Người bào chữa để bảo đảm quyền tranh tụng
3.2.1. Nâng cao trình độ chuyên môn của Thẩm phán
Đảm bảo quyền tranh tụng là bảo đảm các quyền của người tham gia tố tụng được bảo đảm thực hiện đầy đủ. Trước tiên cần có sự tôn trọng của Thẩm phán người trực tiếp xét xử VAHS. Người làm Thẩm phán cũng cần phải rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu về pháp luật, giỏi
về kỹ năng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh, dũng cảm, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc thì họ mới có niềm tin nội tâm vững vàng đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực tế đã chứng minh vai trò của Thẩm phán là rất quan trọng, nếu Thẩm phán bị hạn chế về chuyên môn và nghiệp vụ xét xử thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử, từ đó rất dễ xảy ra kết án oan sai. Để hạn chế tới mức thấp nhất oan, sai trong hoạt động tố tụng thì Thẩm phán phải làm việc công tâm, trách nhiệm, tránh tình trạng chủ quan duy ý chí. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đáp ứng các yêu cầu của xã hội thì Thẩm phán phải thường xuyên tu dưỡng, học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn về nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội của mình. Trong phiên tòa HSPT trên cơ sở của việc kháng cáo/kháng nghị, Thẩm phán là người được trực tiếp nghe các bên tranh luận, phản biện. Từ sự tranh luận, phản biện này Thẩm phán sẽ đánh giá một cách thấu đáo, hợp tình, hợp lý và cuối cùng Thẩm phán là người đại diện cho Tòa án và nhân danh Nước cộng hòa XHCN Việt Nam phán xét bị cáo có tội hay không có tội, chấp nhận việc kháng cáo/kháng nghị hay không chấp nhận việc kháng cáo/kháng nghị. Thẩm phán như người “Cầm cân nảy mực” và Tòa án là nơi thể hiện đầy đủ nền công lý, thể hiện chất lượng và uy tín của toàn bộ hệ thống tư pháp.
Chính vì vai trò quan trọng này của đội ngũ Thẩm phán nhằm nâng cao chất lượng xét xử, trách nhiệm nghề nghiệp, cũng như đạo đức và năng lực của Thẩm phán, Chánh án TANDTC đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 01/2017/CT - CA ngày 16/01/2017 của Chánh án TANDTC “Về việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 của các TAND” và hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 về “Công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp”; Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 16/3/2017 “Về việc công bố bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án”; Quyết định số 120/QĐ - TANDTC ngày
19/6/2017 về “Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND” đây là một giải pháp khá mạnh mẽ để nâng cao năng lực chuyên môn đối với Thẩm phán và cũng là một quyết định đầu tiên được ban hành trong hệ thống TAND nhằm nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán khi thi hành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng xét xử Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 05 năm, nếu tái nhiệm lại nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Cùng với đó, việc tuyển chọn Thẩm phán theo hướng thi tuyển cấp quốc gia cũng là một đổi mới toàn diện mang tính cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các ứng viên. Đây cũng là một cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ Thẩm phán đủ về số lượng đạt về chất lượng đáp ứng nhiệm vụ được giao.
3.2.2. Nâng cao trình độ chuyên môn của Kiểm sát viên
Trước khi được phân công tham gia phiên tòa HSPT, KSV được phân công thực hành quyền công tố trước Tòa KSV phải nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ vụ án, nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS (nếu có). KSV còn dự kiến các câu hỏi cần hỏi bị cáo, cần tranh luận với bên gỡ tội, và các chủ thể khác tham gia tố tụng, xây dựng kế hoạch tranh luận để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa, KSV phải chủ động xét hỏi, chủ động tranh luận, phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để tranh luận đối đáp với bị cáo, với NBC và những người tham gia tố tụng khác.
