kinh tế - xã hội
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong đó chiếm đại đa số là dân tộc Kinh (Việt) (85,65%), 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm (14,35%) tổng số dân. Tình trạng cư trú đan xen là một trong những nét nổi bật trong bản đồ thành phần dân tộc nước ta. Do đặc điểm lịch sử của cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt và chống giặc ngoại xâm, các dân tộc ở
Việt Nam, thiểu số cũng như đa số tuy trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội, phong tục tập quán, lối sống... khác nhau, nhưng đều chung truyền thống đoàn kết, thống nhất cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Trong lịch sử Việt Nam hiếm có những xung đột dân tộc gay gắt hay tình trạng căng thẳng trong quan hệ dân tộc, mặc dù trong nhiều thời kỳ bị xâm lược, đô hộ, các loại kẻ thù đều thực hiện chính sách "chia để trị" gây thù hằn, mâu thuẫn giữa các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do tình trạng cư trú xen kẽ ngày càng tăng nên, khác với nhiều nước trên thế giới, các dân tộc nước ta không có lãnh thổ tự nhiên riêng biệt, cùng chịu hậu quả của các chế độ áp bức bóc lột trong lịch sử, nên trình độ phát triển kinh tế văn hoá xã hội giữa các dân tộc còn chênh lệch nhau [111; tr 13].
Sự khác biệt của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam được thể hiện rõ ở các phương diện :
Về kinh tế : Có dân tộc đã đạt trình độ kinh tế hàng hoá, có những dân
tộc mới chỉ vượt qua trình độ nền kinh tế tự nhiên, bước đầu chuyển sang nền kinh tế tự cung tự cấp, sản xuất với công cụ thô sơ, thậm trí chưa biết dùng sức kéo, súc vật, chưa biết làm thuỷ lợi, có dân tộc còn ở trình độ bán tự cung tự cấp.
Về xã hội : Có những dân tộc đạt tới mức độ phân hoá giai cấp sâu sắc với
một cơ cấu xã hội phức tạp, nhưng cũng có những dân tộc mới chỉ đạt ở trình độ ban đầu, manh nha có giai cấp hoặc phân tầng giàu - nghèo.
Về ngôn ngữ : Các dân tộc có tiếng nói riêng. Trong 54 dân tộc, có một số
dân tộc có chữ viết, phần lớn ở các tỉnh phía nam.
Về tôn giáo : Các dân tộc nước ta theo những tín ngưỡng, tôn giáo khác
nhau, hiện nay diễn biến khá phức tạp.
Trong quá trình phát triển, do nhiều nguyên nhân như : điều kiện địa lý, những nguyên nhân lịch sử hậu quả của chính sách thực dân trước đây, lịch sử hình thành các dân tộc... nên nhìn chung, tình trạng phát triển không đều trên các lĩnh vực còn rõ rệt, sự chênh lệch còn lớn. Trong tình hình đó, các dân tộc ở nước ta bước vào thời kỳ xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hoá -
hiện đại hoá chịu ảnh hưởng của hai xu thế : liên kết, hoà hợp, đồng thời mỗi dân tộc có đặc thù văn hoá riêng. Điều này đòi hỏi phải nắm vững cái chung hướng các dân tộc vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời phải có những chính sách riêng bổ sung nhằm thích ứng tích cực với đặc thù từng dân tộc.
Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đòi hỏi phải chú ý và quan tâm hơn nữa tới việc phát triển kinh tế xã hội ở các vùng, các miền trên cả nước. Đồng thời phải đặt vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc trong một bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự nghiệp Đổi mới đất nước đòi hỏi tăng cường giao lưu kinh tế, văn hoá và giúp đỡ tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc. Quan hệ dân tộc cần được xem xét một cách cụ thể, trên cơ sở điều tra khảo sát toàn diện về quá trình phát triển tộc người của các dân tộc ở nước ta. Từ đó có sự ưu tiên phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng của đất nước, vừa thu hẹp dần sự chênh lệch về kinh tế, văn hoá và xã hội giữa các dân tộc, đảm bảo cho các dân tộc thiểu số có bước phát triển với tốc độ nhanh bằng những hình thức và bước đi phù hợp, phát huy hiệu quả giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, trong đó phải đánh giá đúng mức vai trò của dân tộc đa số. Về mặt văn hoá xã hội, tiến hành phân bố lại dân cư lao động, xoá đói giảm nghèo đối với các vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm đến sự phát triển văn hoá của các dân tộc, phát hiện, khai thác, giữ gìn, bảo lưu văn hoá dân tộc.
Thực tiễn phát triển đất nước, việc giải quyết vấn đề dân tộc trong một quốc gia - dân tộc được giải quyết đúng đắn là một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa [148; tr 168]. Đó là chìa khoá để nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước.