CON VÀO LỚP 1
Những khó khăn thường gặp khi con vào lớp 1 1 Họp phụ huynh đầu năm cô giáo than phiền về các cháu chưa biết chữ, số, nói ngọng. Con tôi lọt vào số HS này. Làm thế nào để cháu đuổi kịp cả lớp? - Thông thường ở lớp lá mẫu giáo, HS đã được học nhận biết mặt chữ, đếm số từ 1-10… để chuẩn bị vào lớp 1. Vì vậy, nếu con anh/chị chưa biết mặt chữ, đếm số sẽ gặp khó khăn khi học lớp 1. Anh/chị cần tích cực “phụ đạo” hằng ngày để cháu theo kịp chương trình lớp 1. Tốc độ phát triển tâm lý của trẻ lớp 1 không đồng đều, trong lớp luôn có sự chênh lệch về khả năng tiếp thu của HS. Một số trẻ học chậm hơn bạn trong năm đầu, nhưng các năm sau lại vượt trội. Cha mẹ không nên vội bi quan khi thấy con mình thua kém bạn, mà cần bình tĩnh giúp con đạt yêu cầu của chương trình học... 2 Bài vở cô giáo cho quá nhiều, tối đến tôi phải giúp cháu tập viết (bằng cách viết sơ cho cháu
đồ) như vậy có nên không? - Nếu thấy bài vở về nhà nhiều khiến con đuối sức, cha mẹ nên phản ảnh với giáo viên để thầy cô đưa ra yêu cầu học tập đúng mức với trẻ. Cha mẹ có thể viết sơ nét cho con đồ nhưng không nên làm thay khiến trẻ ỷ lại. Hãy cho trẻ tự làm bài để giáo viên nhận biết khả năng thật sự của HS và có phương pháp giúp đỡ các em học tốt hơn. 3 Làm cách nào để trẻ ham thích học tập? Con tôi rất ham chơi, mỗi lần ngồi vào bàn là ngáp ngắn ngáp dài… - Trẻ vào lớp 1 vẫn còn trong độ tuổi ăn tuổi ngủ nên thích chơi hơn. Muốn trẻ ham thích học, cha mẹ nên hỗ trợ về “kỹ thuật” để trẻ học nhẹ nhàng hơn như cùng ngồi học với con, lấy giúp đồ dùng học tập, gọt bút chì, bơm mực, quạt mát cho con... Phân bố thời gian để con được nghỉ giải lao sau mỗi bài học, không bắt con ngồi học liền mạch quá lâu (hơn một giờ). Thỉnh thoảng có lời khen con đã viết đẹp hơn, ngồi đúng tư thế, biết sắp xếp bàn học… Cha mẹ không nên ép buộc, đe dọa, trừng phạt khi trẻ chưa tự giác, trái lại trẻ cần được động viên, khen ngợi thường xuyên. 4 Qua một tháng học con tôi chỉ có một điểm 6 môn tập viết, còn lại là điểm 5 và cả 4 trong khi các bạn khác trong lớp đều được 9-10 điểm (có lẽ các cháu này đã học trước chương trình lớp 1). Làm gì để giúp con vượt qua mặc cảm này? - Để con không mặc cảm vô lý vì các bạn khác đã học trước chương trình, cha mẹ
nên giữ thái độ bình thường trước kết quả học tập của con, không so sánh điểm số của con với bạn mà chỉ đặt ra mức phấn đấu cho con ở những bài viết sau. Cha mẹ hỗ trợ con cách cầm viết, ngồi đúng tư thế và nhắc nhở con nắn nót nét chữ. Khi con đạt điểm cao hơn trước (6-7 điểm), cha mẹ cần bày tỏ sự vui vẻ và khen ngợi con tiến bộ. Trẻ sẽ được tiếp thêm động lực phấn đấu và không bị ức chế hay mặc cảm với bạn bè. 5 Con tôi vốn rất năng động nhưng từ ngày đi học cháu ít nói hẳn, nghe cô răm rắp. Phải làm sao để cháu không sợ sệt như vậy? - HS tiểu học thường coi trọng và tuân phục ý kiến giáo viên hơn cha mẹ. Những trẻ hiền ngoan sợ thầy cô trách phạt nên không dám làm trái ý giáo viên. Nếu phát hiện thầy cô “khủng bố” HS, cha mẹ có thể góp ý tế nhị với giáo viên, hoặc phản ảnh với ban giám hiệu để nhà trường chỉnh sửa cách thức giáo dục HS. Trong
