Về chi Thiết sam giả (Pseudotsuga)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn loài thiết sam giả lá ngắn (pseudotsuga brevifolia w c cheng l k fu, 1975) tại huyện nguyên bình, tỉnh cao bằng (Trang 26 - 30)

Trong Danh lục các loài thực vật Việt Nam (tập I), chỉ mô tả một loài Thiết sam có tên khoa học là Tsuga dumosa (D. Don) Eichler, 1887 - Pinus dumosa D. Don, 1825 - Tsuga yunnanensis (Franch.) Pritz., 1901. Như vậy, trong Danh lục thực vật Việt Nam chưa có chi Thiết sam giả.

Nguyễn Đức Tố Lưu và cs (2004), trong cuốn “Cây lá kim Việt Nam” đã mô tả về 2 loài Thiết sam ở Việt Nam: Thiết sam giả tên khoa học là

Pseudotsuga sinensis Dode và Thiết sam tên khoa học là Tsuga chinensis

(Franchet) Pritzel ex Diels đều thuộc họ Thông, ở đây tác giả đã mô tả về đặc điểm hình thái loài, phân bố, sinh thái, công dụng, nhân giống và bảo tồn. Đây là 2 loài mới được bổ sung vào hệ thực vật Việt Nam.

Nguyễn Hoàng Nghĩa (2006), đã đề cập đến 2 loài Thiết sam là loài Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W.C.Cheng & L. K. Fu) và loài Thiết sam đông bắc (Tsuga chinensis var. chinensis (Franchet) Pritzel ex Diels). Cả hai loài này đều phân bố trên các đỉnh núi đá vôi. Nguyễn Tiến Hiệp và cs, 2000, cũng đề cập đến 2 loài là Thiết sam giả Pseudotsuga sinensis và Thiết sam núi đá Tsuga chinensis.

Theo Nguyễn Tiến Hiệp và cs (2005), có 3 loài Thiết sam ở Việt Nam thuộc họ Thông: loài Thiết sam giả - Pseudotsugga sinensis Dode; loài Thiết

sam núi đá - Tsuga chinensis (Franch.) Pritz. ex Diels; loài Thiết sam núi đất -

Tsuga dumosa (D. Don) Eichler.

Theo TTXVN (2005), các nhà sinh học trong nước và nước ngoài đã phát hiện hai loài Thông quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới tại xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đó là loài Thiết sam núi đá (Tsuga chinensis Pritz. ex Diels) mọc xen lẫn với Thiết sam giả (Pseudotsuga sinensis Dode) tạo thành một quần thể gần như thuần loài.

Nguyễn Sinh Khang và cs (2009), nghiên cứu về Thông ở vùng núi đá vôi Đông Bắc tỉnh Hà Giang đã ghi nhận được 10 loài Thông, thuộc 8 chi và 4 họ, trong đó đã mô tả đặc điểm hình thái của loài Pseudotsuga sinensis Dode - Thiết sam giả.

Theo Lê Trần Chấn và cs (2006), Thiết sam giả được phân bố trên núi đá vôi của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Đây là vùng phân bố cực Nam của chi Thiết sam giả ở châu Á. Trên các sườn và đỉnh núi đá vôi thuộc thôn Hapuda (xã Thài Phìn Tủng) đã phát hiện được một số cá thể Thiết sam núi đá mọc xen lẫn Thiết sam giả tạo thành một quần thể gần như thuần loài.

1.2.3.2. Về loài Thiết sam giả lá ngắn

Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam đã đưa ra mô tả về loài Thiết sam giả lá ngắn như sau:

Tên tiếng Việt: Thiết sam giả lá ngắn.

Tên Khoa học: Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng et L. K. Fu

Tên khác: Pseudotsuga sinensis Dode var. brevifloia (W.C. Cheng et L.K. Fu) Farjon et Silba; Giới: Thực vật; Ngành: Pinophyta; Lớp: Pinopsida; Bộ: Pinales; Họ: Pinaceae; Chi: Pseudotsuga

Theo Hanh.bvn (2009), năm 1999, trong đợt khảo sát tại xã Thài Phìn Tủng nhằm thực hiện chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển đã phát hiện

được ở xã Thài Phìn Tủng hiện đang lưu giữ một số nguồn gen của 4 loài Thông quý hiếm được ghi vào trong Sách Đỏ Việt Nam, trong đó có loài Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsugabrevifolia W.C. Cheng et L. K. Fu).

Nguyễn Hoàng Nghĩa (2006), mô tả về loài Thiết sam giả lá ngắn có tên khoa học là (Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu) hoặc (Pseudotsuga sinensis Dode var. brevifolia (Cheng & Fu), Pseudotsuga sinensis Dode. Loài này thường mọc trên đỉnh và đường đỉnh núi đá vôi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, trên độ cao từ 500-1500m so với mực nước biển.

Trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22 tháng 01 năm 2019, về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đã đề cập đến loài Thiết sam giả lá ngắn thuộc Nhóm IIA (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

Trong Sách đỏ Việt Nam (2007) đề cập đến loài Thiết sam giả lá ngắn, tên khoa học là Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu, 1975, tên đồng nghĩa là Pseudotsuga sinensis Dode var. brevifolia (W. C. Cheng & L. K. Fu Farjon & Silba. 1990). Trên thế giới chỉ có ở Trung Quốc, ở Việt Nam phân bố ở Hà Giang (Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), Cao Bằng (Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trà Lĩnh, Hạ Lang), Lạng Sơn, Bắc Kạn. Tình trạng bảo tồn thuộc nhóm VU A1a,c,d, B1+2b,e.

