Tình hình xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Mã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu, đánh giá diễn biến xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu sông mã trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Trang 39 - 41)

5. Nội dung nghiên cứu chính và cấu trúc luận văn

1.3.3. Tình hình xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Mã

Do ảnh hưởng của thủy triều nên nước ở vùng cửa sông thường bị nhiễm mặn. Độ mặn của nước sông phụ thuộc rất nhiều vào chế độ thủy triều, cường độ truyền triều vào sông và lượng nước thượng nguồn đổ về hạ lưu. Có thể nói, dòng triều truyền vào đến đâu, mặn nhập sâu đến đấy, nước sông vì thế bị nhiễm mặn không thể dùng cho sản xuất nông nghiệp được. Do vùng đất ven cửa sông cũng bị nhiễm mặn nên các loài sinh vật vùng cửa sông cũng thay đổi khác với vùng thượng lưu. Đó là các loài sinh vật nước lợ.

Độ mặn ở cửa sông là lớn nhất, gần bằng độ mặn nước biển khoảng 30 – 32‰ và giảm dần về phía thượng nguồn theo mức độ yếu đi của triều. Tùy theo các nhánh phân lưu mà mức độ xâm nhập mặn trên sông khác nhau.

Diễn biến độ mặn theo thời gian

Theo thời gian trong năm, mức độ xâm nhập mặn vào sông nhiều hay ít tùy thuộc chủ yếu vào lượng dòng chảy cơ bản trên sông.

Trong mùa lũ (sông Mã: từ tháng VI – X, 2 tháng có dòng chảy lớn nhất là VIII, IX; sông Chu, sông Yên: từ tháng VII – XI, 2 tháng có dòng chảy lớn nhất là tháng IX và tháng X) lượng dòng chảy trên các sông dồi dào nên mặn ít có khả năng lấn sâu vào nội địa.

Vào mùa kiệt (sông Mã: từ tháng XI – V, tháng có dòng chảy nhỏ nhất thường là tháng III, IV; sông Chu, sông Yên: từ tháng XII – VI, 2 tháng có dòng chảy nhỏ nhất thường là tháng III, IV) lượng dòng chảy cơ bản trên sông nhỏ nên mặn xâm nhập sâu mạnh và lấn sâu vào nội địa dọc theo các sông.

Mùa kiệt năm 2009 – 2010, mực nước trên các sông suối không ngừng hạ thấp và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0.23 – 0.94m. Đặc biệt, mực nước trung bình và nhỏ nhất các tháng mùa kiệt năm nay đều ở mức thấp nhất so với cùng kỳ lịch sử. Mực nước nhỏ nhất năm tại trạm thủy văn Lý Nhân là 2.9m (ngày 16/IV), nhỏ hơn mực nước kiệt lịch sử Hmin: 3.28m – 6/5/2005.[1]

Do tình trạng khô hạn thiếu nước diễn ra sớm nên vùng cửa sông độ mặn đã xâm nhập sớm hơn và cường độ mạnh hơn những năm trước đây.

Diễn biến độ mặn theo không gian

Nếu lấy độ mặn 1.0‰ làm giới hạn, tính từ cửa biển về phía thượng lưu, độ mặn xâm nhập vào các sông trong đợt điều tra năm 2010 như sau: Trên dòng chính sông Mã mặn có thể xâm nhập sâu tới 28km (năm 2009: 23km); sông Lèn tới trên 22km; sông Lạch Trường và kênh De xâm nhập trên toàn tuyến sông; sông Hoạt tới âu Mỹ Quan Trang, sông Báo Văn tới âu Báo Văn (do có sự chặn dòng ngăn mặn của 2 âu); sông Yên, sông Hoàng tới 26km, sông Nhơm tới 23km. Như vậy, so với những năm có số liệu thì 2010 xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển đã gia tăng mạnh mẽ, một số tuyến sông như dòng chính sông Mã, sông Lèn… độ mặn xâm nhâp đạt mức cao nhất lịch sử.

Trên hệ thống sông Mã, độ mặn lớn nhất tại các trạm trong đợt điều tra 2010 phổ biến ở mức lớn hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ (những năm có thống kê số liệu) cũng như so với cùng kỳ 2009. Đặc biệt trên dòng chính sông Mã, sông Lèn, sông Lạch Trường độ mặn lớn nhất xâm nhập vào sông đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay: tại Giàng (sông Mã) tới 6.1‰; tại Cự Thôn (sông Lèn) tới 7.1‰… Trong khi đó, độ mặn nhỏ nhất tại các trạm phổ biến ở mức xấp xỉ đến lớn hơn so với trung bình nhiều năm và lớn hơn so với cùng kỳ năm 2009. Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn năm 2010 ở Thanh Hóa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân 4 huyện ven biển gồm: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu, đánh giá diễn biến xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu sông mã trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)