Tư duy nghệ thuật tương phản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 75 - 83)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Tư duy nghệ thuật tương phản

Để tạo dựng những biểu tượng phong phú, đa dạng mang ý nghĩa trùng phức, Chế Lan Viên không những sử dụng các yếu tố của tiềm thức, vô thức mà còn đặt các sự vật hiện tượng trong mối quan hệ tương phản - đối lập. Tương phản là tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để qua đó làm nổi bật một ý tưởng, một bộ phận trong tác phẩm hoặc tư

tưởng chính của tác giả. Việc đặt các sự vật, hiện tượng đối chọi nhau một cách rõ rệt bao giờ cũng tô đậm, gây ấn tượng mạnh nhờ sự song trùng so sánh hai hiện tượng đi liền nhau trong thế đối nghịch. Đây là cách kết cấu quen thuộc của truyện cổ tích, chèo cổ và đa số truyện Nôm. Nhiều tác giả văn học viết rất ý thức về thủ pháp nghệ thuật này để khai thác và xây dựng hình tượng cũng như thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Tuy vậy, nếu so với các biện pháp như ẩn dụ, so sánh hay điệp thì tư duy tương phản ít được sử dụng. Song khi muốn phản ánh một sự vật bình thường nào đó mà nhà thơ muốn nâng lên tầm nghệ thuật thì tư duy nghệ thuật này lại được phát huy một cách tối đa. Điêu tàn của Chế Lan Viên sử dụng rất nhiều kiểu tư duy nghệ thuật này. Nó góp phần tạo nên “dấu vân tay” riêng của Chế Lan Viên trên thi đàn dân tộc.

Tư duy tương phản được Chế Lan Viên thể hiện rõ trong cách xây dựng hàng loạt biểu tượng đặt trong các mối quan hệ song trùng. Chế Lan Viên đã tập trung “dựng lại” và khóc thương cho một dân tộcChàm đã tuyệt diệt. Giống dân Hời với nền văn minh một thủa giờ chỉ còn lại là những vết tích qua những biểu tượng như Tháp Chàm, xương máu, hồn ma… Sự tồn tại của họ giờ chỉ còn là những hoài niệm mơ hồ, xa xăm, huyễn hoặc.

Có thể xem Điêu tàn là sự tương phản hiện tại và quá khứ, giữa cõi trần và cõi mộng. Nhìn chung, các nhà thơ trước Cách mạng thường dựng lên sự đối lập giữa hai thế giới như là trạng thái phổ biến của thời đại: một thế giới thực tại đầy đau khổ, ưu phiền với những bế tắc không sao giải quyết nổi và một thế giới khác trong mộng tưởng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Với Chế Lan Viên, thế giới tưởng tượng ấy không phải là cõi bồng lai tiên cảnh như của Thế Lữ, cũng không phải trường tình say đắm giống như Xuân Diệu…, mà đó là thế giới Chiêm quốc với những biểu tượng xương khô và sọ người, máu chảy, hồn trôi…, như lời sau này ông tự thuật:

Tôi nhìn ra tha ma Hay quay vào trang sách

Ôi! Dân Chàm nước mắt Kiếp dân mình đâu xa! Tôi viết dòng nước chảy Khóc thời gian huỷ hoại Khi đã buồn hiện tại Thì quay về Tháp xưa”

(Ngoảnh lại mười lăm năm)

Có thể nói, Chế Lan Viên đã tưởng tượng, hư cấu lên một nước non Chàm với những điêu tàn đổ nát đến kinh người. Đọc Điêu tàn, niềm ám ảnh về không gian dường như bao bọc lấy người đọc. Cảm xúc về sự khác biệt giữa hai thế giới thực tại và mộng tưởng đã hướng tác giả xây dựng hai hình tượng không gian hoàn toàn trái ngược nhau: một không gian thực và một không gian ảo, một không gian chính là những cảnh - vật - việc đang diễn ra trước mắt tác giả và một không gian do trí tưởng tượng của tác giả tạo ra. Không gian Chế Lan Viên yêu đến tha thiết còn không gian kia ông muốn trốn lánh, chối từ.

