Bảng mạch POWER được thiết kế dựa trên sơ đồ khối chức năng của thiết bị. Nguồn đầu vào sử dụng nguồn -48 VDC (-72 VDC ÷ -36 VDC) phổ biến tại các trạm máy thông tin qua bộ chuyển đổi nguồn từ -48 VDC sang 12 VDC cấp ra các bảng mạch chức năng khác thông qua bảng mạch BACK PLANE của thiết bị. Sơ đồ khối của bảng mạch POWER được trình bày ở hình 2.5.
Hình 2.5: Sơ đồ khối bảng mạch POWER
Tại các bảng mạch chức năng, nguồn 12 VDC tiếp tục được chuyển đổi sang các nguồn thứ cấp khác để cung cấp cho các mô đun của các bảng mạch. Chip FPGA trong các khối chức năng (SDH, E1, EoS, XCC) chủ yếu sử dụng các nguồn 3,3V; 2,5V; 1,8V; 1,2V; 1,0V. Các nguồn 3,3V, 2,5V chủ yếu cung cấp cho các Bank I/O của FPGA và linh kiện khác như bộ đệm Clock, IC PLL, IC Flash, LED… Nguồn 1,8V sử dụng cho các khối chức năng khác bên trong FPGA như ADC, DAC, AUX…và các IC giao tiếp vật lý như PHY Ethernet, LIU E1. Nguồn 1,2V dùng cho các bộ phu phát tốc độ cao (Serdes) và nguồn 1,0V dùng cho Core của các FPGA. Mô đun RAM dùng cho khối giao tiếp Ethernet sử dụng nguồn 1,5V và 0,75V.
Các đầu ra của các khối nguồn thứ cấp đều được đưa ra các điểm Test Point và các đèn LED hiển thị nhằm mục đích báo cảnh, đo kiểm các giá trị nguồn trong quá trình hoạt động của thiết bị.
Đầu vào cấp nguồn -48 VDC được bảo vệ chống ngược nguồn bằng cầu đi ốt và có chức năng cắm nóng (Hot-swap). Sơ đồ nguyên lý của bảng mạch POWER được trình bày ở hình 2.6.
Bảng mạch POWER được thiết kế dự phòng và cho phép cắm nóng, do đó trong phần thiết kế sơ đồ nguyên lý, bổ sung vi điều khiển ATMEGA328PB-AUR có nhiệm vụ giám sát điện áp, dòng điện và nhiệt độ của bảng mạch POWER, điều khiển việc chuyển đổi giữa bảng mạch làm việc chính sang bảng mạch dự phòng khi xuất hiện lỗi.