VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
2.1.1. Quan niệm về công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô Công nghiệp hỗ trợ (tiếng Anh: Supporting Industry), là thuật ngữ được ra đời đầu tiên ở Nhật Bản. Nó được dịch trực tiếp từ thuật ngữ gốc trong tiếng Nhật là “Suso-no San-gyuo”, trong đó Suso-no nghĩa là “Chân núi” và Sangyuo là “Công nghiệp”. Nếu xem toàn bộ quy trình SX một sản phẩm như một quả núi thì các ngành CNHT đóng vai trò chân núi, còn CN lắp ráp, SX hoàn tất sản phẩm cuối cùng đóng vai trò đỉnh núi. Do đó, nếu không có CNHT rộng lớn, vững chắc thì cũng sẽ không có CN lắp ráp hoàn tất cuối cùng bền vững, ổn định. Với cách hình dung như trên, tổng thể ngành CN có thể được xem như là sự kết hợp giữa CNHT và CN lắp ráp hoàn tất sản phẩm cuối cùng, trong đó, CNHT được coi là cơ sở nền tảng, CN lắp ráp hoàn tất sản phẩm cuối cùng có vai trò hoàn thành giá trị sử dụng của sản phẩm. Tuy vậy, tùy theo tình hình cụ thể và đặc thù của từng quốc gia, quan niệm về CNHT có sự khác biệt nhất định.
Ở Nhật Bản, thuật ngữ CNHT ban đầu được dùng để chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có đóng góp cho sự phát triển kết cấu hạ tầng CN của một số nước châu Á trong trung và dài hạn. Năm 1993, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã nêu quan niệm chính thức: “CNHT là các ngành CN cung cấp các yếu tố cần thiết như nguyên vật liệu thô, linh kiện và vốn… cho các ngành CN lắp ráp (gồm: ô tô, điện và điện tử)”. CNHT được coi là cơ sở nền tảng, CN lắp ráp SX hoàn tất sản phẩm cuối cùng có vai trò hoàn thành giá trị sử dụng của sản phẩm.
Một số tổ chức của các nước cũng có quan niệm riêng về CNHT. Theo Văn phòng phát triển CNHT Thái Lan (Bureau of SupportingIndustries Development - BSID): CNHT là các ngành CN cung cấp linh kiện, phụ kiện, máy móc, dịch vụ đóng gói và dịch vụ kiểm tra cho các ngành CN cơ bản (nhấn mạnh các ngành cơ khí, máy móc, linh kiện cho ô tô, điện và điện tử là những CNHT quan trọng). Việt Nam cũng nêu quan niệm về CNHT khá tương đồng với quan niệm của Thái Lan. Trong Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ đã nêu quan niệm:“Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”.
Trong thời gian qua, ở Việt Nam, quan niệm về CNHT ngành SX ô tô ngày càng được xác định và mở rộng thông qua văn bản pháp lý. Tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ chính thức nêu quan niệm về CNHT và các thuật ngữ có liên quan. CNHT được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm CNHT là sản phẩm của các ngành vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm SX tại Việt Nam để cung cấp cho khâu lắp ráp, SX sản phẩm hoàn chỉnh. Dự án SX sản phẩm CNHT là dự án đầu tư tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm CNHT. Quan niệm này được coi là căn cứ để tạo khung pháp lý cơ bản cho sự hình thành và phát triển của lĩnh vực này [85]. Trong nội dung Luận án, tác giả nghiên cứu CNHT ngành SX ô tô theo quan niệm của Chính phủ Việt Nam như đã nêu ở trên.
Công nghiệp hỗ trợ có thể được nhìn ở góc độ hẹp, đó là các ngành SX phụ tùng, linh kiện phục vụ cho công đoạn lắp ráp sản phẩm hoàn
chỉnh; toàn bộ các ngành tạo ra các bộ phận của sản phẩm cũng như tạo ra các máy móc, thiết bị hay những yếu tố vật chất khác góp phần tạo thành sản phẩm. Khái niệm CNHT chủ yếu sử dụng trong các ngành CN có sản phẩm đòi hỏi sự kết nối của nhiều chi tiết phức tạp, độ chính xác cao, dây chuyền SX đồng bộ với các công đoạn lắp ráp. Hai ngành CN hay sử dụng khái niệm CNHT là ngành ô tô và điện tử.
