sống được xem là có tính bản lề, chuyển đổi giữa hai xu hướng chính thống: từ mô hình Phật giáo (Lý – Trần) sang mô hình Nho giáo (nhà Lê). Tắm mình trong bầu không khí văn hóa – xã hội đó, Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau, mong muốn góp tài kinh bang tế thế, phục hưng dân tộc, mơ mộng về những ngày Nghiêu tháng Thuấn...
Nguyễn Trãi là một tài năng lỗi lạc hiếm có. Ông đã hướng ngòi bút của mình theo hai chiều hướng mỹ học bác học và bình dân bình dị qua việc sáng tác bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Ở phương diện nào, ông cũng có những thành công nhất định. Tác phẩm của Nguyễn Trãi sau khi ông qua đời cũng chịu nhiều long đong. Những tác phẩm của Nguyễn Trãi bị lệnh tiêu hủy. Hai mươi hai năm sau, năm 1464, Lê Thánh Tông truyền lệnh sưu tầm lại tác phẩm của Nguyễn Trãi.
Ức Trai thi tập là tác phẩm lớn nhất bao gồm 105 bài thơ thể hiện nhiều trạng huống tâm sự cá nhân của Nguyễn Trãi. Tập thơ do Dương Bá Cung sưu tầm, trong 105 bài (có 17 bài tồn nghi). Đa số các bài trong tập này là thơ thất ngôn bát cú; thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn. Trong tập thơ, nổi bật 3 chủ đề lớn: Thơ tả thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; Thơ sáng tác sau khi quân Minh xâm lược (trong đó có bài "Đề Hoàng ngự sử Mai tuyết hiên" làm khi ở Đông Quan) và thơ sáng tác sau khi chiến thắng quân Minh. Tập thơ đã giúp cho người đọc hiểu thêm nhiều điều về thân thế, tâm hồn và tài năng Nguyễn Trãi, đồng thời cũng đánh dấu bước chuyển của chặng đường thơ chữ Hán Việt Nam từ thời Trần sang thời Lê sơ. Nguyễn Trãi vừa kế thừa được những thành tựu thơ đời Trần, vừa đưa vào những nét mới, nét riêng của ông và thời đại ông. Chính vì vậy, Ức Trai thi tập gần gũi với thơ đời Trần mà lại mới mẻ. Gần gũi vì không kể những đề tài đã trở thành cổ điển cho thơ chữ Hán nói chung như Mạn thuật, Tức sự, Ngẫu hứng, Tùng, Cúc, Trúc, Mai,…mà còn bởi những chân lý, quan niệm đã được nhân dân ta xây dựng từ những thế kỷ trước, gặp lại những cảnh, những người, những sự kiện lịch sử, những môtíp nghệ thuật từng quen thuộc với thơ thời Trần. Đó là lòng yêu đất nước thiết tha; ý thức về một quốc gia hoàn toàn độc lập tự chủ. Đó cũng là tình yêu đằm thắm đối với cảnh sắc thiên nhiên của Tổ quốc.
hùng, kiên nghị, khí phách của các nhà thơ thời chống quân Nguyên thế kỷ XIII, Nguyễn Trãi cũng "giữ lại" tính triết lý sâu sắc mà phóng khoáng, táo bạo của tinh thần thiền đời Thịnh Trần, đồng thời với sự tiếp thu nét ưu tư, thương dân, băn khoăn về trách nhiệm kẻ sĩ của các nhà thơ cuối Trần mà nổi bật hơn cả là Trần Nguyên Đán và Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi có mối liên hệ mật thiết với thời đại này. Không đơn giản vì ông sinh vào lúc nhà Trần còn trị vì đất nước (1380), mà sâu xa hơn là ông có những ảnh hưởng rất quan trọng từ ông ngoại Trần Nguyên Đán và cha là Nguyễn Phi Khanh. Sự chi phối tư tưởng, phẩm chất nhân cách của hai nhân vật này đã giúp Nguyễn Trãi tiếp thu được những giá trị văn hóa Lý - Trần. Có lẽ, điều khiến ông tâm đắc nhất là bầu không khí dân chủ và rộng mở của thời đại "phá Tống, bình Nguyên". Theo GS. Lê Trí Viễn, đây là hai thứ cốt lõi ở thời đại Lý - Trần đã ảnh hưởng khá sâu sắc tới tư tưởng tình cảm của Nguyễn Trãi: "Hai triều đại Lý - Trần khôi phục, phát huy nhân lên mọi giá trị tinh thần của dân tộc, đã kết tinh trong tâm não mọi người thành một chất chung: chất Đại Việt. Nguyễn Trãi là con người của Lý - Trần trước khi là con người của đầu Lê" [83;15].