Trong con mắt của tác giả, đến với thế giới Chiêm quốc chính là “trên đường về”, về với cội nguồn đang vẫy gọi. Chiêm quốc đã trở thành biểu tượng độc đáo, có một không hai trong thơ Chế Lan Viên và trong Phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Có thể nói, trí tưởng tượng của Chế Lan Viên đã phát huy hiệu quả một cách tối đa, ông sống trong thế giới đó, xúc cảm như một người dân Chiêm. Rời bỏ thị thành, quay về xem non nước giống dân Hời, tác giả đã gặp và vẽ lên những bức tranh tương phản giữa quá khứ - thực tại của Chiêm Thành ở nhiều khía cạnh khác nhau: thái bình - chiến tranh, thịnh trị - hủy diệt. Lúc này là cảnh u buồn ảm đạm, nhưng ở trang khác cảnh vật lại tươi tắn sáng trong. Chiêm Thành của quá khứ là tất cả những gì rực rỡ với: “điện các huy hoàng”, “đền đài tuyệt mỹ”, “ánh ngọc lưu ly”. Ở đó, “vua quan say đắm”, nơi nơi thanh bình với những “cô thôn vàng nhuộm ánh chiều tươi” (Trên đường về). Nó hoàn toàn tương phản với “lời oán trách cơ trời” của “gạch chàm rơi lác đác” (Bóng tối)

trong bi thương của hiện tại. Trong kí ức của Chế Lan Viên, Chiêm Thành xưa huy hoàng với bao chiến công hiển hách, những cung đền, thành quách, gạch son chói lọi, nguy nga… mà qua bao thời gian bào mòn, chiến tranh huỷ diệt cũng không thể xoá mờ dấu tích:

Nơi, ôi những nơi, từ xưa kia, rực rỡ Những lâu đài, thành quách, với cung đền Nơi ngựa hí xương rền vang trong gió Nơi vang lừng tiếng hát vạn dân Chiêm! (Chiến tượng)

Nhưng giờ đây, thời hoàng kim ấy đã xa, cái hiện hữu chỉ còn là một chiến địa điêu linh với những thi thểnát tan, những cô hồn bơ vơ trong chiều hoanglặng gió:

Có tìm chăng những chiều không tiếng gió Của người mi thi thể rữa tan rồi?

Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi. (Cái sọ người)

Đối lập hiện lên giữa cảnh huy hoàng trong quá khứ và cảnh tượng suy vong thời hiện tại càng làm cho tâm trạng buồn thương nhớ tiếc của tác giả tăng lên, tạo sự ám ảnh khôn nguôi về sự diệt vong của một nền văn minh rực rỡ: “Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập - Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời” (Trên đường về). Có khi, Chế Lan Viên dõi theo bước đi của chiến tượng, gắn hồn mình vào hồn chiến tượng để mường tượng lại quá khứ, vẫn là những cảnh tượng đối nghịch:

- Nơi một sáng Đồ Bàn vang tiếng hát Muôn binh Chàm thắng trận giở quân về Đàn chiến tượng, trong hương trầm man mác, Cùng oai hùng, lặng lẽ, nặng nề đi.

- Nơi một tối, máu gào vang chiến địa Nơi loa vang, ngựa hí với đầu rơi Bầy voi Chàm hung hăng như sóng bể Hung hăng theo ánh lửa của dân Hời

(Chiến tượng)

Hai khổ thơ là sự tương phản mạnh mẽ: tương phản về không gian: Đồ Bàn - Chiến địa; về thời gian: sáng - tối; tương phản giữa cảnh ca khúc khải hoàn và cảnh lâm trận; tương phản giữa lặng lẽ, yên bình với loa vang, ngựa hí, đầu rơi; tương phản giữa tĩnh và động… Từ đây, hình ảnh những chiến tượng hiện lên thật rõ nét vừa hung hăng dũng mãnh lúc xung trận nhưng sau khi chiến thắng lại trở về với bản tính hiền lành, lặng lẽ.

Những biểu tượng trong không gian Chiêm quốc luôn được đặt trong thế tương phản với cõi trần gian. Nếu tháp Chàm vận động theo chiều suy tàn, bị thời gian huỷ diệt dần dần thì cõi trần gian hiện lên với những cảnh vui tươi, tràn đầy sức sống. Từ đây, thái độ của tác giả là sự lựa chọn giữa hai đối cực đó:

Tạo hoá hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian

Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn

(Những sợi tơ lòng)

Là người sống giữa cuộc đời, nhưng hồn lại hướng về thế giới khác xa xôi vì hiện tại, theo tác giả, đó là nguyên nhân gây nên mọi sự chết chóc, điêu tàn. Hình như, mọi cảnh tượng hiện tại của cõi trần gian đều gợi nhắc về vương quốc Chiêm:

Nhạc Trần gian khôn vui hồn quạnh quẽ Rượu Trần gian gây nhớ vết thương xưa (Điệu nhạc điên cuồng)

