Đối tượng và chủ thể giáo dục là trẻ em

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Triết học: Tư tưởng triết học giáo dục của J.J.Rousseau (Trang 84 - 88)

Giáo dục học truyền thống quan niệm rằng: giáo dục là quá trình truyền đạt tri thức và kinh nghiệm hoặc là quá trình rửa tội và thanh lọc tâm hồn hoặc có thể là một quá trình khai sáng nhằm giúp con người tự do sử dụng lý trí. Giáo dục truyền thống phớt lờ và hạ thấp những đặc tính riêng biệt của trẻ cũng như những suy nghĩ bất thường, những kinh nghiệm của chúng. Những đặc điểm do buộc phải bi ̣che đậy hoặc bi ̣loại bỏ. Vấn đề của giảng dạy trở thành cung cấp sách giáo khoa đưa ra những phần và trình tự hợp logic của nội dung. Nội dung cung cấp mục đích và quyết định phương pháp .

J.J.Rousseau đã phê phán nền giáo dục cổ truyền. Đối tượng giáo dục ông bàn đến là trẻ em “sự giáo dục bắt đầu từ khi anh ta ra đời; trước khi nói, trước khi nghe thấy, con người đã học tập rồi” [42, tr.67]. Theo J.J.Rousseau, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em thật sự cần thiết phải được giáo dục, bởi vì “Người ta uốn nắn cây nhờ vun trồng và đào luyện con người nhờ giáo dục. Nếu con người sinh ra vốn cao lớn mạnh mẽ, thì tầm vóc và sức mạnh của anh ta sẽ vô dụng đối với anh cho đến khi nào anh học được cách sử dụng chúng” [42, tr.32]. Trẻ em là những người còn ngây thơ, chưa bị ảnh hưởng từ mặt trái của văn minh, những cám dỗ từ xã hội nên việc giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ định hình sự phát triển của trẻ theo khuynh hướng tự nhiên. Khi trẻ đã trưởng thành và

81

bắt đầu có thể tự suy nghĩ và lựa chọn các thiên hướng phù hợp với chính mình, nên giáo dục sau tuổi hai mươi lăm sẽ không phù hợp, giống như cái cây đã trưởng thành, rất khó để uốn nắn.

J.J.Rousseau cho rằng trẻ em cần được giáo dục thuận theo tự nhiên, là trung tâm và là mục đích của giáo dục. Sự phát triển và trưởng thành của trẻ là việc giáo dục phải hướng đến và thực hiện. Vì vậy, J.J.Rousseau coi nhiệm vụ lớn lao nhất của mình trong giáo dục là nghiên cứu trẻ em. Vì sao J.J.Rousseau lại quan tâm đến giáo dục trẻ em? Về vấn đề này ông đã lý giải như sau “Người ta phàn nàn về trạng thái tuổi thơ, người ta không biết rằng loài người sẽ tiêu vong, nếu như con người không khởi đầu bằng việc là trẻ thơ” [42, tr.32]. Theo J.J.Rousseau, giáo dục phải hướng quan tâm đặc biệt đến việc hiểu trẻ em, người học, vì chính trẻ em là khởi đầu, chuẩn bị cho sự tồn vong, hưng thịnh, sự phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Quan điểm đó rất căn bản, chính xác, thể hiện trách nhiệm hết sức lớn lao của J.J.Rousseau đối với sự nghiệp giáo dục.

Ngoài ra, J.J.Rousseau cho rằng hoàn cảnh của người nghèo và người giàu có sự khác biệt hoàn toàn. Đối với người nghèo, chính hoàn cảnh sống của họ đã giáo dục họ, “Sự giáo dục tự nhiên ắt phải làm cho con người thích hợp với mọi thân phận” [42, tr.54]. Trong khi đó, người giàu sống ở nơi diễn ra nhiều nhất sự thị phi, đồi bại; họ lại đang nhận được sự giáo dục của một nền giáo dục ít thích hợp nhất cho cả bản thân họ và cho cả xã hội, nên họ cần phải được giáo dục một cách hợp lý. Mặt khác, theo tỷ lệ hoàn cảnh thực tế thì số người phá sản nhiều hơn số người phất lên, do đó hãy chọn kẻ giàu để giáo dục; chí ít ta cũng chắc chắn là đã đào tạo được thêm một con người [Xem: 42, tr.54].

Tất cả các môn học, các phương pháp giáo dục đều phụ thuộc vào khuynh hướng phát triển tự nhiên của trẻ. Giáo dục hướng đến mục tiêu phát triển khả năng của mỗi cá nhân chứ không phải sự nhận thức hay kiến thức của trẻ. Học tập mang tính chủ động, có nghĩa là học tập xuất phát từ trẻ em và vì lợi ích và

