CHUẨN BỊ cho TƯƠNG LA

Một phần của tài liệu CHỨNG TỰ KỶ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TRƯỞNG THÀNH (Trang 32 - 193)

Cha mẹ cần can dự vào việc chuẩn bị để bảo đảm là sẽ có chương trình chuyển tiếp hợp với nguyện vọng của con; về phần thiếu niên em cần nói lên mơ ước của mình, điều em ưa thích và giỏi dang lẫn điều không thích và yếu kém, và có cuộc hội ý tất cả những ai liên hệ đến việc chuẩn bị cho em ra đời sau trung học. Điều thiếu niên phải đối đầu là vừa phải học các điều cần biết của bậc trung học, mà cũng phải học những kỹ năng cần thiết cho tương lai, cho việc chuyển bước sang thế giới của người trưởng thành. Dù em sẽ vào đại học, đi làm, sống độc lập hay ở trong nhà tập thể, em cần chuẩn bị trong những năm trung học cho mọi hoàn cảnh của cuộc sống thường ngày. Trung học là lúc cho ta xem xét các hy vọng tương lai của em, và trang bị cho em khả năng để thực hiện chúng.

Ngày nay cha mẹ ý thức nhiều hơn về chứng tự kỷ, nên có khuynh hướng nỗ lực mạnh mẽ để giúp con sống đời tốt đẹp hơn, so với cuộc sống của người khuyết tật thuộc thế hệ trước. Trong lúc đó trường học không theo kịp cách suy nghĩ này, và không chuẩn bị cho đa số học sinh tự kỷ về việc ra đời sau trung học, bất kể là em chọn đường hướng nào là học lên cao, đi làm, ra riêng hoặc sống chung trong nhà tập thể. Cha mẹ và học sinh được cho biết rất ít chọn lựa về tương lai, có trường hợp không được cho biết tất cả những đường hướng em có thể chọn, và nhân viên hữu trách chỉ trình bầy điều gì hợp cho chính phủ, thay vì điều gì có lợi cho thiếu niên lẫn xã hội về lâu về dài.

Thí dụ thầy cô nói rằng em có khả năng học nghề ở trường TAFE (tại Úc) với ý là học xong thì em đi làm, nhưng họ không nói thêm là số người tự kỷ hay Asperger tìm được việc làm so ra rất thấp so với người bình thường (69% không có việc làm tại Hoa Kỳ, 85% tại Anh), dù người tự kỷ nói rằng họ làm việc giỏi dang và chăm chỉ. Khi học xong mà không có việc làm thì em sẽ ngồi nhà nhìn bốn bức tường 24 tiếng một ngày ư ? Đó là lý do cha mẹ cần biết nhiều thông tin, các thiếu sót của hệ thống trợ giúp người khuyết tật, và quyền lợi của con để trang bị khi nói chuyện với nhân viên chính phủ, nhà trường trong cuộc họp bàn chương trình học cho em. Điều quan trọng là cha mẹ và thiếu niên có cái nhìn thực tế, biết những gì sẽ gặp, thực trạng chờ đợi em khi học xong, có sáng kiến và nghĩ tới những điều gì có thể làm được cho em.

Một cách chuẩn bị cho việc đi làm khi học xong là em tập đi làm trong lúc ở bậc trung học, hoặc có lương hoặc làm thiện nguyện dựa theo điều em ưa thích. Nếu ưa thích thú vật em có thể xin làm trong cửa hàng bán thú cưng (pet) hoặc ngay cả sở thú, cho em nào có mơ ước học ngành thú y. Cha mẹ giúp được con bằng cách tìm chủ nhân nào cần tài năng đặc biệt cho thương nghiệp của họ, như cần người biết về thảo chương điện toán (programer), biết vẽ, trang trí, làm trang web v.v., tức những tài năng mà thiếu niên có. Đây cũng có thể là bước đầu cho thiếu niên tập loại công việc tự mình làm chủ, dẫn tới hành nghề tự do mai kia.

Để quảng cáo và trưng ra tài năng của mình thì thiếu niên có thể làm trang web trên internet, hoặc soạn một tập gồm những tài liệu mẫu (portfolio) cho chủ nhân xem. Thời gian ở trung học còn có thể được dùng để luyện kỹ năng cho thêm tinh xảo, giúp em tìm việc dễ dàng hơn. Điều hiển nhiên là muốn thành công trong công việc thì người ta nên chọn ngành thuộc khả năng của mình; mà như vậy cũng chưa đủ vì biết kềm chế sự lo lắng, làm chủ tính khí và có kỹ năng giao tiếp là những điều cần yếu ngang với kỹ năng.

