Qua phân tích kinh nghiệm một số nước trong việc mở rộng tín dụng đối với DNV&N trên thế giới, đặc biệt có một số nước láng giềng, đã cho ta những bài học quý giá về vấn đề phát triển DNV&N.
Thứ nhất, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường pháp lí ổn định, có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với sự phát triển DNV&N. Vì vậy, Chính phủ cần sớm thành lập các phòng, cơ quan chuyên phụ trách DNV&N để tạo điều kiện đưa ra các chương trình trợ giúp, điều phối, tư vấn phát triển DNV&N.
Thứ hai, các Ngân hàng cần có sự bình đẳng trong quan hệ tín dụng với các doanh nghiệp đủ mọi thành phần, đặc biệt là đối với các DNV&N. Các Ngân hàng thương mại nên thành lập các kênh tài chính riêng cho các DNV&N.
Thứ ba, cần phát triển mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNV&N. Trong năm 2009, chính phủ cũng đưa ra Quyết định số 14 về việc bảo lãnh vay vốn cho các DNV&N của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Theo hình thức này quỹ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay không đủ điều kiện về thế chấp tài sản và cam kết trả nợ thay cho các DNV&N. Việc áp dụng chính sách này bước đầu cũng có những kết quả nhất định, tuy nhiên điều kiện còn khá chặt nên cần nới lỏng và phát triển hơn nữa hình thức này. Quy chế thành lập, tổ chức và họat động Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNV&N đã được ban hành từ ngày 20/12/2001 theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đã gần 10 năm trôi qua, đến nay toàn quốc mới chỉ có một số tỉnh thành lập được Quỹ bảo lãnh tín dụng. Không phải các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố không thông suốt chủ trương mà ngược lại. Ngay sau khi QĐ 193 có hiệu lực, Hà Nội đã thành lập Ban trù bị thành lập Quỹ bảo lãnh cho DNN&V của Hà Nội và đã xây dựng xong dự thảo Điều lệ về tổ chức và các hoạt động của Quỹ bảo lãnh cho DNV&N của Hà Nội. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu đăng ký tham gia góp vốn vào Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại tính hiệu quả của quỹ và khả năng huy động vốn cho quỹ khá khó khăn nên đến
nay cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đều chưa thành lập được Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Theo quyết định 193/QĐ-TTg, vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh được hình thành từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh, thành phố; vốn góp của các tổ chức tín dụng, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ cho các DNV&N; vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân; vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Về vốn cấp của ngân sách, đối với những thành phố có thu nhập lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh thì khá thuận lợi. Tuy nhiên đối với các tỉnh khó khăn về nguồn thu thì vốn cấp của ngân sách là cả một vấn đề. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lại không mặn mà với việc góp vốn. Lý do mà họ đưa ra là Quỹ bảo lãnh tín dụng là một tổ chức tài chính hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, vì vậy việc các tổ chức tín dụng dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vào quỹ là rất khó khăn.
Mặt khác tổ chức một quỹ độc lập hay giao nội dung hoạt động của quỹ cho một định chế tài chính sẵn có nào của thành phố cũng là một vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận của các bên. Mà thành lập một quỹ độc lập thì e rằng khó giải quyết các vấn đề về tổ chức bộ máy nhân sự, nếu quỹ hoạt động không hiệu quả. Giao cho định chế tài chính nào đó không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương thì lại lo định chế đó không dành sự quan tâm thích đáng cho việc quản lý và điều hành quỹ...
Quyết định của thủ tướng chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là đúng đắn và nhận được sự đồng tình cao nhưng lại rất khó triển khai. Để việc triển khai hoạt động của quỹ này trở lên có hiệu quả chính phủ cần phải chỉ đạo khảo sát thực tế, tiến hành hội thảo để có những biện pháp thích hợp giải quyết tháo gỡ tình hình.
Thứ tư, Ngân hàng thương mại nên mở rộng hình thức tín dụng thuê mua. Đây là biện pháp tài trợ vốn trung dài hạn cho các DNV&N rất hiệu quả. Với hình thức tín dụng này, Ngân hàng giảm bớt được rủi ro và tránh được tình trạng đóng băng vốn.
Thứ năm, Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho các DNV&N nhằm giúp các
doanh nghiệp này vay vốn trung và dài hạn bằng nguồn vốn của Nhà nước, hoặc kết hợp với các tổ chức cá nhân khác. Ngoài ra, Chính phủ cần có các biện pháp nhằm tạo điều kiện về mặt tài chính cho các DNV&N như trợ cấp vốn không hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp cho các dự án ở vùng sâu, vùng xa, các trọng điểm kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
DNV&N là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế. Từ những khái niệm, đặc trưng cho đến vai trò của DNV&N đã cho thấy tầm quan trọng của loại hình doanh nghiệp này đối với sự phát triển của nền kinh tế và của toàn xã hội.
Hoạt động tín dụng đối với các DNV&N vì thế cũng khá đa dạng và có tầm quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp này. Tín dụ ng là một trong những hoạt động quan trọng hỗ trợ sự phát triển của các DNV&N. Trong nội dung chương II của luận văn, sẽ cho thấy rõ thực trạng hoạt động tín dụng đối với các DNV&N tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - chi nhánh Long Biên trong thời gian qua. Qua đó, chúng ta cũng sẽ thấy được những kết quả trong hoạt động tín dụng đối với DNV&N mà Ngân hàng TMCP Quân đội - chi nhánh Long Biên đạt được, cũng như những tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG TMCP QUÂN ĐỘI
CHI NHÁNH LONG BIÊN