Tại Đại hội VII, Đảng đưa ra yêu cầu đối với chính sách tiền lương. Theo đó, lần đầu tiên tiền lương được coi là giá cả sức lao động được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với quan hệ trong nền kinh tế thị trường. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 và 8, Ban chấp hành Trung ương khoá VIII và Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa IX tiếp tục quán triệt “phải quán triệt quan điểm tiền lương gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”; “Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển, trả lương đúng cho người lao động chính là thực hiện đầu tư cho phát triển”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước khẳng định “Doanh nghiệp được tự chủ trong việc trả lương và tiền thưởng trên cơ sở năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”; “Nhà nước có cơ chế khuyến khích thoả đáng về vật chất, tinh thần đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp căn cứ vào mức độ đóng góp vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời có chế tài phù hợp để xử lý những cán bộ quản lý doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả do nguyên nhân chủ quan”.
Nghị quyết Đại hội XI tiếp tục khẳng định “Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Tầm quan trọng của chính sách tiền lương đã được thể hiện thành Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó khẳng định: “Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.