Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách TTHC là chủ trương, chính sách quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ hội
nhập kinh tế quốc tế. Công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng đã được nhận định, đánh giá một cách sâu sắc trong các văn kiện của Đại hội Đảng từ những năm đầu thực hiện đổi mới đất nước. Đặc biệt trong giai đoạn 2011-2020, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ CCHC, trong đó tập trung đầu tư nguồn lực cho việc thực thi các chính sách cải cách TTHC, nhằm đem lại thuận lợi, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân; tạo sự hài lòng của người dân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở để các cơ quan nhà nước triển khai thực thi các nhiệm vụ CCHC, các chính sách cải cách TTHC trong giai đoạn 2011 - 2020, trong đó phải kể đến:
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ được ban hành theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011. Đây là văn bản quan trọng, định hướng cho các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp triển khai thực hiện. Nghị quyết ban hành Chương trình tổng thể CCHC với 5 mục tiêu cơ bản, 6 nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực. Trong đó, mục tiêu về cải cách TTHC là mục tiêu quan trọng, là thước đo mức độ thực thi chính sách cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Quy định về kiểm soát TTHC có các văn bản gồm: Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC; Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015. Các nghị định, quyết định
trên quy định về kiểm soát việc quy định, thực hiện, rà soát, đánh giá TTHC và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, là những nội dung cơ bản trong quá trình thực thi chính sách cải cách TTHC.
Một trong những nội dung quan trọng của chính sách cải cách TTHC là việc tổ chức thực hiện giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bao gồm các bước: tiếp nhận/giải quyết/trả kết quả TTHC. Đây là quy trình gây nhiều bức xúc cho người dân, doanh nghiệp trong suốt thời gian dài. Để việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức được đảm bảo thông suốt, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; sau đó được bổ sung, sửa đổi, thay thế bằng Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Với các quy định chặt chẽ đối với việc thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã cơ bản thực hiện đồng bộ, thống nhất, giảm chi phí, thời gian, đem lại thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Cao Bằng, căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn triển khai của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch từng giai đoạn bảo đảm phù hợp, bám sát thực tiễn, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; cải cách TTHC; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công nhằm tạo bước chuyển biến cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính, nhất là giải quyết TTHC và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp; từng bước nâng cao Chỉ số CCHC; Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức
đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tỉnh Cao Bằng.
Căn cứ Kế hoạch giai đoạn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch CCHC hằng năm và kế hoạch triển khai các lĩnh vực CCHC. Để triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo từng lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của sở, ngành. Hằng năm, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ động tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó quy định 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải được thực hiện theo cơ chế một cửa. Hiện nay, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính nói chung và trong thực hiện giải quyết TTHC nói riêng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2014 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của TTg Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2619/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về việc phê duyệt “Đề án triển khai thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, trong năm 2016 tỉnh đã tiến hành triển khai thí điểm Phần mềm Hệ thống một cửa liên thông hiện đại (VNPT-iGate) để tiếp nhận/giải quyết TTHC tại 10 cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm, tiếp tục triển khai đến các cơ quan hành chính nhà nước, đến nay, Phần mềm Hệ thống một cửa liên thông hiện đại được ứng dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 19/19 sở, ban, ngành, 10/10 UBND các huyện, thành phố, 161/161 UBND các xã, phường, thị trấn.
Để tiếp tục hoàn thiện công tác kiểm soát TTHC tại 3 cấp chính quyền, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 về Quy chế hoạt động của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Quy chế đã quy định cụ thể số lượng, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ đầu mối thực hiện công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, UBND tỉnh ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 về Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Quy chế yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện công khai địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và nội dung
hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi tiếp nhận giải quyết TTHC.