82

năng lực của trẻ em. Trẻ em không phải là nội dung mà là đối tương củ a giáo duc. Song chỉ đối tượng đúng đắn là chưa đủ nếu không nhận thức đúng chủ thể tác động vào đối tượng. Nhưng chủ thể không đứng im mà luôn vận động để phù hợp với sự thay đổi của đối tượng cần tác động. Trẻ em là đối tượng của giáo dục và trẻ em có quyền quyết định mình phải được giáo dục để trở thành người như chúng muốn. Tuy nhiên, nếu không có sự tác động của cha, mẹ, thầy giáo, v.v.., những đứa trẻ đó khó có thể phát huy được hết khả năng của mình. Tuy nhiên, có một sự thật đáng lên án, đó là không hề hiểu biết trẻ em hoặc hiểu sai lầm về trẻ em. Ông viết “Chúng ta không bao giờ biết đặt địa vị của mình vào trẻ em, chúng ta không thâm nhập các ý tưởng qua chúng, chúng ta gán cho chúng các ý tưởng của mình; và bằng cách luôn đi theo những suy luận của mình, và những chuỗi chân lý nối tiếp, chúng ta chỉ chồng chất vào đầu óc chúng toàn những điều ngông cuồng và sai lầm vô lý mà thôi” [42, tr.221]. Vì vậy, cha, mẹ, cần phải đóng vai trò là chủ thể của giáo dục để tác động, định hướng và tạo điều kiện tối đa cho trẻ phát triển. Theo J.J.Rousseau, hãy để cho bản tính tự nhiên của trẻ em hoàn thành số mệnh của chính nó, hãy để cho bản tính của trẻ em tự bộc lộ và được phát hiện trong bất cứ mọi hoàn cảnh. Nhưng cha, mẹ cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu họ không biết, không quan tâm hoặc để tâm tìm hiểu về học trò của mình, thì sẽ không hiểu được năng lực, năng khiếu, thái độ, tâm lý của trẻ qua mỗi giai đoạn. Cha, mẹ cũng sẽ không hiểu được bằng cách nào để trẻ em khẳng đin ̣h năng lực ấy, vận dụng năng khiếu ấy và hình thành thái độ ấy trong hiện thực.

Một trong những điều ta không thể không quan tâm ở đây là tư tưởng của J.J.Rousseau cho rằng, người thầy có vai trò quan trọng đối với việc giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn và khai mở những khả năng tiềm tàng của người học. “J.J.Rousseau đã đánh giá đúng rằng người thầy không nên can thiệp vào các hoạt động của trẻ. Nhiệm vụ của người thầy nên thấy rằng giáo dục của học sinh là sự phát triển tự do về lợi ích và động cơ của

83

họ”8 [67, tr.6532]. Đối với ông, người thầy phải có tri thức về giáo dục, đó là hình mẫu về người thầy. Trong một nền giáo dục cần có những người thầy như thế. Chỉ có như vậy, người thầy mới hiểu được bản chất, nội dung, chức năng, mục tiêu, phương pháp giáo dục; mới hiểu được người học; hiểu được những yêu cầu thực sự của đời sống; mới có thể hình dung được cái sản phẩm giáo dục của mình; mới không đem cái ý kiến, tư tưởng, tưởng tượng chủ quan của mình chụp lên đứa trẻ. Ông đòi hỏi người thầy hướng dẫn cho đứa trẻ và không được ngộ nhận mình là người ra lệnh, mà trái lại phải thấy khả năng phát triển của chính đứa trẻ và người thầy phải tạo điều kiện tối đa để khả năng của trẻ được phát triển. Đây là tư tưởng giáo dục rất sâu sắc của J.J.Rousseau. Đương nhiên, J.J.Rousseau không nhầm lẫn “điều khiển” với hướng dẫn. Ông cho rằng phải hiểu được, thừa nhận sự thật nói trên thì người thầy mới có thể thực hiện được công việc hướng dẫn. Vì thế, “hãy sớm chuẩn bị cho trẻ quen tự do và sử dụng sức lực của nó, bằng cách để thân thể nó có thói quen tự nhiên, bằng cách đặt nó trong trạng thái luôn được tự chủ, được làm mọi điều theo ý muốn của nó, một khi nó có ý muốn nào đó” [42, tr.68]. Như vậy, theo ông, người học phải là trung tâm của quá trình giáo dục; người học phải học tập một cách tích cực, chủ động; người thầy phải thấy rõ công việc hướng dẫn của mình như một “nghệ thuật”. Đây quả thực là điều rất đặc sắc của tư tưởng triết học giáo dục J.J.Rousseau.

Tóm lại, theo J.J.Rousseau, giáo dục phải xuất phát từ trẻ em. Vì giáo dục chính là sự phát triển tự nhiên của trẻ, nên nó phải là quá trình của người học chứ không phải của người dạy. Giáo dục chính là quá trình mà người học là trung tâm. Trẻ em là đối tượng của giáo dục được hướng dẫn, định hướng từ cha, mẹ, người thầy thể phát huy được những khả năng tiềm ẩn của mình. Chính trẻ em là tương lai của dân tộc; đất nước có phát triển hay không, chúng

8“Teacher should not interfere with the activities of the children. The teacher duty is that the should see that the education of the students is the development of their interests and motives”.

84

ta có thể nhìn ngay vào việc giáo dục và đầu tư cho trẻ em. Nếu trẻ em được giáo dục đúng, những công dân trong tương lai sẽ định hình nên cả một đất nước sau này. Người dạy là người khơi gợi những tri thức để người học tìm hiểu và chiếm lĩnh tri thức ấy.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Triết học: Tư tưởng triết học giáo dục của J.J.Rousseau (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)