Theo Từ điển Luật học, thì hộ gia đình là “tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng”. Trên khía cạnh pháp lý, hộ gia đình có các điều kiện sau sẽ có thể là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (vay vốn, mua, bán, thuê, mượn,…) với đặc điểm: các thành viên có tài sản chung; cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định.
Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa cụ thể về hộ gia đình. Bộ luật Dân sự 2005 không định nghĩa trực tiếp thế nào là hộ gia đình, nhưng Điều 106 quy định như sau: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Vậy hộ gia đình là chủ thể gồm các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tức không phải mọi hộ gia đình đều là chủ thể trong pháp luật dân sự, cũng như chủ thể hộ gia đình theo pháp luật dân sự không được tham gia mọi hoạt động, mà chỉ trong các quan hệ sản xuất kinh doanh.
Bộ luật Dân sự 2015 không quy định tài sản chung của hộ gia đình theo phương pháp liệt kê như Bộ luật Dân sự 2005 mà quy định tài sản chung của hộ gia
đình gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và tài sản khác được các thành viên thỏa thuận là tài sản chung. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên hộ gia đình được thực hiện theo thỏa thuận của các thành viên.
Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý”. Do không có bất kỳ văn bản hướng dẫn cụ thể tài sản nào là tư liệu sản xuất và tài sản nào được coi là có giá trị lớn, đã dẫn đến sự áp dụng pháp luật không thống nhất. Bộ luật Dân sự 2015 quy định hộ gia đình là chủ thể không có tư cách pháp nhân - đây là vấn đề chưa được xác định rõ tại Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, các thành viên trong hộ gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình, trong trường hợp tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ.
Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.” tức hộ gia đình theo Luật Đất đai được xác định dựa trên sổ hộ khẩu, nhưng phải tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Đồng thời Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sở hữu đối với thửa đất nhiều người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật còn thiếu đồng nhất, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình chỉ ghi tên một người đại diện; trong khi đất là tài sản chung được sử dụng ổn định, lâu dài nên thành viên trong sổ hộ khẩu có rất nhiều thay đổi. Nếu khi thực hiện giao dịch chỉ căn cứ vào sổ hộ khẩu thì không hợp lý, nên căn cứ thêm vào quyết định cấp đất, giao đất, cho thuê đất của nhà nước để xác định những người có quyền sở hữu chung.
Bộ Luật Dân sự năm 2005 sử dụng khái niệm cá nhân để phân biệt với khái niệm pháp nhân. Theo đó, cá nhân bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch, trong đó công dân là loại chủ thể cá nhân chủ yếu của quan hệ pháp luật dân sự. Việc xác định tư cách chủ thể cả cá nhân trong quan hệ pháp luật dân sự được dựa trên cơ sở năng lực hủ thể của cá nhân bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết và năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân chỉ có được khi đạt độ tuổi nhất định.