KSV cũng cần phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nguyên tắc tranh tụng và bảo đảm các quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng để họ thực hiện đầy đủ quyền của mình. Có thể nói rằng trong phiên tòa XXPT các VAHS, KSV là chủ thể chính của tranh tụng, tranh tụng vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của KSV. Việc KSV tranh tụng nhằm mục đích bảo vệ tính đúng đắn, tính khách quan, tính hợp pháp và tính có căn cứ của quan điểm truy tố, hay nói cách khác việc KSV tranh tụng chính là bảo vệ bản cáo trạng
truy tố của mình. Để KSV tranh tụng tốt, có chất lượng và tính có căn cứ ấy thì KSV phải tự trang bị kiến thức chuyên môn cho mình, phải ham học hỏi, tự tổng hợp và trang bị cho mình những kỹ năng tranh tụng, kỹ năng hỏi, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phân tích, kỹ năng lập luận, kỹ năng phản biện, kỹ năng bác bỏ quan điểm của NBC và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong tranh luận. Ngoài việc tự phải học hỏi, tự tu dưỡng, tự trau dồi các kỹ năng thì KSV còn phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật và nắm giữ các quy định của pháp luật TTHS, các quy định trong BLHS và những văn bản hướng dẫn thi hành BLHS và BLTTHS. Trong VAHS những tình tiết, những chứng cứ, chứng minh và lập luận của KSV phải thực sự sắc bén. Bên cạnh đó, KSV còn phải nắm vững những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, KSV phải có kiến thức về những vấn đề xã hội, kinh tế, tâm lý học tội phạm…để thực sự chủ động và sẵn sàng tranh tụng tại phiên tòa.
Khi tranh luận KSV phải tập trung vào vấn đề cần tranh luận và cần làm sáng tỏ, không miên man, không dài dòng, không dùng những lời lẽ không hay để xúc phạm danh dự những người đối tụng với mình. Ngoài ra, KSV cũng phải tự rèn luyện cho mình những kỹ năng quan sát, tổng hợp, ghi chép nhanh. Khi hùng biện tại phiên tòa KSV phải rất tự tin, chững chạc, trình bày mạch lạc, lưu loát, thái độ bình tĩnh, đúng mực và tôn trọng người đối đáp với mình, không nổi nóng, không bảo thủ luôn giữ vị trí an toàn là “Giữ nguyên quan điểm truy tố ” và không tranh luận…
Mỗi năm, ngành Kiểm sát đã tổ chức hàng ngàn phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có nhiều phiên tòa được tổ chức trực tuyến, quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm này, KSV toàn ngành có điều kiện học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau, người đi sau học kinh nghiệm của người đi trước. Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ cho KSV nêu trên nên có một ý nghĩa hết sức quan
trọng là để nâng cao chất lượng tranh tụng, đảm bảo được quyền tranh tụng của tất cả những người tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự. Từ đó góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49- NQ/TW của Bộ chính trị đề ra.
3.2.3. Nâng cao trình độ chuyên môn của người bào chữa
Theo Nghị quyết 49/NQ -TW của Bộ chính trị về cải cách tư pháp đã đề ra Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trí, có đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thành cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa …”. Dưới góc độ pháp lý, thực hiện tốt “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”đã được thể chế hóa từ nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp 2013 [8] và quy định trong BLTTHS năm 2015.
Để nâng cao trình độ chuyên môn của NBC chủ yếu là đội ngũ Luật sư cũng phải tự mình nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của mình để đáp ứng các yêu cầu về pháp lý của toàn xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư đã được thành lập, ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Đội ngũ Luật sư được bồi dưỡng về nghiệp vụ và đào tạo bài bản, trong thời gian vừa qua đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, trình độ năng lực được nâng lên, cơ chế trách nhiệm của Luật sư và việc phát huy vai trò tự quản của các Đoàn Luật sư trong cả nước từng bước được hoàn thiện. Các vụ việc được Luật sư tư vấn, tham gia bào chữa và trợ giúp pháp lý ngày càng tăng cao, rất nhiều Luật sư đã tích cực tranh tụng, tạo không khí dân chủ trong phiên tòa. Công tác quản lý Nhà nước về Luật sư ngày càng được quan tâm thực hiện, ngày càng xuất hiện nhiều Luật sư có bản nghề nghiệp vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, làm việc tận tụy, trách nhiệm được xã hội ghi nhận. Bên cạnh đó, thẩm quyền của Luật sư được mở rộng, các cơ quan tư pháp cũng đã cộng tác tốt để Luật sư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật, góp phần đảm
bảo quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được tranh tụng bình đẳng, dân chủ, từng bước khẳng định vị trí của Luật sư trong đời sống chính trị pháp lý của đất nước.
Tuy nhiên, muốn phát triển đội ngũ Luật sư hùng mạnh, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Hiện nay đội ngũ Luật sư đã và đang tham gia thực hiện bảo đảm quyền tranh tụng trong các VAHS nói chung và trong phiên tòa HSPT nói riêng thực hiện sứ mệnh của mình là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, công bằng thì cũng rất cần có một quy trình đào tạo, phương thức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ chuyên sâu cho Luật sư để Luật sư Việt Nam hội nhập quốc tế. Muốn thực hiện được như vậy cần bổ sung một số vấn đề sau:
- Một là, cần thiết xây dựng một điều khoản mới về tội danh xâm phạm
quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của công dân trong BLHS; sửa đổi và bổ sung một số quy định trong BLTTHS về tư cách tham gia tố tụng của luật sư, thời điểm tham gia bào chữa, việc tiếp xúc bị can, bị cáo trong trại tạm giam, quyền điều tra và thu thập chứng cứ, quy trình thu thập tài liệu chứng cứ và một số hoạt động nghề nghiệp khác của luật sư;
- Hai là, cần nâng cao kỹ năng tranh tụng của luật sư trong hoạt động
tố tụng cao hơn nữa để tranh tụng bình đẳng thực sự với VKS. Khi tham gia phiên tòa VKS chỉ giữ quyền công tố thực hiện đúng với chức năng của TTHS, HĐXX trong phiên tòa hạn chế và dần dần bỏ hẳn việc xét hỏi truyền thống như trước đây sang việc coi trọng tranh tụng và tạo điều kiện cho các chủ thể tranh tụng tại Tòa, có như vậy luật sư mới có cơ hội để thể hiện tất cả những quan điểm, lập luận thuyết phục của mình đến HĐXX để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, thể hiện tính công tâm của mình thực hiện quyền bào chữa, đáp ứng yêu cầu của xã hội;
- Ba là, cần sớm ban hành các quy định điều chỉnh và giám sát nhằm cải tiến nội dung, phương pháp để nâng cao chất lương đào tạo nghề Luật sư,
nâng cao kỹ năng hành nghề Luật sư; Hoàn thiện các quy định pháp lý về chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư. Hành nghề Luật sư là hoạt động đòi hỏi tính trách nhiệm cao do vậy Luật sư tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là một nghĩa vụ cần thiết. Do đó, cần có những quy định và những biện pháp cụ thể để sớm áp dụng trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm đem lại sự hiệu quả cao nhất cho hoạt động đặc thù này;
- Bốn là,tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và thể chế hóa về mặt pháp luật chủ trương hoàn thiện pháp luật về Luật sư; xây dựng các mô hình tổ chức hành nghề và mô hình quản lý đủ sức đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của công dân, tổ chức; Phấn đấu xây dựng đội luật sư đạt cả về số lượng lẫn chất lượng nhất. Cần có một chính sách thúc đẩy và hỗ trợ nghề Luật sư hơn nữa để xây dựng một đội ngũ Luật sư Việt Nam có chất lượng cao, giỏi về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ đủ sức tranh tụng ở nước ngoài. Các Luật sư phải thực sự yêu nghề của mình. Một khi lòng yêu nghề, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp đan xen hòa quyện nhau nó sẽ tạo nên sức mạnh phát triển vượt bậc. Mỗi Luật sư ai cũng phải có trách nhiệm phát huy và duy trì những điểm sáng của nghề, phải có ý thức giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của mình, giữ mối quan hệ tốt với mọi người, với đồng nghiệp, thực hiện đúng chức năng xã hội của Luật sư được quy định tại Điều 3 Luật luật sư: “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của Luật sư để đáp ứng các yêu cầu về pháp lý của toàn xã hội thì đội ngũ Luật sư cũng rất cần trau dồi đạo đức, văn hóa ứng xử của mình để xây hình ảnh của người Luật sư chuẩn mực vừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có đạo đức, văn hóa ứng xử, có kiến thức xã hội sâu rộng thì rất cần một bộ quy tắc chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, coi đây là thước đo phẩm chất đạo
đức và trách nhiệm của Luật sư. Do đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành quyết định số 201/QĐ–HĐLSTQ ngày 13 /12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc gồm 32 quy tắc để làm khuôn mẫu cho ứng xử nghề nghiệp và tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tin yêu của toàn xã hội, trong đó có quy tắc ứng xử của Luật sư tại phiên tòa:
Quy tắc 27
“27.1. Luật sư phải chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa và HĐXX, tôn trọng người tiến hành tố tụng, Luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác…
27.2. Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, Luật sư phải tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu, chứng cứ pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật…”[36].
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của công nghệ số hiện nay, nghề Luật sư có nhiều cơ hội hơn, cụ thể như chất lượng công việc ngành luật tăng lên, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến kinh tế thương mại quốc tế, đội ngũ Luật sư cũng phải nắm bắt lấy cơ hội và sử dụng đòn bẩy công nghệ để tạo một lợi thế trong công việc, nghề luật rất cần đòi hỏi ở đội ngũ Luật sư đáp ứng đủ ba yếu tố cơ bản là “Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực”.