3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.9. Giới thiệu vật liệu màng
Màng là lớp chắn cho phép tách chọn lọc một số thành phần xác định trong hỗn hợp bằng cách kết hợp quá trình sàng lọc và cơ chế hấp phụ khuếch tán. Quá trình phân tách được thực hiện bằng cách di chuyển có chọn lọc (thấm) một hoặc nhiều thành phần của dòng chảy qua màng, trong khi làm chậm sự truyền qua đối với một hoặc nhiều thành phần khác. Màng có thể phân tách chọn lọc các thành phần riêng biệt trên một phạm vi rộng về kích thước và khối lượng phân tử, từ các vật liệu phân tử lớn như tinh bột, protein đến các ion đơn trị. Màng đã có được vị trí quan trọng trong công nghệ hóa học và được dùng trong nhiều ứng dụng [3]. Ngày nay, màng lọc được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm xử lý nước thải và loại bỏ các tạp chất trong nước uống. Màng lọc được ứng dụng để sản xuất nước sạch và siêu sạch, loại bỏ các chất hữu cơ gây ô nhiễm và kim loại nặng, làm mềm nước, tách phẩm nhuộm,… [1].
Những tính chất quan trọng để xác định hiệu quả làm việc của màng là: độ chọn lọc và thông lượng cao; độ bền cơ, hóa và nhiệt độ tốt dưới các điều kiện vận hành; ít bị tắc nghẽn và có khả năng tương thích tốt với môi trường vận hành; chi phí phù hợp và sản phẩm không bị khuyết tật.
Mặc dù màng được dùng chủ yếu để sản xuất nước uống và tách khí công nghiệp, nhưng màng cũng có thể được sử dụng cho nhiều ứng dụng quan trọng khác như lọc các hạt từ: huyền phù, không khí hoặc khí thải công nghiệp và khử nước hỗn hợp đẳng phí ethanol.
Ngoài ra, màng còn được dùng trong những ứng dụng chuyên dụng hơn bao gồm tách ion trong quá trình điện hóa, thẩm tách máu và nước tiểu, phổi nhân tạo, kiểm soát sự phát thải của thuốc điều trị, cảm biến màng,... [3].