TẠI TỈNH ĐỒNG NAI
2.1 Quy định của pháp luật về thi hành các quyết đinh dân sự trong bản án hình sự hình sự
2.1.1. Quy định của pháp luật hình sự
Trong hệ thống hình phạt trong BLHS của Việt Nam, hình phạt tiền là một trong hình phạt đặc biệt, quy định tại Điều 32 BLHS. Phạt tiền mang tính chất kinh tế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. BLHS có 175 Điều luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, hình phạt bổ sung…
Khi áp dụng hình phạt chính, hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng, và tội nghiêm trọng, hoặc tội rất nghiêm trọng thuộc các nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mội trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định.
Theo quy định của BLHS (Điều 32) thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ được áp dung một loại hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số loại hình phạt bổ sung. Vậy thì, khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính thì không áp dụng là hình phạt bổ sung, còn khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung thì có thể áp dụng kèm với hình phạt chính và các hình phạt bổ sung khác như quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; trục xuất; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản.
Ngoài hình phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức, BLHS còn quy định áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thương mại với cả 02 tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quy định tại Điều 76 BLHS thì hình phạt tiền có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại phạm các tội quy định tại các Điều từ Điều 188 đến Điều 196, Điều 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 (gồm 33 tội danh thuộc các nhóm tội trong lĩnh vực sản xuất,
kinh doanh, thương mại; nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường; nhóm tội phạm an toàn công cộng).
Như vậy, trong PLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có một số quy định có liên quan đến thi hành các quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, đó là:
+ Quy định về hình phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân người bị kết án (Điều 35) và đối với pháp nhân thương mại bị kết án (Điều 77);
+ Quy định về hình phạt tịch thu tài sản đối với người bị kết án (Điều 45); + Quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm đối với người phạm tội (Điểm a, Khoản 1, Điều 46) và đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điểm a, Khoản 2, Điều 46).
+ Quy định về biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi đối với người phạm tội (Điểm b, Khoản 1, Điều 46), đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điểm b, Khoản 2, Điều 46).
Tiếp theo, Điều 47 BLHS năm 2015 quy định vật, tiền (đối tượng) bị tịch thu và mục đích tịch thu vật, tiền; Điều 48 quy định các biện pháp tư pháp liên quan đến thiệt hại mà tội phạm gây ra, đó là trả lại tài sản, sửa chữa, bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi.
Nghiên cứu các quy định này của BLHS hiện hành thấy rằng, đây là những vấn đề dân sự mà Tòa án ra quyết định thi hành trong bản án hình sự buộc người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải thi hành.
Ngoài ra, để bảo đảm các quyết định dân sự trong bản án hình sự được thi hành nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.
2.1.2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự
Thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự cho thấy trong nhiều vụ án hình sự có vấn đề dân sự cần được giải quyết. Điều này xuất phát từ lý do hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến những quan hệ do pháp luật hình sự bảo vệ mà còn có thể xâm hại đến các quan hệ pháp luật dân sự. Vì vậy, khi giải quyết vụ án hình sự nhất là vụ án về các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự,
nhân phẩm, tài sản… của cá nhân, tổ chức có một số vấn đề dân sự phát sinh cần phải giải quyết, đó là vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề dân sự trong các bản án hình sự:
Điều 30 BLTTHS năm 2015 qui định “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Từ quy định này của BLTTHS năm 2015 cho thấy, vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có đủ 02 điều kiện:
+ Một là, trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề dân sự mà chưa có
điều kiện chứng minh.
Việc chưa có điều kiện chứng minh để giải quyết vấn đề dân sự có thể thuộc một trong các trường hợp như: chưa tìm được, chưa xác định được bị hại hoặc nguyên đơn dân sự; bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu bồi thường, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên tòa và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự …
+ Hai là, việc tách vấn đề dân sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự
không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, nghĩa là vấn đề dân sự được tách ra không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, xác định khung hình phạt và xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Ngoài những vấn đề có tính nguyên tắc nêu trên, trong BLTTHS, còn có những quy định liên quan đến việc thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự, cụ thể là:
+ Điều 28 BLTTHS năm 2015 quy định về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, theo đó:
“1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.
+ Để bảo đảm cho việc thi hành các quyết định dân sự trong bản án hình sự, Điều 128 BLTTHS năm 2015 quy định về kê biên tài sản của bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; Điều 129 BLTTHS năm 2015 quy định về phong tỏa tài khoản, theo đó “phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước. Ngoài ra, Điều 437 còn quy định về kê biên tài sản đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; Điều 438 quy định về phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước…
2.1.3. Quy định của pháp luật thi hành án hình sự, pháp luật thi hành án dân sự
Luật Thi hành án hình sự (LTHAHS) số 41/2019/QH 14 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2020 có một số quy định liên quan đến phần thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự, đó là:
- Khoản 1, Điều 2, LTHAHS qui định: Bản án, quyết định được thi hành là:
“1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định
thi hành”.
Ngoài ra, trong LTHAHS năm 2019 còn có một số quy định khác liên quan đến việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự như về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam (Khoản 1, Điều 17), về Cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án (Khoản 2, ĐIều 158).
* Quy định của pháp luật thi hành án dân sự (bổ sung)
Ngay sau khi Luật THADS 2008 có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành đã ban hành 50 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này, bao gồm: 04 Nghị định của Chính phủ, 04 Quyết định của Thủ Tướng Chính phủ, 18 Thông tư, 17 Thông tư Liên tịch, 01 Quy chế phối hợp liên ngành, 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Bộ trưỡng Bộ Tư pháp và 04 Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hánh án dân sự. Đến ngày 25/11/2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội, khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, trong đó sửa đổi, bổ sung 55/183 điều của Luật 2008. Công tác hoàn thiện thể chế hướng dẫn thi hành luật được tiếp tục tập trung đẩy mạnh với 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 05 Thông tư…
Để thực hiên xã hội hóa một số khâu, lĩnh vực trong hoạt động Thi hành án dân sự, ngày 19/02/2009, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ- TTg ngày 19/02/2009 phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại, trong đó quyết định chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/01/2016.
Bên cạnh những mặt tích cực, hoàn thiện nêu trên, vẫn còn tồn tại những bất cập như: Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bộc lộ nhiều hạn chế do còn có những quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế. Nhiều quy định còn mâu thuẩn, chồng chéo, không thống nhất với các ngành pháp luật khác có liên quan, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp của các cơ quan THADS.