Trong báo cáo của dự án “Điều tra đánh giá trình trạng bảo tồn các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục Nghị định 32/2006/NĐ-CP theo vùng sinh thái”, đã đề cập đến loài Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu, 1975), còn có tên khác là Thông núi đá. Trong 10 năm trở lại đây, kích thước quần thể suy giảm tới trên 50%, diện tích nơi cư trú hiện nay <2000km, bị chia cắt. Mọc rải rác trên các đỉnh núi đá vôi ở vùng Đông Bắc, có chỗ gần như mọc thuần loài (Kim Hỷ).

Mô tả sự tham gia của Thông vào cấu trúc các quần xã thực vật ở Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang và một số vùng lân cận, Phan Kế Lộc và cs (2003) cho biết: Các quần xã ưu thế hoặc thuần loại Thông thường chỉ gặp trên các đường đỉnh ở độ cao bắt đầu từ 700m, nhưng đặc biệt phổ biến từ 800m trở lên đến 1600m. Đó là quần xã thuần loại Thiết sam giả lá ngắn, quần xã thuần loại Thông pà cò hoặc hỗn giao với Thiết sam giả lá ngắn, có khi với cả Bách xanh, quần xã Thiết sam đông bắc hoặc quần xã Thông hai lá đá vôi và Hoàng đàn giả hỗn giao với một số loài cây lá rộng.

Khi mô tả đặc điểm sinh thái của một số loài trong tài liệu kỹ thuật của Dự án VN/06/011, trong đó có loài Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu) được mô tả như sau.

Thiết sam giả lá ngắn

Tên khác: Xuất cung (tiếng Mông), Dua nye huang shan (tiếng Trung) Tên khoa học: Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu

Tên khác: P. sinensis Dode var. brevifolia (W. C. Cheng & L.K.Fu) Farjon & Silba

Họ: Thông (Pinaceae)

Hình thái: Cây thân gỗ cao 10 -15m, đường kính ngang ngực 20-60cm. Lá mọc hình xoắn ốc hoặc kiểu vòng răng lược, dài 7-15cm, rộng 1-2cm. Nón nhỏ chúc xuống hình trứng dài 3,7-6,5cm, rộng 3-4cm. Hạt hình trứng 3 cạnh, dài 2mm, có cánh màu nâu.

Sinh thái: Cây mọc trên sườn đỉnh núi đá vôi, nơi có nhiệt độ trung bình 15-250C, lượng mưa 1500-2000mm, ở độ cao 1400-1600m so với mực nước biển. Thiết sam giả lá ngắn mọc thành đám cùng với quần xã có Thiết sam núi đá (Tsuga chinensis), Dẻ tùng sọc nâu (Amentotasus hatuyenensis), Thông đỏ bắc (Taxus chinensis), Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri)… Ở hai bản Mùa Súa và Hapuda thuộc xã Thài Phìn Tủng có hàng trăm cây Thiết giả và Thiết sam núi đá đường kính 60-100cm.

Phân bố: Ở Việt Nam: các xã thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Trên thế giới: Trung Quốc (Tứ Xuyên, Triết Giang, Vân Nam, Quảng Tây).

Công dụng: Gỗ trắng mịn để đóng đồ gia dụng và làm nhà. Vỏ và lá cây dùng làm thuốc chữa ruồi, muỗi cắn và làm thuốc trị phong thấp.

Tình trạng: Sách đỏ Việt Nam (2007): Loài Thiết sam giả (Pseudotsuga sinensis) là synonym (tên đồng nghĩa) của loài P. brevifolia bậc VU là loài sẽ nguy cấp có nguy cơ lớn bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong tương lai gần.

Nghiên cứu của Lê Văn Phúc (2016) về loài Thiết sam giả lá ngắn khá toàn diện và có hệ thống, nghiên cứu đã tập trung giải quyết các vấn đề về: đặc điểm sinh học, sinh thái, đặc điểm tái sinh, khả năng nhân giống và một số nhân tố ảnh hưởng đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài Thiết sam giả lá ngắn tại tỉnh Hà Giang.

Như vậy, trong số 33 loài cây lá kim ở Việt Nam, các nhà khoa học đã có sự nghiên cứu và phân loại, định loại chúng theo các chi và họ rõ ràng, loài Thiết sam giả lá ngắn thuộc chi Thiết sam giả (Pseudotsuga) và họ Thông

(Pinaceae), dựa trên những mô tả về đặc điểm hình thái luận án cũng thống

nhất tên gọi Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu, 1975) hoặc tên đồng nghĩa là Pseudotsuga sinensis var. brevifolia (W. C. Cheng & L. K. Fu) Farjon & Silba. Thiết sam giả lá ngắn là một loài mới phát hiện, do đó những nghiên cứu về loài này là cần thiết, đặc biệt tại huyện

Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng về hiện trạng quần thể và phân bố của loài để

xây dựng kế hoạch bảo tồn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn loài thiết sam giả lá ngắn (pseudotsuga brevifolia w c cheng l k fu, 1975) tại huyện nguyên bình, tỉnh cao bằng (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)