● Thời Gian Chuyển Tiếp sau Trung Học.

Điều hiển nhiên là tùy theo khả năng của con mà bạn lập chương trình cho tương lai, nếu xét thấy con có thể theo đường học vấn thì đại học là đích nhắm, còn nếu có dự tính cho em đi làm thì nên nhìn vào sinh hoạt của cộng đồng để lấy ý. Thiếu niên cần tỏ ý về tương lai của mình; với người tự kỷ biết nói rành rọt thì em biết nói lên mình muốn gì cho tương lai; ai không biết nói thì cần cho em phương tiện để tỏ ý.

Về việc làm nếu không tìm ra điều gì như mong muốn thì có lẽ bạn cần phải hội ý với toán ở trường lo về chuyển tiếp cho học sinh. Lấy thí dụ cha mẹ nghĩ rằng phụ việc ở thư viện hợp với con nhưng thư việc không dự tính mướn nhân viên lúc này; thay vào đó khi được cha mẹ cho biết ý định, toán hỗ trợ của nhà trường đề nghị việc khác là cho thiếu niên tập việc ở nhà trẻ vì em tỏ ra thích trẻ nhỏ. Cha mẹ thuận theo và sau

một thời gian học việc rồi tập sự, nhà trẻ cho hay em làm được việc và họ rất sẵn lòng nhận em vào làm. Câu chuyện cho bài học là cha mẹ cần uyển chuyển, sẵn sàng đổi thái độ và niềm tin khi thấy làm vậy thuận tiện cho con.

Trường hợp khác thì có thể cha mẹ phải tìm tòi và tạo cơ hội cho con làm việc, khi không có sẵn cơ hội ấy ở chung quanh. Thí dụ đưa ra là có em lúc nhỏ thích tháo đồng hồ, máy móc rời ra hết và sau đó ráp lại dễ dàng. Cha mẹ nhận biết khả năng này nên lúc con trưởng thành, giúp con mở thương nghiệp nhỏ là lắp ráp và sửa xe đạp, như vậy khi cha mẹ xông xáo không quản khó nhọc thì con tự kỷ có khả năng thấp vẫn có thể sống đời ý nghĩa, có việc làm hợp với em. Chuyện quan trọng ở đây là chính cha mẹ phải tạo ra cơ hội mà không thể mong nhờ vào ai khác.

Đề nghị đưa ra là nếu bạn thấy có việc hợp với ước muốn và sở thích của con thì tìm hiểu xem thiếu niên cần có những kỹ năng chi, phải có hỗ trợ gì để thành công trong môi trường đó. Sự việc nhấn mạnh thêm điều ta đã nhắc tới đôi lần ở trên, là sự thành công của việc làm trong tương lai tùy thuộc vào việc phát triển khả năng và sở thích của em ở bậc trung học.

Giống như mọi ai khác, thiếu niên sẽ vui vẻ sung sướng khi làm điều mà em thích thú mà chắc chắn bạn muốn con sống hạnh phúc, vậy hãy xem có những cách nào giúp em tìm được việc làm ưa thích; hoặc hay hơn nữa bạn tạo cơ hội cho con có việc làm nếu không thấy có việc gì hợp với con. Thường thường với người tự kỷ khả năng thấp thì cha mẹ cần nỗ lực nhiều hơn để tìm việc cho con. Ngay cả khi ta chưa biết em sẽ làm được việc gì, ta vẫn phải dạy thiếu niên những kỹ năng cần thiết cho mọi nghề như biết xếp đặt, có óc tổ chức, ngăn nắp v.v. Khi không được cho cơ hội phát triển tài năng hoặc luyện tập để có kỹ năng cần thiết, có hỗ trợ đúng cách để thành công trong việc làm, đa số người tự kỷ hay Asperger khó có được việc làm và có việc nhưng không sử dụng được hết khả năng của mình.

Chót hết thì điều cần nhớ ở đây là đối xử với con tự kỷ của bạn y như là với con bình thường về mặt tìm việc, có nghĩa:

○ Quan tâm đến tài năng, năng khiếu, mơ ước của thiếu niên.

Em thích làm điều gì, em làm điều gì giỏi ? Người biết nói thì có thể cho cha mẹ, thày cô hay còn với ai không thể diễn tả ý nghĩ rõ ràng hoặc là không biết nói thì cha mẹ cần quan sát kỹ hơn, và hỏi thăm ý kiến của thầy cô, những ai tiếp xúc với thiếu niên và biết rõ về em như bạn bè.