Tinh thần rộng mở, phóng khoáng của thời Lý - Trần đã tạo nên sự hòa điệu giữa tinh thần nhập thế của Nho với xuất thế của Phật giáo và Đạo giáo. Nho vốn là chính trị, đạo đức nghiêm khắc, khô khan, thì đã có cảnh thoát trần thanh khiết của Đạo, cảnh u tịch của Phật bù vào. Cái hành cái tàng của nhà nho bị động và cứng nhắc, thì có nhập mà xuất, xuất mà nhập của nhà Phật, tiên bồi bổ thêm. Giữ được thăng bằng cho sự tình có vẻ trái ngược ấy là bản lĩnh của người Việt, bản lĩnh vững chắc mà thanh cao, yêu nước thương dân trên hết. Nguyễn Trãi đã kế thừa có phát triển tinh thần rộng mở, dân chủ và phóng khoáng của thời đại Lý - Trần. Ông am hiểu Nho học, vận dụng theo học thuyết Nho giáo nhưng bao giờ cũng dựa trên chính thực tiễn đời
sống Việt Nam. Tư tưởng chính của ông là hướng về thương sinh vạn tính. Nguyễn Trãi không đi tu nhưng lại nhập diệu đạo Thiền, thấy được sự tàn nở, lẽ sắc không vô thường: "Chiều mai nở chiều hôm rụng/ Sự lạ cho hay tuyệt sắc không" (Cây mộc cận). Theo tiếng gọi của Côn Sơn, Nguyễn Trãi "về" với cuộc sống thanh bần, lạc đạo giữa thiên nhiên, vui thú với điền viên với
ba dặng cúc, ngũ hồ xuân, tìm về giấc mơ Lão - Trang, với "Non lạ nước thanh làm dấu/ Đất phàm cõi tục lánh xa" (Thuật hứng, bài 11),...Nhưng thực tế, "dấu ấn" Nho giáo với học thuyết nhập thế "trí quân trạch dân" đã in đậm trong tư tưởng Nguyễn Trãi nên dù ông kiên quyết "quét tục trần" nhưng trong thẳm sâu trong lòng vẫn còn "lảng thảng", "dùng dằng" giữa hai bờ xuất – xử. Điều này thể khá rõ trong tập thơ Nôm, tập thơ được xem là nơi ông "trút" nỗi lòng mình khi về trí sĩ ở Côn Sơn.
Có thể nói, chưa nhà thơ nào trước Nguyễn Trãi đã để lại trong thơ phong độ cá nhân rõ nét như ông. Đọc Ức Trai thi tập có thể hình dung khá rõ Nguyễn Trãi là một con người đằm thắm trong tình cảm gia đình, bè bạn; sâu nặng trong nghĩa nước tình dân; phóng khoáng giữa thiên nhiên; thanh đạm, nhàn dật mà nhập cuộc…Không những thế, còn có thể hình dung ra Nguyễn Trãi trong những khung cảnh, tư thế rất cụ thể. Khi thì khoác tấm chăn mỏng ngồi suốt đêm hay trăn trở bên song thuyền đến sáng, suy nghĩ trầm ngâm; khi thì tựa ghế dạo đàn hay ủ tay trong tay áo ngồi ngâm thơ khe khẽ, hứng thú hoặc sầu muộn; khi ung dung, nhanh nhẹn và say mê dạo giữa thiên nhiên….
Bên cạnh thơ chữ Hán, Quốc âm thi tập là thành tựu đặc sắc trong sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Trãi. Đây là tập thơ Nôm đánh dấu sự trưởng thành của nền thơ ca tiếng Việt. Những bài thơ này đều không có ghi chép về thời điểm sáng tác. Song, dựa trên ngôn ngữ, hình ảnh nội dung được thể hiện, có thể nhận ra hoàn cảnh tập thơ ra đời chính trong thời gian Nguyễn Trãi về ở ẩn tại Côn Sơn.
Với tổng số 254 bài thơ viết bằng chữ Nôm, nhà thơ miêu tả thiên nhiên gắn với những trạng huống cảm xúc của những tháng ngày ẩn dật, thiên nhiên trong từng thi phẩm vừa mang vẻ đẹp thanh tao, cao nhã, vừa mang vẻ đẹp chân chất, đơn sơ, bình dị của làng quê Việt Nam. Nguyễn Trãi ca ngợi cảnh vật đất nước với tấm lòng tin yêu, rộng mở và gợi nhiều thi hứng dạt dào. Song không chỉ đơn thuần miêu tả thiên nhiên, Nguyễn Trãi còn gửi gắm tấm ân tình của mình trong đó. Những bài thơ ấy đều ẩn chứa một dấu hỏi về trách nhiệm, bổn phận của con người trước cuộc đời. Đó chính là tâm huyết của một bậc anh hùng cứu quốc, một bậc triết nhân suốt đời "âu việc nước":
Bui có một niềm chăng nỡ trễ Đạo làm con lẫn đạo làm tôi
(Ngôn chí, bài 1)
Nhìn chung, các tác phẩm của Nguyễn Trãi dù là chữ Hán hay chữ Nôm thì chúng đều thể hiện tấm lòng ưu dân ái quốc; ý thức về một quốc gia hoàn toàn độc lập tự chủ, ca ngợi những cảnh sắc thiên nhiên của Tổ quốc.