Trong Điêu tàn, mặc dù tràn ngập là biểu tượng Chiêm quốc ở thời quá khứ, nhưng tác giả vẫn dành một số ít câu thơ để nói về cõi trần gian. Đây là cảnh tượng tươi sáng rực rỡ lúc xuân về, nó khiến ta liên tưởng đến bất kì bức tranh nào trong Thơ mới. Nhưng việc miêu tả cảnh vật không xuất phát từ con mắt “tươi non” khi nhìn đời mà chỉ là cái cớ để tiếc thương ai oán, đó là nét độc đáo của thi sĩ họ Chế. Nhìn cánh đào mơn mởn, tác giả lại liên tưởng đến khối máu của dân Chàm, nhìn cành cây nghiêng mình trong nắng sớm, tác giả lại nghĩ về hài cốt vạn dân Chiêm. Vì vậy, có lúc tác giả đã phải thốt lên:

Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết Những sắc màu hình ảnh của Trần gian. (Tạo lập)

Từ chối thực tại để quay về quá khứ hay thoát li vào một thế giới tưởng tượng là con đường chung của các nhà thơ mới, có điều Chế Lan Viên đã chọn cho mình một con đường hơi đặc biệt: quay trở về với nước non Chiêm, giống dân Hời.

Ở một cấp độ nhỏ hơn, ở Điêu tàn là sự tương phản giữa các chi tiết và biểu tượng thơ. Hàng loạt biểu tượng: xương, sọ người, máu chảy…, đặc biệt là máu trở thành màu sắc bao trùm lên tập thơ này. Những chi tiết, hình ảnh, biểu tượng được đặt trong sự tương phản tinh tế:

Bên đồi loáng ánh tà dương rực rỡ

Quằn quại trôi giòng máu thắm sông Linh (Sông Linh)

Chế Lan Viên thường sử dụng những cặp từ trái nghĩa miêu tả về không gian đặt trong thế đối sánh. Rất nhiều câu thơ vận dụng kiểu tư duy nghệ thuật này: “Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc… / Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian” (Những sợi tơ lòng); hay: “Lòng hỡi lòng! Biết đâu là Âm giới? / Biết nơi đâu Cõi sống của muôn người?” (Bóng tối). Chính những cặp từ trái nghĩa thể hiện sự tương phản về không gian âm giới - trần gian với hư vô, vũ trụ đã khắc họa sự đối lập giữa một thế giới siêu hình tâm linh đầy những biểu tượng “xương người”, “mồ không”, “đầu rơi”, “tủy sống”, “máu lan”… với hiện tại, tương lai.

Sự đối lập giữa thế giới hiện thực và những hình ảnh ảo huyền... Bên cạnh sử dụng những từ ngữ đối lập về không gian, Chế Lan Viên còn sử dụng những từ ngữ đối lập về trạng thái, tình cảm và phẩm chất của con người. Khi viết Điêu tàn, nhà thơ đã để hồn mình liên tưởng về quá khứ của nước non Chàm oanh liệt xưa kia. Ông coi mình là người dân Chàm, ông giãy giụa, ông khóc, ông cười, ông điên cuồng, gầm thét trước hiện tại nước non Chiêm thành. Nhà thơ đã học tập, vận dụng chúng theo tinh thần dân tộc và theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa, phù hợp với tư duy thích luận bạn, triết lý của ông. Với phương thức đối lập, nhà thơ thuận lợi trong việc phân tích, xoáy sâu vào bản chất của từng sự vật, hiện tượng để tìm ra một nghĩa lý, một thuộc tính, một vẻ đẹp còn tiềm ẩn của chúng. Chính phương thức này là nơi để Chế Lan Viên thi thố tài năng: “Chiều đông tàn như mai xuân lộng lẫy / Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn.

Những trạng thái, cảm xúc của ông được thực hiện qua những cặp từ tương phản

khóc - cười lặp lại trên dưới 10 lần trong một tập thơ thể hiện sự đa dạng, biến hóa: “Đua nhau cười, không đua nhau nức nở” (Đừng quên lãng); “Để bay đi theo tiếng cười điệu khóc” (Ta); “Hãy cười những điệu cười như tiếng khóc” (Xương vỡ máu trào ra); “Có đứa trẻ thơ không biết khóc - Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” (Xuân)… Cũng có khi, nghệ thuật tương phản được nhà thơ xây dựng một cách phức tạp. Hình ảnh thơ đột ngột xuất hiện thể hiện những nội dung riêng, độc đáo. Nhà thơ hiểu ra điều đơn giản của niềm tin, của quy luật sống: “Vì u buồn là những đóa hoa tươi / đau khổchiến công rực rỡ” (Đừng lãng quên). Bài Xuân về là tâm trạng buồn thất vọng của nhà thơ, ở đó có sự đối lập giữa hình ảnh của mùa thu rơi rụng, tàn tạ với bức tranh mùa xuân có hình ảnh tươi tắn, mới mẻ của nắng, hàng dừa, cành xoan.... Vì thế, những biểu tượng, hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên ít khi tồn tại đơn lẻ, biệt lập mà thường kết thành từng chuỗi, từng chùm, tầng tầng, lớp lớp, như những chùm pháo hoa liên tiếp, nhiều màu sắc và hình dáng, tạo nên khoái cảm thẩm mỹ bất ngờ cho người đọc. Đây vừa là biển được nhìn trong nhiều thời khắc và vừa là một bầu trời chứa đầy những đau thương về một quá khứ đã mất, về một dân tộc đã bị vùi

