- Do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của giáo dục pháp luật chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm và phối hợp giữa các ban, ngành, các đoàn thể;
- Hình thức giáo dục còn đơn điệu, không hấp dẫn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục pháp luật. Hiện nay, hình thức chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật.
- Các báo cáo viên, tuyên truyền viên đa số là những người làm công tác kiêm nhiệm nên về mặt nào đó chưa thật toàn tâm, toàn ý với hoạt động giáo dục pháp luật.
Một số người chưa vững về kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền đạt còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giáo dục pháp luật.
Cùng với điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, phương tiện đi lại... cũng ảnh hưởng tới hiệu quả giáo dục pháp luật, từ đó dẫn tới kỷ cương, phép nước bị lỏng lẻo.
Kết luận Chương II
Giáo dục pháp luật đang ngày càng khẳng định vai trò là một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng với đòi hỏi mọi cán bộ, công chức, viên chức và công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Vì vậy, trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2015 – 2020, Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc rất quan tâm lãnh, chỉ đạo các cấp, địa phương trong huyện tích cực thực hiện công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ trong địa bàn toàn huyện, góp phần quan trọng xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả nhất định. Công tác giáo dục pháp luật trong 5 năm qua đã đạt được mục tiêu, yêu cầu của huyện đề ra.
Cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trên địa bàn huyện Đại Lộc luôn quan tâm, coi trọng giáo dục pháp luật, gắn giáo dục pháp luật với các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước.
Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện được nâng cao góp phần quan trọng trong giảm số vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Tuy nhiên, công tác giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong 5 năm qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế đó là: Có nơi, có lúc việc tổ chức, chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật chưa chặt chẽ, còn biểu hiện khoán cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu kiểm tra, giám sát, các hình thức giáo dục pháp luật được một số địa phương, đơn vị ở xã, thị trấn áp dụng còn đơn điệu.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, việc nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện cần phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn tình hình mới.
CHƯƠNG III