Trên phương diện nghệ thuật,ở mỗi tác phẩm đều có những đóng góp đáng kể cho nghệ thuật thơ ca nước nhà. Những tác phẩm của Nguyễn Trãi còn lại đến ngày nay là tài sản vô giá, là niềm tự hào của nền văn học Việt Nam. Các kiểu không gian nghệ thuật xuất hiện trong hai thi tập đã thể hiện khá rõ đời sống nội tâm nhà thơ trong từng không gian khác nhau. Dù ở đâu, không gian nào vẫn thể hiện nhất quán một nhà Nho Nguyễn Trãi "con mắt xanh", "cái râu bạc", "tiên ưu hậu lạc" trước cuộc đời.
1.2.3. ƯTTT và QÂTT - từ "không gian triều chính" Thăng Long đến "không gian ẩn dật" Côn Sơn
Trong cuộc đời cũng như trong thơ ca của Nguyễn Trãi, có hai miền không gian được nhắc đến thường xuyên, đó là Thăng Long và Côn Sơn. Nếu như không gian Thăng Long gắn liền với giai đoạn còn "đương triều" thì
không gian Côn Sơn lại được Nguyễn Trãi nhắc đến nhiều trong thời gian nhà thơ cáo quan về ở ẩn và những lúc buộc phải ly hương.
Nguyễn Trãi sinh ra tại kinh thành Thăng Long và suốt thời thanh niên cũng khi ở trong thành; rồi đỗ Thái học sinh, rồi 7 năm làm quan với nhà Hồ (1400-1407); rồi qua mười năm ẩn náu ở thành Đông Quan dưới thời Minh thuộc (1407-1416); trải qua mười năm chiến trận (1417-1427), phần đời còn lại của Nguyễn Trãi (1427-1442) chủ yếu làm quan trong triều và gắn bó với kinh thành Thăng Long – ngoại trừ một số thời gian có về Côn Sơn nghỉ dưỡng, ẩn dật. Đương nhiên Nguyễn Trãi đã có phần đời quan trọng gắn bó với Thăng Long, buồn vui, nếm trải mọi thăng trầm cùng Thăng Long yêu dấu. Chính không gian nơi đây, Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ lý tưởng vì dân vì nước của mình, cống hiến tài năng của mình trong công cuộc xây dựng một bộ máy nhà nước "lấy dân làm gốc"; nơi đây cũng là nơi Nguyễn Trãi trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời. Trong khoảng mười năm bị quân Minh theo dõi, khống chế, giam lỏng ở kinh thành Thăng Long, Nguyễn Trãi không hề nản chí mà càng kích thích ý chí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc:
Góc thành Nam lều một gian, No nước uống thiếu cơm ăn.(…) Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải, Góc thành Nam lều một gian.
(Thủ vĩ ngâm)
Mặt khác, do hoàn cảnh bất như ý, khi ở kinh thành Thăng Long, nhiều khi Nguyễn Trãi lại muốn lui về ở ẩn, muốn tìm về miền quê Côn Sơn thanh tĩnh. Đó là quê cũ, đồng thời cũng là không gian ẩn dật của Nguyễn Trãi sau khi cáo quan. Tình cảm của Nguyễn Trãi đối với Côn Sơn vừa là một biểu hiện tự nhiên của tình yêu quê hương đất nước, lại vừa là một thái độ chính trị, một quan điểm nhân sinh của một nhân cách lớn. Đồng thời, đó cũng là
một nỗi đau lớn, một sự bế tắc khi không thể thực hiện được lý tưởng của mình. Tuy nhiên, không phải chờ đến lúc ẩn dật, Nguyễn Trãi mới viết về Côn Sơn. Thơ về Côn Sơn được ông viết từ rất sớm, ngay cả những khi còn lưu lạc cho đến những năm tháng làm quan ở kinh thành. Không gian Côn Sơn trong thơ Nguyễn Trãi chủ yếu được nói đến nhiều là không gian ẩn dật với đủ âm thanh, hình ảnh đáng yêu: tiếng trúc reo trong gió, tiếng chim hót, tiếng suối chảy,…Cảnh sắc Côn Sơn qua thơ Nguyễn Trãi mang vẻ đẹp bình dị, thuần khiết, phù hợp với đời sống của nhà nho ẩn dật. Chính giữa không gian này, Nguyễn Trãi đã hòa mình với thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, có những tâm tư, cảm xúc cụ thể về thiên nhiên và qua đó thấy được sự gắn bó của ông với cuộc đời.