trường hợp thầy cô không gây áp lực nhưng do trẻ quá e dè thì cha mẹ nên chủ động cùng trẻ gặp gỡ giáo viên, để trẻ được thầy cô tiếp chuyện vui vẻ, bình thường. Nhờ vậy trẻ sẽ bớt sợ thầy cô và tự tin hơn khi đến trường. 6 Chồng tôi
tuyên bố không cần con học giỏi, chỉ cần lên lớp là được vì không muốn nhồi nhét cho con học. Tôi lại thấy cháu phải học giỏi từ bây giờ mới có đà cho những năm sau. Ai đúng, ai sai? - Chồng chị đã có quan điểm đúng. Tuy nhiên, nếu để
con lơ là việc học và chỉ đối phó với việc lên lớp sẽ làm mai một khả năng của con. Vì vậy anh/chị cần khuyến khích con học tập vừa sức, đồng thời hướng dẫn cháu vui chơi, rèn luyện đa dạng để sự phát triển cá nhân hài hòa hơn. 7 Con học khá nên tôi không cho cháu đi học thêm, nhưng cháu nằng nặc đòi học thêm nếu không vào lớp rất sợ cô. Tôi phải làm thế nào? - Anh/chị có thể đưa cháu đến gặp cô và hỏi ý kiến “Cháu có cần phải học thêm không?”. Thông thường, giáo viên chỉ thẳng thắn đề nghị cha mẹ cho trẻ học thêm khi cháu học yếu, đuối sức so với bạn trong lớp. Khi nghe rõ lời cô “Em không cần học thêm” thì cháu sẽ không sợ cô và không đòi đi học thêm nữa. Những điều cần lưu ý khi con vào lớp 1 Trẻ vào lớp 1 thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới. Cha mẹ cần hỗ trợ trẻ trong suốt học kỳ 1, giúp trẻ hòa nhập và đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Những điểm cha mẹ cần lưu ý: * Trẻ thường lúng túng trong việc tự chăm lo bản thân khi sinh hoạt cả ngày ở trường (ăn uống, vệ sinh cá nhân…). Cần hướng dẫn con cách ứng xử khi ăn uống ở trường không hợp khẩu vị, khi nhà vệ sinh của trường không sạch sẽ, thiếu tiện nghi so với gia đình… * Trẻ chưa quen ghi nhớ những dặn dò của giáo viên về trang phục, dụng cụ học tập, bài tập… nên không báo lại với cha mẹ, do đó thường sai sót khi đến trường. Cha
mẹ nên liên lạc với giáo viên hoặc phụ huynh cùng lớp để giúp con làm đúng lời dặn của thầy cô. * Trẻ chưa hiểu, chưa nhớ hết nội quy nhà trường nên dễ sai phạm. Cha mẹ không vội vã chê trách, la mắng con mà nhắc nhở và khuyên con cố gắng tuân thủ nội quy. * Trẻ không biết cách làm quen hoặc ứng xử với bạn mới. Trẻ có thể bị lẻ loi hoặc gây ác cảm với bạn. Mỗi ngày, cha mẹ hỏi han quan hệ của trẻ với bạn, kịp thời phát hiện những sai sót, vụng về của trẻ để giúp trẻ điều chỉnh, xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn. Nếu trẻ bị bạn hiếp đáp cần hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình (nhờ thầy cô giải quyết, nhờ các bạn khác phân xử, chờ gặp cha mẹ bạn nhờ họ phân xử hoặc bình tĩnh đối phó với bạn) chứ không vội “ra tay” (tìm gặp la mắng, đe dọa HS đã hiếp đáp con mình). Điều này có thể gây xung đột giữa các phụ huynh và không giúp các trẻ làm lành, chơi tốt với nhau được. * Trẻ chưa kiên trì khi học bài, làm bài ở nhà, cha mẹ chia nhỏ các nhiệm vụ để trẻ thực hiện từng bước. Theo dõi thời khóa biểu để nhắc trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập ở nhà. TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG