3. Ý nghĩa nghiên cứu
3.1.1. Chính sách liên quan đến quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư
cư thôn tham gia quản lý, phát triển rừng cộng đồng
3.1.1.1. Vị thế pháp lý của cộng đồng dân cư thôn
Trước năm 2003, địa vị pháp lý của cộng đồng dân cư thôn chưa được đề cập trong các văn bản luật hiện hành của nước ta. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn, một vài văn bản đã đề cập đến vị trí, vai trò của cộng đồng dân cư thôn:
- Luật Dân sự ban hành năm 1995 nay được thay thế bởi Luật Dân sự năm 2005 không quy định khái niệm cộng đồng dân cư thôn là một pháp nhân nhưng đưa ra khái niệm sở hữu chung của cộng đồng. Theo đó, cộng đồng dân cư thôn có quyền sở hữu đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên trong cộng đồng đóng góp nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Các thành viên trong cộng đồng cùng quản lý, sử dụng theo thỏa thuận vì lợi ích cộng đồng;
- Nghị định số 29/CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã đã quy định làng, bản không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư và là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp nhằm giải quyết công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư [10]. Thực hiện Nghị định trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/TTg ngày 19/6/1998 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng bản. Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 56/1999/TT/BNN- KL ngày 30/3/1999 về hướng dẫn xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư làng, bản. Liên bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tư pháp,
Văn hóa Thông tin, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn và thực hiện hương ước, quy ước làng, bản. Văn bản có tác động mạnh tới địa vị pháp lý của cộng đồng dân cư là Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và Nghị định số 79/2003/NĐ-CP, ngày 07/7/2003 của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã thay thế Nghị định số 29/CP. Từ sự phân tích trên cho thấy, trong quá trình phát triển đất nước, thôn ở Việt Nam không mất đi như một số quốc gia mà vẫn tồn tại và Nhà nước đang từng bước khôi phục vị thế pháp lý của cộng đồng dân cư thôn.
3.1.1.2. Quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thôn
Luật Đất đai năm 2003, với tư cách là văn bản pháp lý quan trọng quy định các quan hệ liên quan đến đất đai đã quy định cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với tư cách là người sử dụng đất. Điều 9, khoản 3 ghi: “Cộng đồng dân cư sinh sống trong cùng một địa bàn thôn…được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất” [13].
Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 [14], với tư cách là văn bản pháp lý quy định các quan hệ đến rừng (với tư cách là tài sản trên đất) quy định rõ, Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho cộng đồng dân cư thôn quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài với tư cách như một chủ rừng (Điều 29). Điều 30, quy định về quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư được giao rừng, trong đó quy định: quyền được công nhận quyền sử dụng ổn định, lâu dài phù hợp với thời hạn giao rừng; được khai thác lâm sản và các lợi ích khác từ rừng; được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ vốn; được bồi thường thành quả lao động khi Nhà nước thu hồi. Về trách nhiệm: Thực hiện quản lý, bảo vệ tốt trên diện tích rừng được giao, giao lại rừng khi Nhà nước thu hồi.
Như vậy, đến năm 2003, 2004 cộng đồng dân cư thôn, bản cơ bản đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận như một chủ thể được nhận đất, rừng với các quyền và nghĩa vụ cụ thể đồng thời được hưởng lợi thành quả lao động từ quá trình quản lý bảo vệ rừng. Đây là cơ sở pháp lý cho các chính sách sau này đối với cộng đồng dân cư thôn, bản, từ đây vị thế của cộng đồng dân cư thôn bản được nâng nên và được nhận các chính sách đầu tư, hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước.
Tuy nhiên, tại các văn bản trên quyền của cộng đồng còn bị còn hạn chế: Không được phân chia rừng cho các thành viên trong thôn; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, giá trị quyền sử dụng rừng được giao. Do đó, quyền được hưởng các chính sách như các đối tượng khác không có dẫn đến không phát huy được tiềm năng, lợi thế của cộng đồng, đây cũng là vấn đề mấu chốt, quan trọng cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới để cộng đồng phát huy hết hiệu quả của mình trong quản lý bảo vệ rừng một cách bền vững.
