vững nền độc lập tổ quốc
Cuối năm 1788, nạn xâm lược của quân Thanh trở thành nguy cơ trực tiếp và chủ yếu đối với nước ta.
Mãn Thanh vốn là một tộc phía Bắc ở Trung Quốc, nhân khi triều Minh sụp đổ vì phong trào khởi nghĩa của nông dân, đã tràn xuống thành lập một vương triều thống trị Trung Quốc từ giữa thế kỷ XVII. Đến cuối thế kỷ XVIII, nhà Thanh đã đánh bại phong trào phản kháng của nông dân trong nước và mở rộng xâm lược các miền khác. Dưới triều Càn Long, nhà Thanh đạt đến độ cường thịnh nhất của vương triều này. Đây cũng chính là lúc nhà Thanh lăm le xâm lược nước ta.
Nhà Thanh huy động một lực lượng bộ binh gồm 20 vạn quân chiến đấu và hàng chục vạn quân vận chuyển phục dịch, do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm thống soái. Vua Càn Long nhà Thanh ra một bản chỉ dụ trực tiếp đề ra phương hướng chiến lược cho Tôn Sĩ Nghị nhằm triệt để lợi dụng những mâu thuẩn trong nước ta để thực hiện dã tâm xâm lược. Nhà Thanh còn dự định điều động một lực lượng thủy binh để khi cần thiết, sẽ vượt biên đánh thẳng vào Thuận Quảng phối hợp với bộ binh tiến công từ Bắc xuống. Quyết tâm xâm lược của kẻ thù rất lớn, âm mưu của chúng rất nguy hiểm.
Tháng 11 năm 1788, quân Thanh chia làm bốn đạo tiến vào nước ta. Theo tính toán chủ quan của Tôn Sĩ Nghị, nhà Thanh hủy bỏ kế hoạch điều động thủy binh đánh vào Thuận Quảng. Do đó, quân Thanh xâm lược nước ta chỉ có bộ binh.
- Đạo quân chủ lực do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, qua Lạng Sơn tiến xuống Thăng Long.
- Đạo quân thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy, qua Cao Bằng tiến xuống.
- Đạo quân thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, qua Tuyên Quang tiến xuống.
- Đạo quân thứ tư theo đường Yên Quảng (Quảng Ninh) tiến vào. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà lúc bấy giờ do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy, chỉ độ một vài vạn quân. Trước cuộc xâm lược ồ ạt và đại qui mô của quân Thanh, các đồn
ải biên giới bị thất thủ. Trong nước, bọn phong kiến phản động lại nổi dậy tiếp tay cho bọn xâm lược.
Trong tình hình bất lợi đó, Ngô Văn Sở theo chủ trương sáng suốt của Ngô Thì Nhậm, quyết định tổ chức cuộc rút lui chủ động để bảo toàn lực lượng.
Ngô Thì Nhậm vốn là quan của họ Trịnh (làm đến thị lang) nhưng là một sĩ phu yêu nước hiểu biết đâu là chính nghĩa nên đã sớm tham gia phong trào Tây Sơn. Ông được Nguyễn Huệ tin cậy, giao cho trọng trách cùng với Ngô Văn Sở lo liệu công việc Bắc Hà. Chủ trương rút lui của ông được tóm tắt trong câu nói “nay ta bảo toàn lấy quân lực mà rút lui không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi chúng đi…” Nguyễn Huệ đánh giá cao chủ trương đó của Ngô Thì Nhậm: “Các ông đã biết nín nhục để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra ngăn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy là rất đúng”.
Quân Tây Sơn được lệnh tập trung về Thăng Long. Tại đây, quân ta tổ chức một cuộc duyệt binh lớn bên bờ sông Hồng rồi rút lui theo kế hoạch đã định. Thủy binh đóng giữ vùng Biện Sơn (Thanh Hóa), bộ binh chiếm lĩnh miền núi Tam Điệp (Ninh Bình) lập thành một phòng tuyễn vững chắc.
Trước khi rút lui, quân Tây Sơn đã phá hủy cầu đường, cất giấu thuyền bè và bố trí những lực lượng kiềm chế trên đường tiến quân của địch. Vì vậy, đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị từ biên giới phải mất 20 ngày mới đến Thăng Long và trên đường bị chăn đánh nhiều nơi.
Ngày 17 tháng 12, quân Thanh chiếm đóng thành Thăng Long. Thu được thắng lợi tương đối dễ dàng. Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất khinh địch và ngạo mạn. Hắn ra lệnh cho quân sĩ tạm thời nghỉ ngơi để chuẩn bị ăn Tết Nguyên Đán và chuẩn bị sang xuân sẽ tiếp tục tiến công. Hắn đóng đại bản doanh ở cung Tây Long (phía Đông Nam Thăng Long) và bố trí lực lượng thành thế phòng ngự tạm thời.
Đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị đóng doanh trại ở hai bên bờ sông Hồng, giữa có cầu phao qua lại. Phía Nam Thăng Long, hắn bố trí một hệ thống phòng ngự
gồm nhiều đồn lũy mà cứ điểm then chốt là đồn Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Tây). Đạo quân Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), bảo vệ mặt Tây Nam thành Thăng Long. Đạo quân Ô Đại Kinh đóng ở Sơn Tây, đạo quân thứ tư đóng ở Hải Dương.
Kinh thành Thăng Long và một phần đất Bắc Hà đã bị quân giặc chiếm đóng. Tôn Sĩ Nghị buông lỏng cho quân lính mặc sức hoành hành, cướp bóc, hãm hiếp nhân dân.
Bọn phong kiến phản động trong nước cấu kết chặt chẽ với bọn cướp nước. Bè lũ Lê Chiêu Thống bám gót quân Thanh, trở về Thăng Long. Hắn được vua Thanh phong làm An Nam quốc vương nhưng chỉ là một tên bù nhìn ươn hèn đốn mạt. Đối với quân thù thì bọ chúng quỳ lụy đến khốn nạn. Đối với nhân dân trong nước thì chúng tàn nhẫn đến dã man. Dựa vào thế quân Thanh, chúng trả thù báo oán rất ti tiện và ra sức vơ vét thóc gạo, cướp bóc của cải để cung đốn cho hàng chục vạn quân xâm lược. Bộ mặt phản dân hại nước của bè lũ lch đã lộ rõ.
Hằng ngày Lê Chiêu Thống đến chầu chực ở dinh Tôn Sĩ Nghị để nhận lệnh, thế mà thậm chí có lần hắn không thèm tiếp và đuổi về. Nhân dân Bắc Hà nói với nhau: "Nước Nam từ khi có đế vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế".
Trước cảnh đất nước bị quân giặc dày xéo, nhân dân Bắc Hà sôi sục căm hờn. Tất cả mọi người dân yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đều hướng về phía Tây Sơn và sẵn sàng tập hợp lại dưới lá cờ đại nghĩa của người anh hùng Nguyễn Huệ.
Trong lúc quân Thanh đang tự đắc, tự mãn với những thắng lợi bước đầu và mải mê chuẩn bị ăn Tết, thì quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, đang khẩn trương chuẩn bị, tranh thủ thời cơ, tận dụng mọi sơ hở của địch để nhanh chóng quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi.
Ngày 21 tháng 12 năm 1788 tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở. Ngày hôm sau, ông làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc.
Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế là tự gánh lấy trách nhiệm cứu nước trước dân tộc. Ý nghĩa đó thể hiện rõ trong bài Chiếu lên ngôi: "Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, và không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy, trẫm nghĩ phải tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng đại huynh, rong ruổi việc nhung mã… cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa… Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê mà chỉ trông mong vào Trẫm".
Quang Trung dừng quân lại ở Nghệ An hơn 10 ngày để bổ sung thêm lực lượng. Lá cờ đỏ của quân Tây Sơn lúc này đã trở thành ngọn cờ quật cường và đoàn kết của cả dân tộc. Hơn bao giờ hết, phong trào nông dân Tây Sơn đang phát triển thành một phong trào dân tộc rộng rãi. Trước cảnh tổ quốc lâm nguy, hàng vạn thanh niên đã hăng hái gia nhập nghĩa quân. Lực lượng quân Tây Sơn đã nhanh chóng tăng lên 10 vạn. Lực lượng nòng cốt của quân đội đó là lực lượng vũ trang của nông dân đã trải qua mười bảy năm trời chinh chiến từ trong Nam ra ngoài Bắc, đã được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Tại trấn doanh Nghệ An, Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn, để biểu dương lực lượng và cổ vũ quân sĩ trước khi bước vào cuộc chiến đấu sống mãi với quân thù.
Trong buổi lễ duyệt binh đó, Quang Trung đọc lời kêu gọi quân sĩ: "Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa ? Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị… Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta,
giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa binh đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Minh đến đây, dân ta không đến nỗi khổ như thời nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại, được mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại khác. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…"
Sau đó, quân Tây Sơn tiến ra Thanh Hóa, nghĩa quân lại được nhân dân đón tiếp nồng nhiệt, truyền thêm sức mạnh chiến đấu. Hàng loạt thanh niên trai tráng lại nô nức tòng quân.
Nhân dân Thanh Hóa còn ghi nhớ bài ca dao kêu gọi thanh niên gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, trong đó có câu:
"Anh đi theo chúa Tây Sơn Em về cày cuốc mà theo mẹ già"
Ngày 15 tháng 1 năm 1789, quân Tây Sơn tập kết ở Tam Điệp. Sau khi nghiên cứu tình hình mọi mặt, Quang Trung quyết định mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt nhanh chóng và triệt để toàn bộ lực lượng quân địch.
Quân Tây Sơn chia làm năm đạo tiến ra theo những hướng khác nhau tạo thành một thế bao vây chiến lược dồn quân địch vào tình thế hoàn toàn bị động, bị tiến công dồn dập và bị bao vây tiêu diệt không cách nào cứu vãn nổi.
Đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch ở phía Nam Thăng Long.
