6. Cấu trúc luận văn
1.2. Nguyễn Trãi – cuộc đời và sự nghiệp thi ca
1.2.1. Nguyễn Trãi - con người và thời đại
Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu là Ức Trai. Cha là Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh), tên hiệu là Nhị Khê; quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), sau này di cư sang làng Ngọc Ối (sau đổi tên thành Nhị Khê), huyện Thượng Khê (nay là huyện
Thường Tín, Hà Tây). Mẹ là Trần Thị Thái, con gái tư đồ Trần Nguyên Đán. Sinh ra trong một gia đình có nhiều thuận lợi cả về điều kiện vật chất và môi trường giáo dục. Song, hạnh phúc không mỉm cười với con người tài hạnh. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã phải chịu nhiều mất mát đau thương về mặt tình cảm. Năm lên 5 tuổi mẹ mất, lên 10 tuổi thì ông ngoại – người vốn gắn bó với Nguyễn Trãi ngay từ khi Nguyễn Trãi lọt lòng lại qua đời. Những vui buồn của thuở thiếu thời đã in sâu vào tâm hồn Ức Trai.
Lớn lên, Nguyễn Trãi lại chứng kiến những sự đổi thay của xã hội. Thời đại lịch sử với những biến cố luôn đặt Nguyễn Trãi trong sự lựa chọn day dứt. Năm 1400, thi đỗ Thái học sinh nhưng không đi theo quý tộc nhà Trần, Nguyễn Trãi quyết định ra làm quan cho nhà Hồ thể hiện nhiệt huyết một lòng vì dân vì nước. Riêng điều này cho thấy, sự lựa chọn của Nguyễn Trãi trước ngã ba đường lịch sử là một tư tưởng tiến bộ, sự nhiệt huyết vì xã tắc, dân sinh vạn tính. Tuy nhiên, không bao lâu sau khi lên ngôi với những cải cách táo bạo, năm 1407, nhà Hồ sụp đổ hoàn toàn. Giặc Minh chiếm lĩnh và thống trị nước ta. Nguyễn Trãi đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan. Nguyễn Trãi trở về xuôi nhưng vừa về đến Đông Quan, ông đã bị giặc Minh bắt giam. Suốt thời gian bị giam lỏng ở Đông Quan, mặc cho kẻ thù ra sức mua chuộc, Nguyễn Trãi vẫn luôn giữ được tấm lòng trong sạch của mình và ấp ủ giấc mộng giúp vua, giúp nước.
Năm 1417, Nguyễn Trãi bỏ trốn khỏi Đông Quan, đến Lỗi Giang (Thanh Hóa), gặp Lê Lợi và dâng Bình Ngô sách, cuốn sách bàn về chiến lược đánh giặc Minh với phương châm cơ bản "không nói đánh thành giỏi mà bàn về cách đánh vào lòng người". Đường lối chiến lược của Nguyễn Trãi được Lê Lợi và Bộ tổng tham mưu nghĩa quân chấp nhận và tiến hành thắng lợi.
kiện chính trị, ngoại giao, Nguyễn Trãi đồng thời cũng phấn đấu để trở thành "nhà thơ – chiến sĩ". Trong khoảng thời gian tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã cho ra đời tập thư binh vận – luận chiến Quân trung từ mệnh tập nổi tiếng, sử dụng "đao bút" như một thứ vũ khí lợi hại, góp phần làm suy yếu tinh thần quân địch. Cuối năm 1427 đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô đại cáo". Tác phẩm được đánh giá là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, là "Áng thiên cổ hùng văn của đất nước".
Sau khi hoàn thành chiến lược "tâm công", Nguyễn Trãi được Lê Lợi giao cho những chức vụ trọng trách trong triều đình. Ông hăng hái thi thố tài năng để phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân. Song vị anh hùng – nhà thơ ấy đã bị bọn phản thần trù dập, ghen ghét. Chúng tìm mọi cách khép Nguyễn Trãi vào tội gian thần và bị Lê Thái Tổ bắt giam (1430). Trong nhiều bài thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi đã ngầm gửi nỗi "Oán than" của riêng mình: "Chúng báng cô trung tuyệt khả liên!"
Năm 1435, nhận ra "Trong dòng phẳng có phong ba", Nguyễn Trãi cáo quan, xin về ở ẩn ở Côn Sơn. Lê Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi tuy có được khôi phục chức cũ nhưng vẫn là cảnh: "Danh suông thực họa". Năm 1437, bất đồng với Lương Đăng trong soạn nhạc, Nguyễn Trãi lại xin về ở ẩn ở Côn Sơn lần hai. Có lẽ, đây là thời gian ngẫm ngợi, nghiệm suy lẽ đời, tình người nhiều nhất của thi nhân Nguyễn Trãi. Để rồi, như một lẽ tự nhiên, những vần thơ tiếng Việt "thấm đẫm nỗi niềm" mang nặng tâm tư QÂTT ra đời như những "trang nhật ký" cuộc đời nhà thơ. Khi Lê Thái Tông lớn lên, hiểu được tấm lòng và nhiệt huyết của Nguyễn Trãi đã vời Nguyễn Trãi về lại làm quan. Nguyễn Trãi lúc này đang hy vọng một thời cơ mới với "vua sáng tôi hiền", ông hăm hở ra thi thố tài năng. Tiếc thay, chỉ ba năm sau, tai họa lại giáng xuống. Vụ án Lệ Chi Viên đã kết thúc bi thương giấc mơ
"đền ơn xã tắc", hoài bão xây dựng "dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn" của Nguyễn Trãi và gia tộc ông vĩnh viễn chấm dứt. Đây là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời Nguyễn Trãi và cũng là bi kịch lớn nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ.
Có thể nói, thời đại và gia đình là hai nhân tố quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành, phát triển nhân cách cũng như tài năng của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi là "khí phách", là "tinh hoa" của dân tộc, một biểu tượng rất đẹp của thiên tài Việt Nam. Ông là một bậc toàn tài hiếm có trong lịch sử, một bậc đại công thần khai quốc nhưng trái lại là người phải chịu nhiều oan khiên. Tâm hồn, đạo đức, tài năng, lý tưởng Nguyễn Trãi sẽ còn mãi với non sông Việt Nam. Lê Thánh Tông đã chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi và trân trọng đánh giá Nguyễn Trãi - Ức Trai: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo".