Theo Lê Quang Toàn và cộng sự thời gian mắc bệnh ≥ 5 năm chiếm 41,8%, NB có thời gian bị bệnh thấp nhất là những NB được chẩn đoán lần đầu là 1 năm, NB lâu năm nhất là 27 năm [17].
Nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng Hạnh thời gian mắc bệnh < 5 năm chiếm 53,5%; thời gian mắc bệnh ≥ 5 - 10 năm chiếm 22,0%; thời gian mắc bệnh ≥ 10 năm chiếm 24,5% [5]. Trần Kim Oanh thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ 𝑋 = 11,26 năm [4].
Do đây là khảo sát về chăm sóc NB ĐTĐ TYPE 2 có biến chứng, nên mẫu chúng tôi lấy tất cả là NB ĐTĐ TYPE 2 đã có biến chứng vì vậy sẽ gặp nhiều ở nhóm NB có thời gian mắc bệnh lâu năm.
3.1.7. Tiền sử thói quen sinh hoạt trước đây của người bệnh.
Nghiên cứu Hà Thị Huyền có 30,4% hút thuốc lá, có sự khác biệt giữa nam và nữ (p<0,001). Có 29,0% uống rượu/bia, có sự khác biệt giữa nam và nữ (p<0,05), 69,6% tập thể dục 30-60 phút/ngày, 87,0% ăn rau quả mỗi ngày, không có sự khác biệt giữa nam và nữ [21].
Nghiên cứu của Shah V. N. và cộng sự (2007) thấy rằng: 51,23% biết các bài tập thể dục; 74,78% biết thay đổi chế độ ăn uống; 7,14% biết ngừng hút thuốc lá, uống rượu. 83,16% nghĩ rằng tập thể dục có lợi cho bệnh, có đến 84,05% nghĩ rằng các bài tập thể dục chỉ người béo phì mới cần tập; 56% thường xuyên kiểm tra bàn chân [29].
Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới, đã cho thấy việc tập luyện thể lực thường xuyên có tác dụng làm giảm nhanh nồng độ glucose huyết ở NB ĐTĐ TYPE 2, cải thiện tình trạng kháng insulin và giúp cải thiện tâm lý. Sự phối hợp hoạt động thể lực thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp làm giảm 58% tỷ lệ mới mắc ĐTĐ TYPE 2 [28].
Do chưa hiểu hết về tác hại của các thói quen sinh hoạt không tốt cho NB ĐTĐ TYPE 2 hoặc biết tác dụng của việc ăn kiêng và tập thể dục nhưng NB không tuân thủ, lý do NB đã hình thành thói quen nên ngại thay đổi. Khi NB ĐTĐ TYPE 2 không thay đổi các thói quen không tốt thì sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh và gia tăng thêm các biến chứng. Chính vì vậy công tác GDSK cho NB ở nhóm không tuân thủ loại bỏ yếu tố nguy cơ có hại này là rất cần thiết.
Thực trạng chăm sóc người bệnh đái tháo đường typ 2 có biến chứng của điều dưỡng.
Khi NB vào viện thường mắc một lúc một hoặc nhiều triệu chứng, biến chứng kèm theo. Đánh giá trước khi cho NB khi ra viện nhìn chung các triệu chứng đã giảm hoặc khỏi. Chỉ còn lại một vài triệu chứng, biến chứng kèm theo so với lúc vào viện là không thay đổi. Không thay đổi này gặp ở đối tượng bệnh mạn tính lâu năm, tuân thủ chăm sóc, điều trị, phòng bệnh không tốt hoặc NB có thời gian mắc bệnh dài …. Nguyên nhân khác, có thể do NB lớn tuổi bị lão hóa sinh lý dẫn đến các triệu chứng như bệnh về mắt, tê bì chân tay.
So sánh với nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hải và cộng sự cho thấy các triệu chứng lâm sàng thường gặp như: Sụt cân 94,5%, uống nhiều chiếm 89,5%, tiểu nhiều chiếm 87,8%, ăn nhiều chiếm 67,5%, tê bì chân tay chiếm 50,0%, mắt nhìn mờ chiếm 33%. Nghiên cứu này đề cập đến NB ĐTĐ TYPE 2 chẩn đoán lần đầu nên triệu chứng xảy ra rất rầm rộ hơn [13].
Nghiên cứu Mai Thành Trung cho rằng, Tỷ lệ NB có hội chứng 4 nhiều (ăn nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều) xuất hiện đồng thời chỉ chiếm 36%. Tỷ lệ NB không có triệu chứng 4 nhiều chiếm tỷ lệ khá cao ở hai giới nam, nữ (66,7% và 58,8%) qua đó cho biết triệu chứng lâm sàng không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng 4 nhiều rầm rộ [16].
