Tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân là một giải pháp góp phần tích cực trong phòng, chống tội phạm nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả vận dụng các quy định về căn cứ, thời hạn, thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam nói riêng.Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm vận động toàn dân không phạm tội, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Để làm được điều đó cần tuyên truyến, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi người hiểu được mối nguy hại của tội phạm đối với đời sống xã hội, nhận thức rõ hơn về các biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giam nói riêng cùng với các chế tài, hình phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội cũng như sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp đó.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tiến hành đa dạng, phong phú về phương pháp và bảo đảm thực sự có chiều sâu và hiệu quả, không mang tính hình thức, phong trào. Các hình thức tuyên truyền phải gần gũi với nhân dân, thông qua các buổi gặp mặt, hội họp của các cụm, tổ dân cư tại địa phương để
nói chuyện, trao đổi, giải thích các vấn đề về pháp luật. Trong đó, cần lồng ghép vào việc khen thưởng, biểu dương các công dân có thành tích trong tham gia phòng, chống tội phạm. Tổ chức phát thanh, tuyên truyền những chuyên đề pháp luật về biện pháp tạm giam, về căn cứ áp dụng cũng như tính cần thiết phải áp dụng của biện pháp đó trong giải quyết VAHS. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật có hiệu quả sẽ góp phần tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm nói chung, áp dụng biện pháp tạm giam nói riêng.
Tiểu kết Chương 3
Trên cơ sở tìm hiểu về cải cách tư pháp của Việt Nam cùng với những hạn chế, thiếu sót trong quy định của pháp luật hiện hành, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật TTHS về biện pháp tạm giam, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng trong việc hiểu và vận dụng thống nhất, hiệu quả biện pháp này trong quá trình giải quyết VAHS.
Từ phân tích, đánh giá về thực trạng áp dụng biện pháp tạm giam trong TTHS trên địa bàn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh từ năm 2016 đến năm 2020 cùng với việc làm rõ những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót đó, tác giả đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp tạm giam trong thực tiễn quá trình giải quyết VAHS trên địa bàn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.
KẾT LUẬN
Biện pháp tạm giam được xem là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong TTHS. Biện pháp này có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thể hiện sự cương quyết của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại cũng như các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có thể đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì lẽ đó, việc áp dụng biện pháp này đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền phải hết sức thận trọng, nghiên cứu, vận dụng đúng đắn các quy định của pháp luật TTHS cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đồng thời phải căn cứ tình hình thực tiễn cụ thể trong từng vụ án, từng đối tượng phạm tội để có thể áp dụng một các phù hợp, hiệu quả nhất.
Việc nghiên cứu những nguyên tắc áp dụng, thay thế, hủy bỏ biện pháp tạm giam như bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, sử dụng biện pháp tạm giam để đấu tranh, xử lý tội phạm và dân chủ, nhân đạo xã hội chủ nghĩa có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này trong TTHS, nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết VAHS, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong thực tiễn.
Qua khảo sát, nghiên cứu tình hình áp dụng biện pháp tạm giam cho thấy hoạt động này vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót nhất định, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm mất lòng tin của người dân cũng như ảnh hưởng uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng. Nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đó, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng cơ quan tư pháp thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp chế, không để cho các thế lực thù địch phản động lợi dụng xuyên tạc, bêu xấu; bảo vệ sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên hoàn thiện những quy định về biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giam nói riêng.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tình hình áp dụng biện pháp tạm giam trên địa bàn thành phố Tây Ninh, có thể rút ra những kết luận sau:
- Nhằm ngăn chặn tội phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, pháp luật quy định cho người có thẩm quyền do luật định có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn
nói chung, tạm giam nói riêng. Đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất của Nhà nước, do đó, khi áp dụng phải dựa trên nguyên tắc và quy định chặt chẽ của pháp luật TTHS.
- Biện pháp tạm giam phải được quy định thể hiện rõ bản chất là bảo đảm cho hoạt động tố tụng được tiến hành thuận lợi, là biện pháp ngăn chặn nhằm ngăn ngừa tội phạm, ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội đồng thời phải bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân.
- Quy định về biện pháp tạm giam là cơ sở pháp lý cần thiết cho các cơ quan tiến hành tố tụng và công dân trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo đó, muốn áp dụng đúng đắn biện pháp này đòi hỏi phải xây dựng hệ thống quy định mang tính chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp.
- Hiệu quả của biện pháp tạm giam dựa trên cơ sở nhằm ngăn chặn được tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý, chi phí thực tế khi áp dụng… Theo đó, để đảm bảo hiệu quả áp dụng biện pháp này đòi hỏi phải đề ra hệ thống giải pháp đầy đủ, toàn diện nhằm hạn chế, loại bỏ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình áp dụng. Đó là việc hoàn thiện quy định của pháp luật tụng hình sự về biện pháp tạm giam; nâng cao trình độ pháp lý, nghiệp vụ chuyên môn cùng với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ làm công tác TTHS; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với cơ quan tiến hành tố tụng; xây dựng cơ chế phối hợp, kiểm sát các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng biện pháp tạm giam; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc bắt, giữ, giam; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.
Việc nghiên cứu về biện pháp tạm giam cùng với thực tiễn áp dụng biện pháp này trong TTHS là một vấn đề lớn và phức tạp. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, tác giả đã cố gắng đưa ra những vấn đề cơ bản nhất nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết nhất trong quy định cũng như thực tiễn áp dụng biện pháp này trong quá trình giải quyết VAHS. Tác giả kính mong nhận được sự nhận xét, đánh giá của quy độc giả để luận văn được hoàn thiện hơn.