Từ góc độ rộng, CNHT được hiểu một cách tổng quát như hình dung về toàn bộ quá trình SX nói chung, chứ không thể bổ dọc, cắt lớp theo ngành hay sản phẩm vì mỗi ngành, mỗi loại sản phẩm đều có những đặc thù riêng và đều có những đòi hỏi ở các mức độ khác nhau về yếu tố hỗ trợ cho hoạt động SX.
Có hai cách phân loại CNHT: phân loại theo ngành SX và phân loại tiếp cận từ DN. Theo ngành SX, CNHT bao gồm các ngành các ngành cứng như SX nguyên vật liệu và linh kiện…; các ngành mềm như thiết kế sản phẩm, mua sắm, marketing quốc tế, viễn thông, vận tải, năng lượng, cấp nước…; và các ngành phục vụ nhu cầu nội địa như thép, hóa chất, giấy, ximăng… Phân loại theo góc độ DN, có các nhà cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc ở nước ngoài (import); các nhà cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc nước ngoài ở thị trường trong nước (foreign suppliers); và các nhà cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc ở nội địa (dosmetic suppliers). Dựa vào phân loại theo ngành SX, Luận án hướng tập trung nghiên cứu vào CNHT ngành SX ô tô.
Công nghiệp hỗ trợ ngành SX ô tô là một bộ phận cấu thành CNHT trong nền kinh tế quốc dân phục vụ cho việc lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là ô tô các loại. Nó bao gồm nhiều công đoạn SX chi tiết, linh kiện, phụ kiện phục vụ cho ngành lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh là ô tô để cung ứng ra thị trường.
Trong quan niệm của chính phủ Nhật Bản, CNHT ngành SX ô tô là ngành CN SX nhiều vật dụng cần thiết như nguyên liệu thô, phụ tùng và linh kiện cho CN SX ô tô. Nó gồm nhiều ngành CN (Hình 2.1).
Hình 2.1: Kết cấu công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô ở Nhật Bản
Nguồn: [54].
Những sản phẩm trung gian của ngành SX ô tô bao gồm các linh liện, phụ kiện của xe như: các loại đèn, điều hòa, ống xả, giảm xóc, bánh xe, kính, lốp, túi khí, ghế... Nhiều chuyên gia về SX ô tô cho rằng trung bình trong một chiếc ô tô có khoảng từ 20 - 30 nghìn chi tiết là các vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm được làm từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau.
Tại Thái Lan, thuật ngữ CNHT ngành SX ô tô được hiểu bao gồm các công ty lắp ráp, các công ty cung cấp phụ tùng linh kiện trực tiếp, các công ty cung cấp sản phẩm đầu vào cơ bản và liên quan, các công ty cung cấp sản
phẩm dịch vụ hỗ trợ. Hoạt động của các công ty này có sự hỗ trợ trực tiếp bằng các chính sách của chính phủ, trung tâm đào tạo, hiệp hội, đóng vai trò hỗ trợ cho việc SX, phát triển ngành và tiêu thụ sản phẩm.
