0
Tải bản đầy đủ (.doc) (30 trang)

Thực trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam

Một phần của tài liệu CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC Ở VÙNG MIỀN NÚI VIỆT NAM (CHƯƠNG 1) (Trang 28 -31 )

Ở nước ta, trong những năm qua, phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu vẫn còn dựa vào việc khai thác TNTN, năng suất lao động còn thấp, công nghệ sản xuất, quy mô tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải

ra nhiều chất độc hại. Nguồn TNTN ở nhiều nơi bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả, môi trường bị ô nhiễm và suy thoái. Số liệu thống kê cho thấy sự suy giảm đất canh tác, suy thoái chất lượng đất và sa mạc hoá cũng đang diễn ra. Xói mòn, rửa trôi, khô hạn, sạt lở đất… đang xảy ra phổ biến ở nhiều nơi làm cho khoảng 50% trong số 33 triệu ha đất tự nhiên được coi là “có vấn đề suy thoái” [79]. Các chất dinh dưỡng bị rửa trôi có thể đến 15 -170 tấn/ha/năm ở những vùng đất dốc. Mỗi năm nước ta có hơn một tỉ m3

nước thải hầu hết chưa được xử lý thải ra môi trường. Nhiều hệ sinh thái tự nhiên bị xâm phạm, suy giảm diện tích. Trong vòng không đầy 50 năm, diện tích rừng ngập mặn suy giảm gần 3/4 diện tích…

Vùng núi Việt Nam được đặc trưng bởi tính phức tạp và đa dạng cao, địa hình chia cắt mạnh, tạo nên sự đa dạng sinh thái, ĐDSH chứa đựng nhiều loài đặc hữu và có nhiều cảnh quan độc đáo. Tuy nhiên sự đa dạng cảnh quan như vậy cũng gây ra những điều kiện sinh thái mong manh, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, cường độ mưa mạnh, mưa tập trung, gây ra hạn hán vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa. Những trận lũ quét ở miền núi đã tàn phá nghiêm trọng TNTN và gây nhiều thiệt hại khác. Vùng núi Việt Nam cũng chính là ngôi nhà chung cho hầu hết các dân tộc thiểu số.

Trong điều kiện Việt Nam, một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có nguồn gốc khác nhau, một số dân tộc có nguồn gốc bản địa, một số dân tộc có nguồn gốc di cư từ nơi khác đến vào những thời điểm khác nhau, do vậy xuất phát điểm và sự phát triển của từng dân tộc rất khác nhau.

Trong cộng đồng các dân tộc nước ta, dân tộc Kinh phân bố chủ yếu ở đồng bằng, ven biển với tỷ lệ lớn, chiếm số đông ở các vùng thấp, thành phố, thị xã, thị trấn các tỉnh trung du - miền núi và cửa khẩu biên giới; các dân tộc thiểu số gồm 53 dân tộc, sinh sống chủ yếu ở miền núi, thường phân bố theo những độ cao khác nhau và sinh tụ theo sắc tộc, dòng họ, cộng đồng... đã tạo nên những tập quán truyền thống phong phú về sản xuất, đời sống, mang đậm bản sặc tộc người.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, cộng đồng các dân tộc thiểu số đang trong tình trạng khó khăn và chậm phát triển. Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, chưa thoát khỏi nền kinh tế tự cung tự cấp. Tỉ lệ người mù chữ cao và tình trạng bỏ học còn nhiều, cơ sở hạ tầng thấp kém... Cùng với những phong tục tập quán sản xuất lạc hậu, dân số tăng nhanh khiến cho đồng bào các dân tộc khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự nghèo nàn và lạc hậu. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì mong muốn đầu tiên là đủ ăn, đủ lương thực để sinh sống. Song một vấn đề đặt ra ở khu vực miền núi, dân tộc đó là an ninh lương thực mâu thuẫn với sự phát triển bền vững. Đồng bào các dân tộc để sản xuất đủ lương thực và có thu nhập đáp ứng các nhu cầu, khi dân số tăng nhanh, việc phá rừng mở rộng diện tích nương du canh là không tránh khỏi. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây xói mòn và suy thái đất. Như vậy một loạt các thách thức đang tồn tại cho sự phát triển bền vững của khu vực miền núi, vùng cao nơi cư trú của các dân tộc thiểu số.

Đối với vùng miền núi, rừng là một nguồn tài nguyên sinh vật quý giá nhất, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH và bảo vệ môi trường. Năm 1943, nước ta có khoảng 14.325.000 ha rừng, với độ che phủ là 43,7%. Đến năm 1990 chỉ còn lại 9.175.600 ha với độ che phủ là 28%. Cho đến năm 2000, nhờ những nỗ lực to lớn trong công tác phục hồi rừng và trồng rừng, độ che phủ rừng đã tăng lên 33,2%. Đến nay (2005), độ che phủ rừng là 36,7% với tổng diện tích là 12.307.000 ha. Trên thực tế, diện tích rừng che phủ có tăng nhưng chất lượng rừng vẫn còn xa mức ổn định và đang tiếp tục chịu những áp lực lớn. Khai thác rừng bừa bãi không tuân thủ các nguyên tắc lâm sinh gây thiệt hại lớn cho vốn rừng, nhất là khu vực rừng già, rừng đầu nguồn. Canh tác nương rẫy đang làm cho diện tích rừng bị thu hẹp lại và nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên. Suy thoái tài nguyên rừng kéo theo suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học, mất rừng làm cho đất đai xói mòn rửa trôi. Hiện tượng thiếu đất canh tác đang rất phổ biến, ảnh hưởng đến an toàn lương thực và đe doạ đến sự phát triển

bền vững của miền núi [128 - tr49]. Các số liệu thống kê cho thấy, trung bình từ năm 1960 đến nay, hàng năm đất nông nghiệp miền núi mất khoảng 1,5 cm đất mặt. Tại nhiều vùng sự suy thoái đất còn kéo theo cả sự suy thoái về hệ thực vật, động vật và môi trường địa phương, đồng thời làm cho diện tích đất nông nghiệp trên đầu người giảm xuống đến mức báo động [124, tr 103-104].

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nhìn nhận vấn đề một cách bi quan, bởi vì mỗi một cộng đồng dân tộc, theo cách riêng của mình đã thích nghi với các đặc điểm tự nhiên và xã hội khác nhau, từ đó dẫn tới nhiều loại hình sử dụng tài nguyên và phương thức canh tác khác nhau. Đồng thời, trong sản xuất và đời sống họ đã tích luỹ được một khối lượng lớn những kiến thức về môi trường nơi họ ở, và về các cách khác nhau để quản lý tài nguyên trong một môi trường chung đầy khó khăn. Sức ép dân số ngày một gia tăng, TNTN ngày một cạn kiệt, đã buộc con người phải có những cách ứng xử mới với thiên nhiên. Đồng thời phải biết bảo lưu những giá trị văn hoá, những KTBĐ của cộng đồng các dân tộc. Đ ể đảm bảo được tính bền vững về các phương diện : tài nguyên môi trường, kinh tế, văn hoá, xã hội thì đối với mỗi một cộng đồng dân tộc phải có sự ứng xử khác nhau, tuỳ thuộc vào môi trường địa lý và bản sắc văn hoá của mình.

Một phần của tài liệu CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC Ở VÙNG MIỀN NÚI VIỆT NAM (CHƯƠNG 1) (Trang 28 -31 )

×