Nghiên cứu của chúng tôi đề cập đến NB ĐTĐ TYPE 2 đã có biến chứng, mắc bệnh lâu năm đã được điều trị nên biểu hiện triệu chứng cũng ít rầm rộ. Kết quả khảo sát này phù hợp với một số kết quả nghiên cứu khác trong và ngoài nước.
Thay đổi các biến chứng lâm sàng khi vào viện và trước khi ra viện.
Đối với NB ĐTĐ TYPE 2 có biến chứng bệnh tiến triển âm thầm, từ từ hầu như ít biểu hiện triệu chứng do vậy phát hiện bệnh thường muộn và nhiều NB khi phát hiện bệnh đã có biến chứng vì vậy gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh.
Nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho thấy các biến chứng thường gặp là mắt chiếm 29,5%, thận chiếm 18,0%, bàn chân chiếm 19,7%, tim mạch chiếm 32,8% [11]. Sở dĩ các biến chứng thấp hơn của chúng tôi là do khảo sát này lấy mẫu khảo sát có cả NB mới mắc bệnh ĐTĐ TYPE 2 chưa bị biến chứng.
Nghiên cứu Hoàng Trung Vinh (2018) cho thấy, bệnh ĐTĐ TYPE 2 gây nhiều biến chứng cơ quan đích. Với những phát hiện qua sàng lọc và dựa vào các biến chứng đã được xác định nhận thấy nhiều cơ quan đích đã bị tổn thương trong đó biến chứng mắt, thần kinh ngoại vi gặp cao nhất, sau đó đến tim thận… Chính sự xuất hiện
biến chứng ở cơ quan đích sẽ làm tăng tỷ lệ tàn phế, tử vong, rút ngắn thời gian sống của NB. Tỷ lệ và mức độ biến chứng ở cơ quan đích phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng là hiệu quả kiểm soát đa yếu tố ở bệnh nhân, mức độ tuân thủ điều trị trong đó kiểm soát glucose huyết đóng vai trò quan trọng nhất. Biện pháp kiểm soát glucose huyết bao gồm: Thay đổi lối sống, tuân thủ điều trị, mang tính cá thể hóa [20].
Sau khi được chăm sóc, điều trị đánh giá khi ra viện thì glucose huyết ở nhóm NB quản lý tốt và chấp nhận được chiếm 83,5%. Glucose huyết ở mức kém giảm xuống còn 16,6% và glucose huyết trung bình còn 6,7 mmol/l. Nhìn chung các chỉ số glucose huyết đã giảm rõ rệt. Điều này cho thấy công tác chăm sóc và điều trị cho NB trong quá trình nằm viện có hiệu quả.
Trong số 16,6% NB khi ra viện có glucose huyết ≥ 7,8 có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến glucose huyết NB còn cao như: Thực hiện chế độ ăn, luyện tập và dùng thuốc theo đơn không hợp lý vì vậy khi chăm sóc cần lưu ý đến những đối tượng này để tư vấn, GDSK cho phù hợp.
Nghiên cứu Tạ Văn Bình (2004) về đặc điểm của bệnh nhân đái tháo đường type 2 phát hiện lần đầu tại bệnh viện Nội tiết trung ương cũng cho kết quả là glucose huyết trung bình 11,8 ± 2,5 mmol/l. Đinh Thị Kim Cúc ở bệnh nhân mới được phát hiện đái tháo đường tại Bệnh viện Trung Ương Huế có glucose huyết đói trung bình 10,88 ± 2,57 mmol/l [2]. Kết quả glucose huyết trung bình của chúng tôi tương đương với Tạ Văn Bình, Đinh Thị Kim Cúc.
So sánh với một số tác giả về tình trạng kiểm soát glucose huyết
Nghiên cứu Hoàng Trung Vinh (2018) cho thấy, glucose huyết ở mức tốt chiếm 23,3%; ở mức chấp nhận chiếm 35,0%; ở mức kém chiếm 47,1% [20]. Nguyễn Thị Hồ Lan glucose huyết ở mức tốt chiếm 25,0%; ở mức chấp nhận chiếm 20,8%; ở mức kém chiếm 54,2%. (2016) [12].
Kết quả khảo sát của chúng tôi so với kết quả nghiên cứu của các tác giả nêu trên có nhiều điểm giống nhau.
Kiểm soát tốt chỉ số glucose huyết giúp ngăn ngừa biến chứng và có thể làm chậm tiến triển của các biến chứng trên NB ĐTĐ TYPE 2. Để đạt được điều này công tác chăm sóc và thực hiện đúng y lệnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó việc tuân thủ điều trị của NB ĐTĐ TYPE 2 có vai trò quyết định trong quản lý glucose huyết và hạn chế biến chứng cho chính mình.