Tại Việt Nam, tuy chưa có quan niệm tổng quát về CNHT ngành SX ô tô, nhưng trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, (03/11/2015) của Chính phủ, nó được hiểu bao gồm rất nhiều loại sản phẩm như: Động cơ và chi tiết động cơ: thân máy, piston, trục khuỷu, thanh truyền, bánh răng, cụm ống xả, xi lanh, cụm đầu xi lanh, trục cam, xéc-măng, van động cơ; Hệ thống bôi trơn: bộ lọc dầu, bộ làm mát, bộ tản nhiệt, bơm dầu, các loại van; hệ thống làm mát: Bộ tản nhiệt, két nước, quạt gió, van hằng nhiệt, bơm nước; Hệ thống cung cấp nhiên liệu: thùng nhiên liệu, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc không khí, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu; Khung - thân vỏ - cửa xe: Các chi tiết dạng tấm đột dập, sắt xi, thùng xe tải, bậc lên xuống, cụm cửa xe; Hệ thống treo: nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn; Bánh xe: lốp xe, vành bánh xe bằng hợp kim nhôm; Hệ thống truyền lực: ly hợp, hộp số, cầu xe, trục các đăng; Hệ thống lái; Hệ thống phanh; Linh kiện điện - điện tử: nguồn điện (ắc quy, máy phát điện), thiết bị đánh lửa (bugi, cao áp, biến áp), rơle khởi động và động cơ điện khởi động, dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý; Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu: đèn, còi, đồng hồ đo các loại; Hệ thống xử lý khí thải ô tô; Linh kiện nhựa cho ô tô; Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn; Kính chắn gió, cần gạt nước, ghế xe, v.v...
Từ đó, có thể hiểu CNHT ngành SX ô tô bao gồm nhiều ngành CN SX sản phẩm trung gian, cung cấp linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, bán thành phẩm, các dịch vụ hỗ trợ SX như thiết kế, nhà xưởng, kho bãi, kiểm tra sản phẩm... theo các quy trình SX nhất định để lắp ráp, SX ra sản phẩm ô tô hoàn chỉnh trước khi đưa ra thị trường. Nói cách khác, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô là tổ hợp các ngành sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành lắp ráp sản phẩm ô tô hoàn chỉnh.
2.1.2. Đặc điểm của công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô Thực tiễn hoạt động SX kinh doanh cho thấy, CNHT ngành ô tô có các đặc điểm: mang tính xã hội hóa sâu rộng, đa dạng về công nghệ và đây là ngành SX thứ phát phụ thuộc vào nhu cầu SX sản phẩm cuối cùng (ô tô).
Một là, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là một tổ hợp sản xuất mang tính xã hội sâu rộng
Như trên đã nêu CNHT ngành SX ô tô tạo ra rất nhiều loại chi tiết sản phẩm, ví dụ ở Nhật Bản đưa ra ước định có khoảng 20.000 – 30.000 chi tiết khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu SX ô tô. Đối với nước ta, chỉ riêng danh mục sản phẩm CNHT ngành SX ô tô được ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ phát triển trong Quyết định của Chính phủ ban hành năm 2015 đã có đến gần 100 loại chi tiết sản phẩm khác nhau. Điều này cho thấy, CNHT là một tổ hợp rất nhiều ngành SX dựa trên phân công chuyên môn hóa sâu và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo một cơ cấu kỹ thuật, công nghệ và cơ cấu giá trị trong một thời điểm xác định. Theo A. Smith: Sự phát triển của phân công lao động xã hội là nguyên nhân làm tăng năng suất lao động, nó phản ánh sự tiến bộ của sản xuất, nó quyết định mức độ sản lượng và mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn [1, tr 48-54]. Có thể suy ra, việc phân chia SX của CNHT ngành ô tô thành nhiều nghề và công việc khác nhau thực chất đó là phân công lao động xã hội chứ không phải là thứ phân công lao động cá biệt, vì một DN không thể bao quát SX toàn bộ 20.000 - 30.000 chi tiết sản phẩm để lắp ráp thành một chiếc ô tô hoàn chỉnh. Các sản phẩm được tạo ra của ngành ô tô không còn giới hạn ở nhu cầu sử dụng của người SX mà nó được trao đổi, mua bán, được lưu thông đến những người sử dụng khác trong xã hội. Tức là chi tiết sản phẩm của CNHT ngành ô tô được đem bán, đầu ra của DN này lại trở thành đầu vào của DN tiếp theo. Đây chính là một hình thức phân công lao động xã hội nhiều tầng và đa cấp độ. Những người SX và DN tham gia phân công lao động xã hội này chịu sự tác động rất lớn của quy luật cạnh tranh. Tức là sản phẩm của họ có thể tiêu thụ được và cũng có thể không tiêu thụ
được; có người SX thành công và có người SX không thành công do tác động bởi cơ chế thị trường.