○ Tìm người làm gương cho con noi theo. Thiếu niên bình thường có những gương thành công ngoài đời khiến em ngưỡng mộ thì thiếu niên tự kỷ cũng có những người cho em bắt chước; có nhiều sách do người tự kỷ viết, ghi lại kinh nghiệm làm việc của họ, bạn nên tìm đọc để có thông tin thực dụng, biết họ đã chuẩn bị ra sao và công việc đòi hỏi chuyện chi, cùng điều gì hữu ích trong việc chuẩn bị đi làm. Sau đây là vài điểm nêu ra trong các sách này:

− Nhiều người bình thường không thích việc làm của mình nhưng họ làm vì lợi nhuận, tức động cơ thúc đẩy là lợi nhuận. Với người tự kỷ thì lợi nhuận có khi không phải là động cơ mạnh gợi hứng cho họ, và bởi họ cần phải thích loại công việc mà họ

làm vậy thì chuyện đặc biệt quan trọng là tìm loại công việc thích hợp cho chính cá nhân.

− Ghi một bảng những điều ưa thích và không thích, ưu điểm và điểm yếu cũng như là điều gì quan trọng cho họ trong môi trường làm việc, thí dụ có ít tiếng ồn, không có ánh sáng chói. Các chi tiết này có thể hữu ích khi xem xét những việc họ có thể làm hoặc thích hợp cho họ. Các câu hỏi nên đặt ra là: Tôi được độc lập tới mức nào ? Nếu tôi cần giúp đỡ thì có được trợ giúp không ? Tôi phải làm bao lâu thì được nghỉ xả hơi ?

− Người tự kỷ đóng góp gì được cho thương nghiệp. Nếu muốn giúp con tìm việc thì bạn phải biết tâm lý của chủ nhân, trình bầy lợi ích của việc mướn người tự kỷ mới mong họ xét đơn thuận lợi.

− Kỹ năng giao tiếp. Cho dù kỹ năng này không quan trọng để làm được việc, nhưng nó lại quan trọng để người ta giữ được việc lâu dài vì có nhận xét rằng việc làm không phải chỉ là việc làm, mà còn là đối xử với người khác. Chỗ làm khác nhau có thể đòi hỏi kỹ năng giao tiếp khác nhau, nhưng nói chung có một số kỹ năng căn bản mà mỗi ai đi làm, là nhân viên đều nên biết. Thí dụ ai cũng phải tìm hiểu để biết người nào giúp được mình và cách hỏi xin trợ giúp, tức không phải mỗi năm phút là gọi họ hoặc muốn hỏi lúc họ đang nhận điện thoại.

− Chỉ dẫn cho bạn cùng chỗ làm. Đôi khi những bạn cùng làm với người tự kỷ cần được cho biết vài điều về họ để hiểu những tật của người này và thích nghi với chúng. Thí dụ nói 'Ảnh cần 30 giây để trả lời vì suy nghĩ chậm, xếp đặt tư tưởng không được mau lẹ' sẽ khiến người chung quanh thông cảm và tỏ ra kiên nhẫn hơn.

Sự hợp tác của người chung quanh rất cần cho sự thành công của người tự kỷ, kinh nghiệm nói rằng nếu ta có thể dạy được kỹ năng thì dạy họ. Nếu không thể dạy thì thích nghi nó với khung cảnh, tìm cách khác để làm. Và nếu không tìm ra cách khác thay thế thì dạy người chung quanh cách đối phó.

− Tự làm chủ. Ngoài ba cách làm việc chính nêu ra trong quiển Tự Kỷ và Trị Liệu cho người khuyết tật nói chung, một cách khác nữa là hành nghề tự do hay tự làm chủ mà ai có khả năng nhiều hay ít đều cũng có thể làm được. Thường thường đó là việc làm dựa trên năng khiếu khéo léo, kỹ xảo riêng biệt của một người; họ có thể tự mình làm được hết việc mà cũng có khi chỉ làm được một phần nào, và phải giao phần họ không thể làm cho người khác hoàn tất.

Cách dàn xếp này cho cá nhân cơ hội làm điều mà họ thích làm, không bị gò bó trong hệ thống hay khuôn khổ, hoặc bị giới hạn vì môi trường không có sẵn hoạt động thích hợp cho họ, và nó cũng cho họ nhiều kiểm soát hơn về khung cảnh chung quanh.

● Tiến Thân Bằng Chữ Nghĩa.