3.1.1.3. Chính sách về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn
Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 Quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước. Văn bản này đã tạo khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức được Nhà nước có đất có quyền giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Cũng theo văn bản này, người chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước đối với diện tích đất được giao vẫn là tổ chức Nhà nước, còn người nhận khoán là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ chịu trách nhiệm quản lý theo hợp đồng đã ký kết với bên giao khoán. Như vậy, đối với việc nhận khoán bảo vệ rừng thì khái niệm về “Tổ chức” có thể được mở rộng hơn và
cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng với tư cách như một hộ nhận khoán.
Luật Đất đai năm 2003 [13], Điều 9, khoản 3 quy định: “Cộng đồng dân cư sinh sống trong cùng một địa bàn thôn…được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất”. Điều 33, khoản 7 quy định Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp. Điều 66, khoản 2 quy định đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng có thời hạn ổn định, lâu dài.
Luật Đất đai năm 2003 [13] còn quy định rõ, UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng. Cộng đồng dân cư thôn được giao đất nông nghiệp, được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất, được Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ trong bồi bổ, cải tạo đất; được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm quyền sử dụng đất…Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 quy định giao đất rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư thôn để quản lý (Điều 72, khoản 5) [10].
Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định rõ, Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho cộng đồng dân cư thôn quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài với tư cách như một chủ rừng. Điều 29 quy định điều kiện để được giao rừng là cộng đồng dân cư thôn có cùng phong tục, tập quán, có truyền thống gắn bó với rừng sản xuất, đời sống, văn hóa, tín ngưỡng; có khả năng quản lý rừng và có nhu cầu và đơn xin giao rừng [14].
3.1.1.4. Chính sách đầu tư
Trước năm 2003 do chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nên cộng đồng dân cư thôn chưa là chủ thể để được hưởng các chính sách đầu tư nói chung và trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng. Tuy vậy, trong thực tế triển khai Chương trình 327 một số hoạt động như bảo vệ rừng, khoanh nuôi
tái sinh tự nhiên các đơn vị chủ dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chủ yếu đều hợp đồng giao khoán cho nhóm hộ hay cộng đồng thôn bản để quản lý, bảo vệ. Lý do, tại thời điểm đó công tác giao đất, giao rừng chưa hoàn thiện, chưa giao cụ thể đến hộ gia đình, nhóm hộ, mặt khác các khu rừng tự nhiên khi đó cơ bản được cộng đồng thôn bản đưa vào sử dụng, bảo vệ chung nên thuận lợi trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, vì vậy giao khoán cho cộng đồng thôn bản và nhóm hộ là hợp lý, hiệu quả hơn [28].
Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định cộng đồng được Nhà nước giao rừng phòng hộ, được hưởng chính sách đầu tư như Ban quản lý rừng phòng hộ. Nhưng xét về mặt pháp lý đến nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể cộng đồng được hưởng chính sách đầu tư đó như thế nào [14].
Trong thực tế, vận dụng Quyết định số 03/2005/QD-BNN ngày 07/1/2005 để đầu tư hỗ trợ cộng đồng đã được Nhà nước giao đất, giao rừng thông qua tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và được hưởng tiền công khoán bảo vệ là 50.000 đồng/ha/năm (hiện nay, theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 là 200.000 đồng/ha/năm), thời gian khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh không quá 5 năm. Khoán khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung không quá 01 triệu đồng/ha/6 năm. Nhà nước hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha cho các đối tượng tự bỏ vốn trồng rừng sản xuất là các cây gỗ quí hiếm có chu kỳ trên 30 năm; suất đầu tư hỗ trợ trồng rừng phòng hộ là 4 triệu đồng/ha/04 năm [16].
Đến năm 2010, thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tại Điều 2 đã quy định rõ cộng đồng dân cư thôn là đối tượng được hưởng chính sách này như các đối tượng chủ rừng khác [11]. Tại tỉnh Cao Bằng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc đối tượng rừng phòng hộ đầu nguồn sông
Đà đạt mức 300.000 đồng/ha/năm (cao hơn mức khoán bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là mức giá và nguồn thu ổn định lâu dài giúp người dân rất phấn khởi và tích cực hơn trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Hình thức chi trả chủ yếu theo cộng đồng thôn bản và nhóm hộ.