Với đặc điểm này, người lao động và DN SX tất yếu phải hợp tác với nhau dựa trên những nguyên tắc về tiêu chuẩn kỹ thuật chính xác trong hoạt động SX chi tiết sản phẩm hỗ trợ mà ngày nay thường sử dụng thuật ngữ “chuỗi giá trị sản phẩm” để mô tả hoạt động phân công chuyên môn hóa SX này. CNHT ngành SX ô tô vừa mang tính chuyên môn hóa và vừa mang tính hợp tác hóa sâu rộng. Ở đây, việc xã hội hóa SX không chỉ đơn thuần diễn ra về mặt kinh tế kỹ thuật, mà còn diễn ra mạnh mẽ cả về mặt kinh tế xã hội và trong quan hệ quản lý SX. Nếu không có một cơ quan thực hiện việc phân bổ, điều hòa, phối hợp việc SX của các ngành, các chi tiết sản phẩm CNHT thì không thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm và sẽ không có được kết quả như mong muốn.
Suy cho cùng, sự phát triển của lực lượng SX mang tính xã hội hóa cao là nguyên nhân thúc đẩy phân công lao động xã hội trong việc SX sản phẩm hỗ trợ ngành SX ô tô, nhưng nó cũng bắt nguồn từ ý thức sử dụng lợi thế của phân công lao động, chuyên môn hóa SX để phát triển ngành CN này. C.Mác cũng đánh giá cao về sự phát triển của phân công lao động xã hội, cho đó là:
Sự phản ánh trình độ phát triển cao của lực lượng SX, đồng thời mỗi bước tiến của sự phân công lao động xã hội lại có tác dụng thúc đẩy lực lượng SX của xã hội phát triển, nhờ đó năng suất lao động xã hội tăng cao [23, tr 529-534]. Phân công chuyên môn hóa SX càng sâu rộng, thì một sản phẩm hoàn chỉnh càng không còn là do một người, một DN SX ra, mà tất yếu phải là kết quả của tổ hợp bởi rất nhiều người, nhiều công ty, thậm chí ở nhiều nước khác nhau cùng tham gia SX.
Hai là, sản xuất của công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô dựa trên tích hợp của nhiều loại công nghệ
Do CNHT ngành SX ô tô có đặc điểm dựa trên phân công chuyên môn hóa sâu rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, phối hợp với nhau nên việc SX
của CNHT chính là sự tích hợp của rất nhiều loại công nghệ và nhiều trình độ công nghệ khác nhau; SX của CNHT ngành ô tô tuy có sự tách biệt về không gian, thời gian SX nhưng phải tuân thủ yêu cầu đồng bộ về trình độ công nghệ. Để có được sản phẩm ô tô trước khi đưa ra thị trường, trong quá trình SX luôn đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều loại công nghệ và trình độ công nghệ SX phụ tùng, linh kiện của DN CNHT ngành SX ô tô. Với hàng chục nghìn phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cấu thành sản phẩm ô tô hoàn chỉnh, đòi hỏi những mức độ công nghệ khác nhau, liên quan tới hầu hết các lĩnh vực SX, từ SX cao su, nhựa, hóa chất, sơn cho tới gia công cơ khí, điện, điện tử, điều khiển chính xác, điện lạnh… Giá trị gia tăng của việc SX các linh kiện, các quy trình cũng khác nhau rất nhiều. Nhiều bộ phận tinh xảo có giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi kỹ thuật SX, công nghệ rất cao như những bộ phận điều khiển, điện tử, hệ thống máy,… mà chỉ những nhà cung cấp lớn mới có thể đáp ứng. Ngược lại, có những chi tiết đòi hỏi kỹ thuật không quá khó có thể mua sắm từ những nhà cung ứng cấp thấp để SX thành những cụm linh kiện.
Sự đa dạng về trình độ công nghệ thể hiện trong các cấp độ tham gia hệ thống cung cấp, những nhà cung cấp lớn có trình độ công nghệ cao, sản phẩm tinh xảo, giá trị gia tăng lớn. Ngược lại, những nhà cung cấp cấp thấp, sở hữu