Trên thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có thể cảm nhận đau như người lớn. Hơn nữa, những tác động gây đau có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị, làm tăng tỷ lệ tử vong, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh sau này [5].
Có rất nhiều biện pháp để giảm đau cho trẻ sơ sinh, bao gồm giảm đau bằng cách dùng thuốc và giảm đau bằng phương pháp không dùng đến thuốc. Các biện pháp này đều được chứng minh rằng có hiệu quả và ý nghĩa trên lâm sàng.
20
Hulya Bilgen (2001) [17] đã nghiên cứu trên 130 trẻ đủ tháng cần lấy máu gót chân để làm xét nghiệm. Trẻ được chia ngẫu nhiên vào các nhóm: 35 trẻ được giảm đau bằng sucrose, 33 trẻ được giảm đau bằng ăn sữa bằng bình, 34 trẻ được dùng nước cất, 28 trẻ được giảm đau bằng bú mẹ. Kết quả cho thấy thời gian khóc trung bình tương ứng của 4 nhóm là 36 giây, 62 giây, 52 giây và 51 giây (p = 0,002). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thay đổi nhịp tim ở nhóm trẻ sơ sinh được giảm đau bằng sucrose và nhóm trẻ sơ sinh được giảm đau bằng bú mẹ (p < 0,001). Nhóm trẻ sơ sinh được giảm đau bằng Sucrose và nhóm được bú mẹ có sự giảm đáng kể về hành vi đánh giá đau đớn (p = 0,0001).
Shah và cộng sự (2012) [62] đã đánh giá hiệu quả của việc nuôi con bằng sữa mẹ và tác dụng lớn của sữa mẹ trong việc giảm đau cho trẻ sơ sinh trong các thủ thuật gây đau. Trong 11 nghiên cứu can thiệp so sánh giữa nhóm trẻ sơ sinh đủ tháng được bú mẹ với nhóm không được bú sữa mẹ để giảm đau khi CTTT cho thấy trẻ sơ sinh được bú mẹ có hành vi sinh lý và phản ứng với đau giảm nhiều hơn.
Năm 2013, Ruchi Nanavati [54] đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trên 50 trẻ sơ sinh cân nặng thấp khi loại bỏ băng dính lưu kim luồn tĩnh mạch để so sánh hiệu quả giảm đau của biện pháp Kangaroo và biện pháp cho trẻ bú mẹ. Kết quả là có sự tăng điểm đau, nhịp tim ở cả 2 nhóm khi loại bỏ băng dính cho trẻ (p<0,0001) tuy nhiên không có sự khác biệt giữa 2 nhóm trong việc can thiệp giảm đau khi bóc băng dính tháo kim luồn tĩnh mạch cho trẻ (p = 0,62).
Larry Gray (2015) [34] đã nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng trên 29 trẻ sơ sinh khỏe mạnh, đủ tháng sinh ra tại Bệnh viện Đại học Chicago trong tháng 7 – 8/2014 được tiêm vaccine phòng viêm gan B. Cả 2 nhóm trẻ đều được ngậm 1ml dung dịch sucrose trước khi tiêm Vaccine 2 phút và 1 nhóm được kết hợp với ủ ấm bằng giường sưởi trước khi tiêm chủng. Kết quả cho thấy nhóm trẻ được giảm đau bằng Sucrose kết hợp với ủ ấm có tỷ lệ nhịp tim thấp hơn và sự thay đổi về khuôn mặt, chỉ số hô hấp thấp hơn so với nhóm chỉ giảm đau bằng Sucrose (p<0,01).
Đánh giá đau trên trẻ sơ sinh cũng được quan tâm. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng các thang đau để thử nghiệm và được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng. Tuy
21
nhiên, việc sử dụng các thang này trong bối cảnh lâm sàng “bận rộn” bị giới hạn bởi vì mất nhiều thời gian và có phần phức tạp cho người sử dụng. Thang đau FLACC với 5 tiêu chí đánh giá (mặt, chân, hoạt động, khóc và đáp ứng khi dỗ dành) nhằm cung cấp công cụ đánh giá nhất quán và đơn giản cho nhân viên y tế [47].
Hơn nữa, thang đau FLACC và các biện pháp giảm đau còn được sử dụng với độ tin cậy cao trong đánh giá đau ở trẻ khi tiêm chủng hay sau phẫu thuật [65].