Ở nước ta tỷ lệ tử vong bà mẹ và các bệnh liên quan đến sinh đẻ tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khoảng 100 - 137/100.000 trẻ đẻ sống. Tỷ lệ chết mẹ cũng thay đổi theo từng vùng 107/100.000 ở khu vực Sông Hồng, 200/100.000 ở vùng miền núi phía Bắc, 418/100.000 ở Gia Lai [1]. Theo ước tính hàng năm có từ 22.000 - 28.000 bà mẹ tử vong, tức là mỗi ngày có 7 bà mẹ chết do các nguyên nhân có liên quan đến thai nghén và sinh đẻ. Suy dinh dưỡng, thiếu máu và các tai biến sản khoa là những nguyên nhân nổi trội trong tử vong mẹ. Theo Báo cáo Hội thảo quốc gia về chính sách chăm sóc sản khoa thiết yếu của Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) năm 1999, 35% tổng số các trường hợp chết mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa được và 53% có thể phòng ngừa được nếu có sự chăm sóc thai sản đầy đủ [1].
Các dịch vụ chăm sóc ở Việt Namchưa đáp ứng được nhu cầu sức khoẻ của người dân. Khoảng 66% phụ nữ có thai nhận được chăm sóc trước đẻ, nhưng chỉ 1/3 được khám thai đủ 3 lần. Số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiêm vắc xin giao động từ 26% ở nông thôn đến 73% ở thành thị. Tỷ lệ thai phụ được khám thai đủ 3 lần và được nhân viên y tế có chuyên môn đỡ đẻ còn thấp. Các tồn tại nói trên chủ yếu ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Hệ quả của nó là khoảng 80% tử vong mẹ sảy ra ở các vùng nông thôn, miền núi [16].
Hệ thống cung cấp các dịch vụ bảo vệ sức khoẻ bà mẹ tuy đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, xong vẫn còn nhiều nhược điểm và tồn tại. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ còn hạn chế. Phương tiện vận chuyển các cấp cứu sản khoa còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thuốc, thiếu thông tin giáo dục sức khoẻ và các phương tiện truyền thông, yếu kém trong xử lý thông tin, thiếu các chính sách phù hợp và các hướng dẫn chi tiết cho chăm sóc trước, trong và sau đẻ. Kinh phí của nhà nước cung cấp cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ thai sản rất hạn hẹp, phần lớn dựa vào ngân sách địa phương. Như vậy, các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn lại càng không thể có được những hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho toàn cộng đồng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là y sỹ sản nhi, nữ hộ sinh, cộng thêm trình độ tay nghề chưa được cập nhật nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu ngày một cao của các hoạt động này [16].