Đạo quân thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, tiến ra Đại Áng (Thường Tín, Hà Tây) làm nhiệm vụ yểm hộ và phối hợp với đạo quân chủ lực.
Đạo quân thứ ba do Đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ tiêu diệt đồn Khương Thượng rồi thọc sâu vào Thăng Long.
Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy, vượt biển đánh vào Hải Dương. Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy, vượt biển tiến lên chặng đường rút lui của quân Thanh.
Trước khi xuất phát, Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố: "Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang Xuân, ngày 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta xem có đúng thế không ?".
Trước đó, trong lời dụ tướng sĩ tại Thanh Hóa, Quang Trung cũng đã nói lên quyết tâm sắt đá đánh tan quân ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
"Đánh cho để dài tóc, Đánh cho để đen răng,
Đánh cho nó chích luân bất phản, Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho nó sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
(Hai câu đầu nói lên quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập dân tộc, giữ gìn nền văn hóa và những phong tục tập quán lâu đời của nhân dân. Hai câu giữa nói lên quyết tâm đánh tiêu diệt khiến cho quân giặc mảnh giáp không còn, không một chiếc xe nào trở về.
Câu cuối nghĩa là: đánh cho chúng biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ). Những lời tuyên bố đanh thép của vị thống soái trước giờ xuất trận càng nâng cao ý chí chiến đấu và niềm tin vững chắc của quân sĩ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh yêu nước.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH
Đêm 25 tháng 1 năm 1789 - tức đêm 30 Tết - đạo quân chủ lực của ta do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy). Tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Quân Tây Sơn nhanh chóng tiến lên, liên tiếp tiêu diệt các đồn quân Thanh và đuổi theo bắt
gọn quân do thám của giặc. Đêm 28 - tức đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu - quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây) rồi uy hiếp buộc địch đầu hàng. Quân ta tiêu diệt một đồn lũy trọng yếu của địch cách Thăng Long 20 ki-lô-mét mà không tốn một mũi tên, hòn đạn.
Mờ sáng ngày 30 - tức ngày 5 Tết - quân ta bước vào trận quyết chiến với địch ở đồn Ngọc Hồi. Đây là đồn lũy kiên cố giữ vị trí then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch, bảo vệ trực tiếp cửa ngõ phía Nam Thăng Long.
Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long 14 ki-lô-mét, án ngữ con đường thiên lý trong Nam ra. Quanh đồn có chiến lũy bảo vệ. Phía ngoài lũy có bãi chướng ngại dày đặc gồm chông sắt, cạm bẫy và địa lôi. Lực lượng quân địch ở đây có khoảng ba vạn quân tinh nhuệ đặt dưới quyền chỉ huy của đề đốc Hứa Thế Hanh là phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ hệ thống phòng ngự phía Nam Thăng Long. Sau khi đồn Hà Hồi bị tiêu diệt, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tăng viện cho đồn Ngọc Hồi và thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự của mặt trận phía Nam để sẵn sàng ứng phó.
Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận công đồn ác liệt này.
Mở đầu trận đánh, đội tượng binh gồm hơn một trăm voi chiến của quân Tây Sơn xông vào tiến công. Đội kỵ binh thiện chiến của quân Thanh ra nghênh chiến bị tan vỡ nhanh chóng. Quân địch dựa vào chiến lũy, hết sức cố thủ. Chúng từ trên chiến lũy, bắn đại bác và cung tên ra dữ dội để cản đường quân ta. Một đội xung kích đã chuẩn bị trước gồm những chiến sĩ cảm tử, dùng những lá chắn lớn (ván gỗ quấn rơm ướt) che mình xông thẳng vào chiến lũy của địch. Quân ta đột nhập vào chiến lũy, giáp chiến với quân thù. Đại quân Tây Sơn ào ạt xung phong vào trận địa với dũng khí áp đảo kẻ thù. Chính quân địch cũng phải thừa nhận rằng: "Quân Tây Sơn, hợp lại đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như triều dâng".
Trước sức công phá như vũ bão và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của quân Tây Sơn, đồn Ngọc Hồi bị san phẳng. Một bộ phận quân địch bị tiêu diệt tại trận. Bọn sống sót sau cơn bão lửa khủng khiếp đó, bỏ chạy về Thăng Long.
Nhưng Quang Trung đã bố trí một lực lượng nghi binh chặn đường, buộc chúng phải dấn thân vào cánh Đầm Mực (Thanh Trì, Hà Nội) rộng lớn và lầy lội. Tại đây, đạo quân của đô đốc Bảo đã được lệnh, lợi dụng địa hình bố trí sẵn một trận địa để tiêu diệt bọn quân Thanh. Hàng vạn quân giặc bị vùi xác dưới cánh đầm đó. Bằng trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ quân Thanh và bộ chỉ huy của chúng tại cứ điểm then chốt nhất, đập tan hệ thống phòng ngự của địch và mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng thành Thăng Long.
Cũng vào mờ sáng ngày 30 tháng 1, đạo quân của đô đốc long bất ngờ bao vây, tiêu diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) ở phía Tây Nam thành Thăng