1. Ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm:
1.1. Tóm lược sáng kiến kinh nghiệm:
Trường PTDTBT là trường phổ thông chuyên biệt, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ giáo dục phổ thông, vừa phải làm tốt việc quản lý, chăm sóc và rèn luyện học sinh (chức năng bán trú). Do vậy, công tác quản lý học sinh bán trú và nội trú có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo số lượng để ổn định quy mô trường lớp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục lối sống cho học sinh góp phần thực hiện tốt mục tiêu của trường PTDTBT là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc. Vì vậy, điểm mới của đề tài là đề cập đến các giải pháp để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ có tính chất đặc thù nhằm giáo dục lối sống cho học sinh thuộc diện bán trú, nội trú và là con em của đồng bào Bru-Vân Kiều có hiệu quả. Qua đó khẳng định tính ưu việt của mô hình trường PTDTBT đối với vùng đặc biệt khó khăn với đối tượng là học sinh dân tộc Bru-Vân Kiều.
1.2. Ý nghĩa tổng quát của sáng kiến kinh nghiệm:
Trường PTDTBT là một mô hình mới, nhiều hoạt động còn mới mẽ cả với cấp quản lý, với Ban giám hiệu và cả với giáo viên của nhà trường. Sáng kiến kinh nghiệm đã nêu rõ các giải pháp để thực hiện tốt hai trong ba nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của trường PTDTBT là tính bán trú và tính dân tộc, từ đó giáo dục kiến thức kỹ năng, đạo đức, lối sống cho học sinh con em đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều nói chung và học sinh dân tộc Bru-Vân kiều thuộc diện bán trú, nội trú nói riêng. Sáng kiến nêu lên những giải pháp, biện pháp, nội dung cần thực hiện và hình thức tiến hành; trình bày có hệ thống cách thức thực hiện của từng công việc của mỗi giải pháp để giáo dục học sinh, xuất phát từ thực tiễn đã tổ chức thực hiện có hiệu quả ở đơn vị. Học sinh đã thực sự coi trường “vừa là trường vừa là nhà của các em”, “Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ của các em”. Cán bộ, giáo viên, nhân viên đã xác định rõ quan điểm “Trường là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc Bru- Vân Kiều là anh em ruột thịt”, thực sự bám lớp, bám trường với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng núi, vùng sâu, vùng xa với các vùng miền xuôi. Sáng kiến có thể vận dụng để áp dụng đối với các trường PTDTBT và trường PTDTNT có học sinh đồng bào dân tộc.
2. Kiến nghị đề xuất:
- Mô hình trường PTDTBT đã đi vào hoạt động và bước đầu đưa đến những kết quả khả quan đối với học sinh trên địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, do học sinh ở xa và còn quá nhỏ (lớp 3,4) về ở tập trung nên công việc chăm sóc hướng dẫn nề nếp, lối sống tập thể cho học sinh ban đầu hết sức khó khăn và phức tạp, đề nghị nhà trường tăng cường bố trí thêm giáo viên quản lý các phòng có học sinh nhỏ.
- Đề nghị có phụ cấp bán trú đối với nhân viên bởi công việc của cán bộ giáo viên hay nhân viên đều gắn trách nhiệm với hoạt động bán trú nhằm đưa mô hình này thiết thực, hiệu quả hơn trong công tác giáo dục học sinh của nhà trường.
- Ủy ban nhân dân xã có trường PTDTBT cần chỉ đạo các trưởng thôn, bản hỗ trợ nhà trường điều tra số liệu phục vụ xét chọn học sinh bán trú, nhằm đảm bảo tính công khai minh bật về chế độ chính sách đối với học sinh thuộc diện bán trú.
- Kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp kinh phí của phụ huynh, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm từ thiện...để nhà trường tổ chức ăn uống và nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh nội trú.
- UBND huyện cần mở thêm các lớp dạy tiếng dân tộc Bru- Vân Kiều cho cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại vùng có đồng bào dân tộc Bru- Vân Kiều.
- Nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú trong huyện, tỉnh để các trường học hỏi kinh nghiệm, tham khảo ý kiến của nhau trong việc tổ chức mô hình hoạt đông mới.
- Hàng năm sở giáo dục, phòng giáo dục cần mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức giáo dục học sinh dân tộc, học sinh bán trú để cán bộ giáo viên tích lũy, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh ở trường bán trú.
Quảng Bình, ngày 20 tháng 5 năm 2015 TÁC GIẢ
22
Nội dung