Đặc điểm chung

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Đặc điểm viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi có suy dinh dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Trang 64 - 66)

Theo kết quả phân tích được, chúng tôi ghi nhận trẻ mắc viêm phổi có tuổi từ 2 tháng - < 12 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất (35,1%), tiếp đó là nhóm trẻ từ 24 – 60 tháng chiếm 33,2% và 12 - <24 tháng chiếm 31,7%. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Chung Hữu Nghị là 38,8% trẻ mắc viêm phổi nằm trong độ tuổi từ 2 tháng – <12 tháng, còn lại trẻ từ 12 – 60 tháng chiếm tỷ lệ 61,2% [16]. Nghiên cứu của Nguyễn Thành Nhômcũng ghi nhận trong 130 trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi mắc viêm phổi có 38,5% trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi và 61,5% trẻ thuộc nhóm 12 tháng đến 5 tuổi [20]. Một nghiên cứu khác của Huỳnh Văn Tường cũng cho tỷ lệ viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng – <12 tháng là 40,3% và từ 12 – <60 tháng là 59,7% [34].

Một số nghiên cứu khác lại ghi nhận tỷ lệ trẻ từ 2 tháng – dưới 12 tháng nhập viện vì viêm phổi cao hơn. Nghiên cứu của Võ Hồng Phượng ghi nhận trẻ VP từ 2-<12 tháng chiếm tỷ lệ 65,8%, nhóm tuổi từ 12-60 tháng chiếm 34,2% [24]. Trong nghiên cứu của Trịnh Thị Ngọc, trẻ trong nhóm tuổi 2 tháng - 12 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao với 53,1%, nhóm còn lại 13-24 tháng chiếm 23,3% và 25 – 60 tháng chiếm 23,6% [18]. Tỷ lệ mắc viêm phổi cao ở nhóm tuổi từ 2 tháng - < 12 tháng chứng tỏ trẻ càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm phổi. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ mắc VP ở nhóm 24 tháng - 60 tháng cao hơn nhóm 12 tháng - <24 tháng (33,2% và 31,7%) có thể do khoảng tuổi từ 24-60 tháng dài hơn khoảng tuổi từ 12 tháng - < 24 tháng và

mẫu nghiên cứu của chúng tôi có trung vị độ tuổi là 27 tháng, tuổi lớn nhất là 58 tháng.

Nghiên cứu của chúng tôi có 170 trẻ nam chiếm 65,6% cao hơn so với 89 trẻ nữ chiếm 34,4%. Tỷ số trẻ nam/trẻ nữ 1,9/1. Nhiều nghiên cứu của các tác giả khác cũng cho kết quả tương tự:62,4% các trẻ em là nam giới trong nghiên cứu của Shan tại viện trẻ em ở Đại học Tô Châu, Affiliated [69]. Ở Bangladesh, nhiều trẻ em nam hơn trẻ em nữ được đưa đến bệnh viện vì viêm phổi, theo nghiên cứu của Aliya Naheed có 65% trẻ nam, 35% là trẻ nữ mắc VP trong thời gian nghiên cứu [57]. Tại Việt Nam,nghiên cứu của Hồ Đỗ Vinh (2014) cho tỷ lệ trẻ nam/trẻ nữ là 1,41/1 [38]; vàLưu Thị Thuỳ Dương (2019) trẻ nam chiếm ưu thế hơn trẻ nữ (64,3% so với 35,7%) [5].

Một số nghiên cứu khác lại đưa ra kết quả trẻ nữ chiếm ưu thế hơn trẻ nam. Nghiên cứu của Shamo’on (2004) có 49% nam và 51% nữ [68]. Nguyễn Thành Nhôm và cộng sự (2015) cũng ghi nhận nam chiếm 46,9%, nữ chiếm 53,2% [20].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có 63,7% trẻ dân tộc Kinh mắc viêm phổi phải nhập viện cao hơn nhóm trẻ dân tộc thiểu số là 36,3%. Nghiên cứu của Lưu Thị Thuỳ Dương cũng cho kết quả tương tự với tần số mắc bệnh giữa dân tộc Kinh là 62,6% cao hơn dân tộc thiểu số là 37,4% [5]. Tỷ lệ này tương đối phù hợp với đặc điểm dân số tại Việt Nam vì nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh là chiếm đa số. Phần lớn trẻ mắc viêm phổi trong nghiên cứu của chúng tôi ở nông thôn, chiếm tỷ lệ 56,4 % cao hơn trẻ sống ở thành thị chiếm tỷ lệ 43,6%. Kết quả này tương tự nghiên cứu của Võ Minh Tân (2018 với 52,1% trẻ sống ở nông thôn và 47,9% trẻ sống ở thành thị [26]. Nghiên cứu của Võ Hồng Phượng (2018) cũng cho thấy trẻ sống ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ sống thành thị (61,3% so với 38,3%)[24]. Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đây là bệnh viện tuyến trung ương nhưng nằm tại một tỉnh trung du miền núi,

chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân của các huyện trong tỉnh và một số tỉnh miền núi lân cận như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... Ngoài ra, có thể do ở vùng thành thị trình độ dân trí của các bậc cha mẹ cao hơn, kiến thức về chăm sóc trẻ bệnh cũng tốt hơn nên trẻ ít phải nhập viện hơn.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Đặc điểm viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi có suy dinh dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)