biện pháp tạm giam
Nhằm đảm bảo cho hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật TTHS nói riêng được hoàn thiện, từ đó việc áp dụng biện pháp tạm giam được thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả đòi hỏi cần sửa đổi những quy định còn bất cập, bổ sung những nội dung mới cụ thể, rõ ràng hơn về biện pháp tạm tạm giam. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường việc giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật TTHS về biện pháp tạm giam nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng trong thực tiễn giải quyết VAHS.
Hiện nay, đã có nhiều văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung, tạm giam nói riêng được thống nhất. Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình TTHS, nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp tạm giam, đảm bảo việc áp dụng được thống nhất, hiệu quả thì đòi hỏi cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất là cần hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về căn cứ áp dụng, thẩm quyền áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng. Từ đó có thể bảo đảm việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giam nói riêng được thuận lợi, thống nhất, không gây ra tình trạng lúng túng, áp dụng tràn lan trong quá trình tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Thứ hai là cần có những hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn không giam giữ như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh, cho thấy được tính khả thi khi áp dụng các biện pháp này nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường áp dụng các biện pháp đó. Bên cạnh đó, cần phải giải thích, làm rõ vấn đề có cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn
đối với mọi bị can, bị cáo hay không. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, hoặc có căn cứ cho rằng người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, hoặc để đảm bảo thi hành án. Từ đó, cần phải có hướng dẫn thống nhất về những căn cứ này, làm cơ sở để xác định chính xác khi nào cần áp dụng biện pháp ngăn chặn và cần áp dụng biện pháp ngăn chặn nào cho phù hợp.
Thứ ba, các cơ quan tiến hành tố tụng cần hướng dẫn cụ thể về một số kỹ năng, thủ tục tố tụng nhằm bảo đảm việc áp dụng biện pháp tạm giam được đúng đắn. Cụ thể như thủ tục áp dụng biện pháp tạm giam, vấn đề tham gia của người bào chữa vào quá trình tố tụng để bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo, vấn đề tranh tụng dân chủ của người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng biện pháp tạm giam trên địa bàn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho thấy công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật có vai trò rất quan trọng, cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án. Đây cũng là quá trình khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có khả năng tư duy cao, đầu tư nhiều công sức, thời gian nhằm nâng cao hiệu quả thực tế của công tác này. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung rà soát, nghiên cứu để từng bước đổi mới công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật nói dung, áp dụng biện pháp tạm giam nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng của công tác này trong quá trình TTHS.