Dưới trời huyết, Tháp Chàm buồn tư lự Khói lam chiều nũng nịu lướt ngàn xanh (Sông linh)

Có thể nói, trên từng trang giấy nhỏ trong Điêu tàn, Chế Lan Viên đã dựng lên thế giới biểu tượng hư ảo của “những chiếc sọ người”, “mồ không”, “xương khô”, “đám ma”, “hồn trôi”, “bóng tối”, “đêm tàn”… Tất cả được đặt trong mối quan hệ tương phản với cảnh vui tươi rộn rã, tràn đầy hương sắc, ríu rít tiếng chim của cuộc đời thực. Hệ thống biểu tượng này là cơ sở để phơi bày bi kịch tinh thần của nhà thơ, có bi kịch của dân tộc, có nỗi buồn của thời đại. Bởi “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu dấu của tôi đâu? Kia kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi...” (Tựa Điêu tàn). Đó là tiếng đồng vọng cùng thời đại và lòng người trong cảnh nô lệ, mất còn của dân tộc, là tiếng gọi của hồn nước xa xôi trong tận đáy lòng thi sĩ.

Cùng là thành viên chủ chốt của Trường thơ Loạn, nhưng nếu so sánh, ta sẽ thấy, tư duy tương phản trong Điêu tàn của Chế Lan Viên khác nhiều so với

Tinh hoa, Tinh huyết của Bích Khê. Cùng nối kết cái hiện hữu với cái mơ hồ, cùng nói về các biểu tượng “hồn”, “máu”, “sọ người”, “nấm mồ”…, ở Chế Lan Viên là sự đi đến tận cùng của kinh dị. Ngược lại, Bích Khê thường kết nối cái ghê rợn kinh dị với cái đẹp, cái mộng. Các phạm trù thẩm mĩ đối lập đó trong quá trình vừa “va đập” vừa hoà nhập tạo ra hiệu quả thẩm mĩ, thể hiện rõ quan niệm thẩm mĩ của Bích Khê. Và dù nói đến bệnh tật hay chết chóc, nhưng Bích Khê không đưa người đọc vào nhà thương hay bãi tha ma, không hề có dáng dấp của ám khí và nỗi ghê rợn ở đây. Bích Khê nhận ra từ bệnh tật và chết chóc vẻ rạng rỡ kiêu sa tiềm ẩn ở trong nó. Ông đã khám phá ra mối liên hệ mới chưa từng thấy trong quá trình kiến tạo tư duy nghệ thuật của mình. Ở các bài Sọ người cũng như ở Tranh loã thể, khi nói đến “loã thể” thường gợi lên sự trần truồng dâm đãng nhưng ở đây nó lại nhường chỗ cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết: “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm? / Nàng là hương hay nhan sắc lên hương? / Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường; /

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc. / Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc. / Vài chút trăng say đọng ở làn môi” (Tranh loã thể). Cũng như vậy, ở chiều ngược lại, Bích Khê cũng có một bài thơ nhan đề là Sắc đẹp nhưng ở đó người đọc vừa thấy cái đẹp nhưng vừa thấy cái “rùng rợn”: “Những mặt tươi, nhan sắc đẹp như trăng / Và sắc lẻm như thanh gươm vấy máu / Những đôi mắt, kho tàng muôn châu báu / Có những hàng đũa ngọc gắp thương yêu” (Sắc đẹp). Sự cảm nhận của tác giả đã vượt qua giới hạn bình thường, thi nhân chỉ thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đang nao nao gợn, và hai hàng nước mắt trong trắng của Nàng là hai chiếc đũa ngọc, mái tóc huyền xinh như một mùa thu mươn mướt như là đêm đang ngủ mơ... Vẻ đẹp nhục thể và tâm hồn con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 75 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)