Nhiều người tự kỷ khả năng cao thành đạt bằng đường học vấn, một số theo đuổi môn mà họ ham mê như toán, điện toán, nhạc. Bởi có nhiều ngành học, điều quan trọng ở đây cũng giống như trên là tìm ngành hợp với sở thích và khả năng của người tự kỷ. Sách vở cho ra một số nhận xét đáng nói, mô tả sự khác biệt giữa bậc trung học và đại học như khác biệt giữa chuyện đi phi cơ thương mại và tự mình lái phi cơ riêng. Ở

trung học, học sinh được cha mẹ và cộng đồng chung quanh hỗ trợ với cha mẹ là người cầm lái vận mạng cho em; khi vào đại học thì người tự kỷ phải điều khiển phi cơ của mình. Những khác biệt được kê ra là:

○ Ở bậc trung học, trọn cộng đồng nhận biết em. Thầy cô quen với của thiếu niên, quen biết gia đình và ngay cả anh chị em của em theo học cùng trường trước hay sau em vài năm; họ biết học sinh thuộc về khu trong vùng. Ngược lại trên đại học, giáo sư và nhân viên không biết gia đình em là ai, từ đâu tới, và có đông sinh viên đông giáo sư hơn; đại học thường rộng lớn hơn trung học.

○ Thời khóa biểu trên đại học khác với trung học, sự thay đổi có thể khó cho người tự kỷ nhất là khi sinh viên rời nhà ra thành phố trọ học hoặc ở trong ký túc xá. Họ sẽ có bạn cùng phòng và cần có kỹ năng tự lo thân để sống độc lập. Sinh viên còn phải có thể sinh hoạt theo thời biểu trong tuần, hoặc nửa năm học. Chẳng những kỹ năng giao tiếp cần thiết để việc sống chung diễn ra suông sẻ, mà nó cũng rất thiết yếu khi nói chuyện với văn phòng, giáo sư. Nhân viên đại học và giáo sư có thể không quen thuộc với chứng tự kỷ và thấy lạ lùng với cách ăn nói của họ; người tự kỷ có thể không diễn tả được hết ý mình hoặc làm người khác hiểu được nhu cầu của mình, và hệ quả là không được trợ giúp như ý hoặc đạt được điều mong muốn.

Về điểm này, trường đại học và trường TAFE tại Úc có những dịch vụ hỗ trợ rất hữu ích cho người khuyết tật mà cha mẹ và người tự kỷ nên biết để sử dụng. Mặc dầu vậy, vẫn có những người không biết đến nhu cầu đặc biệt của sinh viên, thế nên dưới đây là những gợi ý để giúp việc học được dễ dàng hơn:

○ Đưa ra thông tin về chứng tự kỷ cho những ai mà sinh viên cần phải tiếp xúc, cho biết cách nó ảnh hưởng sinh viên, khó khăn mà anh phải đương đầu và cách thức nào có thể giúp anh. Đây là lúc mà kỹ năng tự biện hộ sẽ giúp ích cho chính sinh viên, và không nên ngần ngại cho biết rằng mình có chứng tự kỷ để được giúp đỡ.

○ Cách thức đã dùng ở trung học cũng dùng lại được ở đại học, như viết ra thời biểu, ghi ra bảng điều cần nhớ hoặc cần làm, dùng hình, biểu đồ, video đều có ích. Đây là kỹ năng cho cả đời mà không phải chỉ cho một giai đoạn, vì thế nó đáng công cho bạn dành thì giờ dạy con.

Chương Ba: Giao Tiếp

Tổng Quát I. DẠY ĐIỀU CHI

Liên Lạc Tỏ ý Cách Giao Tiếp Giúp Phát Triển Kỹ Năng Trò Chuyện Dạy Khi Nào II. NHỮNG YẾU TỐ KHÁC III. TÌNH BẠN

Kết Bạn Tạo Cơ Hội Duy Trì Tình Bạn

Tổng Quát

Chúng ta dùng nhiều loại kỹ năng giao tiếp mỗi lần tương tác với ai, còn khi trẻ tự kỷ hay thiếu niên chơi một mình thì không bị đòi hỏi phải có kỹ năng giao tiếp, và đó là lý do nhiều người tự kỷ thích chơi riêng rẽ; chuyện không phức tạp khi chơi một mình và em không phạm lỗi lầm vì không cần theo luật chơi của người khác. Kỹ năng

Một phần của tài liệu CHỨNG TỰ KỶ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TRƯỞNG THÀNH (Trang 32 - 193)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)