Khi còn ở Thăng Long, Nguyễn Trãi có cơ hội để cống hiến tài năng, để phò vua giúp nước, ôngluôn đặt mình trước lịch sử, trước nhân dân để hành động, nhưng xã hội phong kiến với bản chất vốn có đã không cho ông thực hiện, ông phải chứng kiến sự "chon chen" của chốn quan trường và luôn mong nhớ về quê hương thanh tịnh, yên bình. Ngược lại, khi đang ở Côn Sơn, có khi ông lại đau đáu nhớ tới trách nhiệm với đất nước và ước mong về một ngày được dấn thân nhập cuộc, được thi thố tài năng phục vụ vương triều, dựng xây đất nước. Nguyễn Trãi muốn thực hiện một lý tưởng cao đẹp, rốt cuộc đành làm chim hồng tránh tên lánh nạn. Đau khổ nào hơn khi dự đồ tương lai không thể thực hiện trong khi chí khí vẫn còn hừng hực! Đó là cốt lõi của mâu thuẫn, là nguyên nhân sâu xa của mọi nỗi đau buồn trong Nguyễn Trãi. Điều này tạo nên những nghịch lý và sự luân chuyển hai chiều giữa hai dòng tâm sự: từ Thăng Long nhớ về cố hương và từ nơi cố hương vọng nhớ về kinh đô Thăng Long, nhưng cho dù là ở không gian nào ta vẫn luôn thấy một Nguyễn Trãi đau đáu trách nhiệm với đời.
hiện diện trong thơ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã mượn hai bối cảnh này vừa để thể hiện lý tưởng, vừa để nói lên nỗi lòng của mình. Dù ở không gian nào, Thăng Long hay Côn Sơn thì người đọc vẫn bắt gặp qua những vần thơ của Nguyễn Trãi phẩm chất cao đẹp của người nghệ sĩ. Cả hai tập thơ dù viết lúc đang nơi triều chính ở kinh thành Thăng Long hay về trí sĩ ở chốn lâm tuyền Côn Sơn với những "hứng động" khác nhau nơi những miền không gian khác nhau, Nguyễn Trãi vẫn nhất quán trong một "hồn thơ" da diết. Hai tập thơ nói nhiều đến hai cuộc sống triều chính và ẩn dật, hai miền không gian nơi ông đã trải nghiệm bằng chính bản thân với thái độ đối lập gay gắt, đề cao nhàn dật, phủ nhận lợi danh. Sự đối lập như vậy đã làm bộc lộ rõ nét thái độ thẩm mỹ của ông đối với hiện thực. Ông coi trọng cái đẹp ứng xử bảo thân, biết lánh đục về trong, giữ mình trước miếng mồi phú quý. Cuộc sống an nhiên, tự tôn, tự lạc, tự do tự tại, sống thuận theo sự biến dịch của tự nhiên nơi chốn lâm tuyền đem lại cho Nguyễn Trãi cách nhìn nhận đúng mực, vô tâm, vô cầu trước công danh, đường lợi. Đó cũng chính là tinh thần "hư tâm nhược chí" trước quyền lợi, trước vật chất của Đạo gia.
Tiểu kết chương 1
Nguyễn Trãi là một nghệ sĩ lớn, có tư tưởng thẩm mỹ và hoạt động sáng tác xuất sắc. Sự hình thành sáng tác nghệ thuật ở Nguyễn Trãi là kết quả cộng hưởng từ nhiều điều kiện khác nhau. Về khách quan, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống giáo dục của gia đình mà trực tiếp là ông ngoại Trần Nguyên Đán và thân phụ Nguyễn Phi Khanh. Họ là những nhà nho có tâm, có trí, đã truyền cho Nguyễn Trãi những giá trị văn hóa gia đình và thời đại. Nguyễn Trãi, theo quy luật chung, cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ suối nguồn văn hóa dân gian và tinh thần phóng khoáng của thời đại Lý - Trần. Đặc biệt, ông đã tiếp thu sâu sắc tư tưởng Nho, Phật và Đạo – trong đó sâu đậm nhất là Nho giáo. Điều đó là hiển nhiên, bởi ông là trí thức Nho học,
trưởng thành từ cửa Khổng sân Trình. Những ảnh hưởng sâu sắc từ thời đại cũng như những truyền thống gia đình, quê hương…đã "hun đúc" để tạo nên